Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Chiều ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với 465/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 56 điều; quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định, điều chỉnh các hành vi trên nguyên tắc bảo vệ tối đa người bị bạo lực gia đình với tư cách là chủ thể quyền được xác định theo Hiến pháp năm 2013 mà không bị giới hạn bởi bất kỳ một yếu tố nào về vị trí trong gia đình, giới tính, phong tục, tập quán và địa vị xã hội... Luật quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan xoay quanh trách nhiệm bảo vệ người bị bạo lực, đặc biệt là đối tượng đặc thù, yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật; ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình. Đồng thời Luật cũng quy định rõ các biện pháp về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, giúp đỡ người bị bạo lực gia đình. Người bị bạo lực gia đình được xác định là đối tượng trung tâm trong xây dựng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ.

Luật đã hoàn thiện hơn các biện pháp đang áp dụng trong thực tiễn, đồng thời đưa ra các biện pháp mới như: Biện pháp yêu cầu người bạo hành gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra bạo lực gia đình hay biện pháp phải thực hiện công việc phục vụ lợi ích cộng đồng. Ngoài ra, để đảm bảo các biện pháp này có tính khả thi cao trong thực tiễn, Luật còn quy định một chương riêng về điều kiện đảm bảo với các quy định về nguồn tài chính, cơ chế phối hợp liên ngành, hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình...

Việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam với quốc tế về quyền con người, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

P.V

Các Tin khác