Du lịch biển Nam Định - Cơ hội và thách thức

Du lịch biển Nam Định - Cơ hội và thách thức

Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển nằm ở trung tâm vùng Nam châu thổ sông Hồng, có vị thế quan trọng trong trục hành lang phát triển kinh tế ven biển dọc theo vùng duyên hải Bắc Bộ, có điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội và những yếu tố nguồn lực thuận lợi để phát triển du lịch với tốc độ nhanh, bền vững. Cách Thủ đô Hà Nội 90 km, Nam Định có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng phong phú bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn có khả năng tổ chức các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên sinh thái đang trở thành xu hướng phát triển du lịch bền vững đảm bảo cân đối hài hòa giữa 3 mục tiêu: kinh tế, môi trường và xã hội trong phát triển du lịch hiện nay.

1. Điều kiện tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch biển

Là một vùng đất có truyền thống lịch sử văn hiến đồng thời là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước sông Hồng, tỉnh Nam Định lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể dồi dào, đa dạng, phong phú có thể khai thác phát triển du lịch kết hợp với các sản phẩm du lịch biển đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa tại các huyện ven biển phía nam của tỉnh. Nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: quần thể di tích văn hoá Trần, Phủ Dầy, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Cầu Ngói, Chùa Lương…Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm nhà thờ Công giáo rất đa dạng về quy mô, độc đáo về kiểu dáng kiến trúc, phân bố tập trung ở các huyện phía Nam tỉnh như: Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng được du khách trong nước và quốc tế rất quan tâm mỗi khi có dịp đến tham quan

Bãi biển Hải Hậu - Ảnh: Hương Nhu

Nam Định có bờ biển dài 72 km bắt đầu từ cửa sông Ba Lạt - nơi dòng sông Hồng chảy về với Biển Đông đến cửa sông Đáy với những bãi biển đã được khai thác, xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thuỷ) với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành du lịch khá hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của du khách. Khu vực bãi biển Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cũng đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Năm 2004, Vườn quốc gia Xuân Thủy cùng với các vùng đất ngập nước ven biển ở khu vực đồng bằng sông Hồng thuộc các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó Vườn quốc gia Xuân Thuỷ trở thành vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo, đạt được ba điều nhất đó là “Đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất và cũng là hệ sinh thái nhạy cảm nhất”.Các hoạt động du lịch chính là tới thăm quan, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm.

2. Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch biển

Trong giai đoạn trước đây cũng như hiện nay, với chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tăng cường phát triển kinh tế biển đảo, các ngành kinh tế biển nói chung và du lịch biển nói riêng có nhiều điều kiện để phát triển thuận lợi. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định những năm qua đã triển khai chỉ đạo và thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng tôn tạo cảnh quan môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của khách đến du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Tại các khu, điểm du lịch ven biển, mạng lưới cơ sở kinh doanh du lịch phát triển khá nhanh với nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ. Tính đến năm 2020, các khu du lịch biển có hơn 300 khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, kios được đầu tư xây dựng với trang thiết bị, tiện nghi, có chất lượng buồng phòng đạt tiêu chuẩnphục vụ nhu cầu của khách du lịch.Lượng khách du lịch đến thăm quan tại các khu điểm du lịch ven biển trong những năm qua tăng khá nhanh và chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh Nam Định.

Bến cá Giao Hải - Ảnh: Hương Nhu

Sau khi quy hoạch chi tiết các khu du lịch biển được UBND tỉnh phê duyệt; các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường, kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Nhiều dự án đầu tư hạ tầng (đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý môi trường, thu gom rác thải…) được triển khai. Sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung ương cùng với các nguồn vốn khác của địa phương đã góp phần làm thay đổi diện mạo các khu du lịch biển trong tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Ngành du lịch Nam Định cũng nỗ lực khai thác và hình thành một số loại hình du lịch chủ yếu: du lịch tham quan, du lịch lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.. Tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách giai đoạn 2010-2019 đạt 5,9%. Tốc độ tăng trưởng bình quân thu nhập du lịch giai đoạn 2010-2019 đạt 19,6%. Tuy nhiên sau hơn 20 năm tập trung đầu tư phát triển đến năm 2020, 2021 do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngành du lịch toàn tỉnh nói chung và du lịch biển nói riêng bị thiệt hại nặng nề: khu vực kè, tường chắn sóng của Khu du lịch Thịnh Long bị đánh sập, sụt gãy; cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng nặng, lao động mất việc làm...

Trong những năm qua, du lịch biển Nam Định cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Công tác quy hoạch chưa được khoa học và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sản phẩm du lịch biển còn nghèo nàn, đơn điệu khai thác ở dạng tự nhiên, chưa được đầu tư nâng cấp. Chất lượng dịch vụ du lịch thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong tỉnh năng lực hạn chế. Công tác quảng bá xúc tiến, thu hút đầu tư du lịch yếu, chưa tiếp cận được thị trường có khả năng chi trả cao ở trong nước và nước ngoài. Những tồn tại, hạn chế nêu trên bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

- Xuất phát điểm của du lịch biển của Nam Định thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành du lịch yếu kém song chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nhân, các nhà đầu tư trong ngành du lịch có tiềm lực ở trong nước và nước ngoài trong khi các cơ sở kinh doanh du lịch biển tại địa phương chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, chất lượng dịch vụ chỉ ở mức trung bình.

- Các sản phẩm du lịch biển chịu ảnh hưởng mạnh của yếu tố mùa vụ nên dòng khách đến với loại hình du lịch này thiếu ổn định, chủ yếu là khách nội địa khả năng chi trả thấp.

- Công tác quảng bá xúc tiến du lịch chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kinh phí tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường khách trọng điểm.

- Chất lượng nguồn nhân lực du lịch thấp, gần 50% lao động trực tiếp trong các cơ sở kinh doanh du lịch là lao động phổ thông chưa qua đào tạo và mang tính thời vụ tập trung chủ yếu ở các khu du lịch ven biển.

3. Giải pháp phát triển du lịch biển Nam Định

Cơ hội:

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chương trình hành động số 28-Ctr/TU ngày 05/12/2018 xác định mục tiêu lâu dài, xuyên suốt trong từng giai đoạn phát triển và phấn đấu kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Hiện nay, Nam Định đang triển khai dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong đó có công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạnh Giang và cụm công trình kênh đào nối sông Đáy và Ninh Cơ; đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng và các tuyến đường mới…..Các dự án hoàn thành sẽ góp phần mở ra không gian phát triển về đô thị, công nghiệp; đặc biệt là vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định kết nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia cao tốc Bắc Nam góp phần khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển của tỉnh như khu du lịch dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu du lịch biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy), Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Rạng Đông (Nghĩa Hưng)...Đây là tin vui mở ra triển vọng cho phát triển du lịch biển Nam Định trong tương lai.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy - Ảnh: Hương Nhu

Thách thức

- Công tác xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch chậm, những biện pháp đảm bảo triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể chưa đồng bộ. Việc xây dựng các công trình, kể cả các công trình du lịch (đặc biệt là các khu du lịch biển) còn tùy tiện, chắp vá hoặc trùng lặp do nhiều chủ sở hữu, chủ quản lý khác nhau, không tuân thủ các yêu cầu của quy hoạch; sự phối hợp giữa các ngành liên quan và chính quyền địa phương trong quản lý phát triển theo quy hoạch còn nhiều bất cập.

- Vùng ven biển Nam Định so với tương quan các địa bàn khác trong các tỉnh ven biển toàn quốc chưa có nhiều lợi thế so sánh và hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn. Hầu hết các nguồn vốn đầu tư còn mang tính nhỏ giọt và thiếu đồng bộ nên du lịch biển Nam Định vẫn chưa phát triển tương xứng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.Các phương tiện tàu thuyền phục vụ khách thăm quan vườn còn thiếu và chất lượng chưa cao, bến thuyền tại Vườn quốc gia chưa được đầu tư quy mô, bài bản.

- Du lịch biển Nam Định chỉ mang yếu tố mùa vụ, tập trung vào thời điểm hè. Các khu du lịch biển của Nam Định chịu ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu rệt, thiên tai, bão lũ hằng năm gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, kinh tế và đời sống của nhân dân.

- Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có sức hấp dẫn, chất lượng dịch vụ thấp. Có thể nói, du lịch biển Nam Định hiện nay đang ở mức độ cạnh tranh thấp so với nhiều tỉnh lân cận; hệ thống sản phẩm dịch vụ du lịch tuy có phát triển, song chất lượng chưa cao, chưa đủ sức hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Thiếu các loại hình vui chơi, giải trí để kéo dài thời gian lưu lại của khách du lịch.

- Lao động cho phát triển du lịch biển chưa được chú trọng. Số lượng lao động có đào tạo về chuyên ngành du lịch còn thấp, nguồn nhân lực du lịch ở địa phương chủ yếu mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ nhân lực phục vụ cho ngành du lịch còn nhiều hạn chế về kỹ năng, về ngoại ngữ, giao tiếp, ứng xử với khách du lịch…

- Hoạt động xã hội hóa du lịch chưa được phát huy đúng mức, chưa có cơ chế và giải pháp để kích thích và thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc đầu tư, kinh doanh du lịch (đặc biệt trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, đầu tư hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật).

Giải pháp:

Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: “Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới” vì thế tỉnh Nam Định cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:

- Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý, thực hiện các quy hoạch và tăng cường liên kết vùng biển và ven biển gắn với phát triển du lịch. Tiến hành rà soát, lập quy hoạch ưu tiên theo thứ tự các khu du lịch biển của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước hình thành cơ bản về kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao. Cùng với đó là nâng cao chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch, mời chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn điều chỉnh; chú trọng phản biện xã hội về quy hoạch để đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa nhà đầu tư - Nhà nước - người dân.

Bình minh ở biển - Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ các nhà hàng khu vực ven biển để thay bằng hệ thống cây xanh (khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long). Khi quy hoạch đầu tư khu du lịch Rạng Đông, Vườn quốc gia Xuân Thủy cần thận trọng, chặt chẽ, nghiêm túc chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm kinh doanh du lịch biển đảo. Nghiêm cấm xây dựng không phép trong các khu du lịch đã được quy hoạch. Việc cấp phép xây dựng mới các công trình dịch vụ, nhà ở trong khu du lịch phải có ý kiến của các Sở ngành liên quan như: Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Huy động các nguồn lực để đầu tư hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật vùng biển và ven biển gắn với phát triển du lịch. Có chính sách ưu tiên, ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thuê đất và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư về du lịch biển đặc biệt là các dự án đầu tư theo hướng du lịch “xanh” thân thiện với môi trường. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch bảo vệ, tôn tạo di tích, bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch góp phần hấp dẫn khách du lịch. Ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích, mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm ở các vùng ven biển. Phát triển nhanh hệ thống phương tiện vận tải đường thủy, bến thuyền để hình thành một số tuyến du lịch, các dịch vụ du lịch đường thủy tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.

- Tăng cường vai trò và năng lực quản lý nhà nước về du lịch của cán bộ từ tỉnh đến các huyện ven biển để phối hợp và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và phát triển du lịch biển theo đúng quy hoạch của địa phương.Tập trung đào tạo nhân lực du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ làm du lịch có khả năng, kiến thức, trình độ.

- Xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch trong đó chú trọng: đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng hình ảnh Nam Định trong lòng du khách; kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự xúc tiến du lịch, xây dựng kế hoạch kinh phí cho xúc tiến quảng bá, xây dựng lộ trình thực hiện và các biện pháp phối hợp liên tỉnh trong xúc tiến quảng bá du lịch.

Phòng QLDL


Các Tin khác
- Phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch 16/10
- Phát huy giá trị của hệ thống nhà thờ công giáo tại Nam Định trong phát triển du lịch 15/10
- Vườn Quốc gia Xuân Thủy - 20 năm hình thành và phát triển 15/10
- Nét ẩm thực Việt VTV3 hành trình khám phá, quảng bá ẩm thực tại Nam Định 14/10
- Ngày Du lịch Thế giới năm 2024: Du lịch và Hòa bình 26/09
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định lưu ý khi ký kết các hợp đồng lữ hành trên địa bàn tỉnh 14/06
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định tổ chức Khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch năm 2024 22/05
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia xúc tiến quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 12/04
- Thông báo về việc tổ chức khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế năm 2024 04/04
- Du lịch Nam Định khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024 19/03
- Nam Định tổ chức Festival Phở 2024: tôn vinh văn hóa ẩm thực Phở hướng tới di sản văn hóa phi vật thể 13/03
- " Sở hữu kỳ nghỉ” - cân nhắc kỹ từ tìm hiểu thông tin đến kí kết hợp đồng 08/12
- Khai trương Cổng thông tin khám phá du lịch tỉnh Nam Định 01/12
- Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững 15/11
- Ngày Du lịch Thế giới năm 2023: Du lịch và đầu tư xanh 14/09