Phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch

Phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch

Bên cạnh hệ thống di tích lịch sử văn hóa đậm đặc, các lễ hội phong phú, ẩm thực đa dạng, bờ biển dài, Nam Định còn được biết đến là vùng “đất trăm nghề” với lịch sử hàng trăm năm. Đây là một di sản quý giá được trao truyền qua các thế hệ ông cha. Phát huy vai trò của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch là một hướng đi quan trọng, vừa để bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống đồng thời phát triển làng nghề bền vững đóng góp tích cực vào nền kinh tế.


Nam Định có trên một trăm làng nghề, được chia thành các nhóm: Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; Nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí, tái chế; Nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Nhóm làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; Nhóm làng nghề xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hải Hậu, huyện Ý Yên, huyện Nam Trực, một số làng nghề truyền thống tiêu biểu với các sản phẩm như: đồ đồng, đồ gỗ, sơn mài, cây cảnh, tơ lụa…

Các làng nghề truyền thống của Nam Định theo các thư tịch cổ phần lớn xuất hiện vào thời Lý-Trần, nhưng đặc biệt hưng thịnh vào thời Trần, khi hương Tức Mặc được thăng lên thành phủ Thiên Trường vào năm 1262 khi đó Thiên Trường có vị thế như kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Việc nhà Trần cho xây dựng cung điện, nhà cửa ở Thiên Trường đã tạo ra các hoạt động kinh tế sôi động. Các làng nghề “vành đai” sản xuất phục vụ nhu cầu xây dựng cung điện, đền đài và nhu cầu tiêu dùng của giới quý tộc, thị dân đã biến Thành Nam xưa trở thành một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, với các phố phường nổi tiếng gắn với các nghề thủ công nghiệp, buôn bán sôi động chẳng kém Thăng Long, phố Hiến. Nhiều con phố được đặt tên theo các phường nghề, cho thấy sự phát triển về kinh tế - xã hội như: Phố Hàng Cấp xưa là nơi chuyên nghề dệt cấp - một thứ lụa quý dệt bằng tơ nõn, dệt lĩnh, the, gấm; phố Hàng Tiện, chuyên về mộc, chạm khắc; phố Hàng Khay nổi tiếng với mặt hàng sập gụ, tủ chè…. Phố vẫn còn đây nhưng nghề xưa đã không còn nữa. Nhưng gốc của nghề vẫn còn giữ vẹn nguyên ở các vùng nông thôn Nam Định. Một số làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định có thể kể đến như: đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên và sơn mài Cát Đằng (Ý Yên); làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê, múa rối nước làng Rạch, làng khăn xếp Giáp Nhất (Nam Trực); ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); đồ gỗ mỹ nghệ Hải Minh, kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu); làng nghề nước mắm Sa Châu, muối Bạch Long (Giao Thủy).

Làng nghề sơn mài Cát Đằng - Ảnh: Huyền Nhu

Có thể khẳng định làng nghề nông thôn Nam Định đã đóng góp những kết quả đáng khích lệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là các làng nghề truyền thống, ngoài các sản phẩm thủ công đẹp về mẫu mã, chất lượng tốt, kỹ thuật tinh xảo, còn là bề dày các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa được gìn giữ bảo tồn qua thăng trầm biến thiên của thời cuộc. Đó là các di tích lịch sử thờ các ông tổ nghề, các lễ hội tôn vinh nghề truyền thống được duy trì tổ chức hàng năm.

Các di tích làng nghề truyền thống tỉnh Nam Định như đình Cát Đằng, đình La Xuyên, đền thờ Đức Thánh Tổ, chùa Cổ Chất, đền - chùa Vĩnh Lại là những di tích đã được nhà nước xếp hạng bởi những giá trị về nghệ thuật kiến trúc và lịch sử. Mỗi làng nghề đều có các truyền thuyết, thư tịch về tổ nghề đã truyền dạy nghề truyền thống. Giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề còn được thể hiện qua các lễ hội làng mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Trong lễ hội làng đều có nghi thức tế tổ nghề là dịp để “ôn cố tri tân” người nay tưởng nhớ người xưa, những truyền thuyết về tổ nghề được kể lại, những tích dân gian được khôi phục một cách sống động và đầy cảm xúc.

Làng ươm tơ dệt lụa Cổ Chất

Với những giá trị truyền thống đặc sắc, du lịch làng nghề Nam Định đã bước đầu khởi sắc. Thời gian qua, công tác truyền thông quảng bá xúc tiến về các làng nghề truyền thống đã được đẩy mạnh. Một chuỗi các chương trình, phóng sự về làng nghề Nam Định đã được truyền thông trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam như: Vòng chung kết Robocon 2023; Hành trình vẻ đẹp VTV1, Check-in VTV2, Nét đẹp dân gian VTV1…Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã quan tâm khai thác điểm đến làng nghề và đưa vào chương trình du lịch để quảng bá. Công ty cổ phần Du lịch Huyền thoại Bắc Bộ đã tổ chức Lễ ra mắt bộ sản phẩm tour du lịch khám phá Nam Định, trong đó làng nghề đã trở thành một điểm đến trong hành trình khám phá du lịch Nam Định. Không chỉ riêng ngành du lịch, ngành nông nghiệp cũng đã quan tâm đến làng nghề truyền thống gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới; kiến nghị lồng ghép đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng muối Bạch Long - Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Tuy nhiên để phát triển làng nghề truyền thống thành làng nghề du lịch thay vì chỉ là nơi du khách đi qua cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp không chỉ từ phía các ngành, địa phương các cấp mà cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và những nghệ nhân, người thợ ở các làng nghề. Một số định hướng để phát triển làng nghề truyền thống thành làng nghề du lịch:

- Hỗ trợ, thúc đẩy kêu gọi thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng khu dịch vụ và trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm làng nghề. Chú trọng khu vực bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, nhà truyền thống làng nghề, cơ sở sản xuất, trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm truyền thống.

- Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch làng nghề; bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm am hiểu về nghề truyền thống của địa phương, tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng dân cư kỹ năng để làm du lịch. Bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về nghề truyền thống của quê hương. Bởi, ngoài các giá trị về nghề và sản phẩm làng nghề, du khách đến tham quan làng nghề du lịch còn kết hợp với tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán của làng quê đó.

- Thiết kế, chọn lựa các sản phẩm phù hợp làm quà tặng, quà lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá xúc tiến du lịch về làng nghề để các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành, du khách trong nước và quốc tế biết đến vẻ đẹp của các làng nghề trăm năm tuổi ở Nam Định.

Làng khăn xếp Giáp Nhất - Ảnh: Huyền Nhu

Với những giá trị đặc sắc của di tích, lễ hội và các di sản của nghề truyền thống, nhiều làng nghề của tỉnh Nam Định có tiềm năng to lớn để phát triển thành làng nghề du lịch. Sản phẩm du lịch làng nghề Nam Định sẽ được định vị để trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh góp phần phát triển bền vững kinh tế khu vực nông thôn và gìn giữ bảo tồn các giá trị trăm năm của làng nghề truyền thống.

Phòng QLDL

Các Tin khác
- Phát huy giá trị của hệ thống nhà thờ công giáo tại Nam Định trong phát triển du lịch 15/10
- Vườn Quốc gia Xuân Thủy - 20 năm hình thành và phát triển 15/10
- Nét ẩm thực Việt VTV3 hành trình khám phá, quảng bá ẩm thực tại Nam Định 14/10
- Ngày Du lịch Thế giới năm 2024: Du lịch và Hòa bình 26/09
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định lưu ý khi ký kết các hợp đồng lữ hành trên địa bàn tỉnh 14/06
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định tổ chức Khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch năm 2024 22/05
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia xúc tiến quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 12/04
- Thông báo về việc tổ chức khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế năm 2024 04/04
- Du lịch Nam Định khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024 19/03
- Nam Định tổ chức Festival Phở 2024: tôn vinh văn hóa ẩm thực Phở hướng tới di sản văn hóa phi vật thể 13/03
- " Sở hữu kỳ nghỉ” - cân nhắc kỹ từ tìm hiểu thông tin đến kí kết hợp đồng 08/12
- Khai trương Cổng thông tin khám phá du lịch tỉnh Nam Định 01/12
- Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững 15/11
- Ngày Du lịch Thế giới năm 2023: Du lịch và đầu tư xanh 14/09
- Nam Định tham gia thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng mở rộng 17/08