Những chuyển biến tích cực trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Nam Định

Năm 2017 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; là năm thứ hai thực hiện Chương trình hành động số 04-CT/TU ngày 16/02/2016 của Tỉnh ủy Nam Định về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nam Định, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XIX về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nam Định”.

Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chương trình hành động và Nghị quyết của tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) được coi trọng, trở thành hoạt động thường xuyên có ý nghĩa đối với đời sống cộng đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” và các văn bản hướng dẫn thực hiện phong trào của Ban Chỉ đạo Trung ương; công tác tuyên truyền về Phong trào TDĐKXDĐSVH được Ban Chỉ đạo các cấp triển khai, tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm tuyên truyền sâu rộng phong trào tới đông đảo quần chúng nhân dân gắn với triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biểu dương, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt phong trào, tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, hội nghị tổng kết, sơ kết, tập huấn để thu hút cộng đồng, qua đó trao đổi kinh nghiệm làm phong trào giữa các đơn vị. Các đội chiếu phim lưu động và các cuộc biểu diễn văn nghệ quần chúng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, các cuộc triển lãm, giới thiệu sách chuyên đề, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả toàn tỉnh đã tổ chức được trên 700 hội nghị, lớp tập huấn tại cơ sở, tuyên truyền lồng ghép được hơn 2.000 lượt thông tin lưu động, hơn 3.000 bài, tin, ảnh và hàng trăm tác phẩm, tiểu phẩm, kịch ngắn, tranh, thơ… về đề tài xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phục vụ các tầng lớp nhân dân.

Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như xây dựng mô hình gia đình mới bình đẳng, ấm no và hạnh phúc. Công tác bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa được thực hiện công khai, minh bạch, tổ chức khen thưởng kịp thời góp phần nâng cao chất lượng phong trào. Kết quả thực hiện năm 2017, toàn tỉnh có 490.109/594.072 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 82,5% (năm 2016 có 483.677/587.389 gia đình văn hóa, đạt 82,3%); 3014/3634 làng (thôn, xóm, tổ dân phố) được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 82,9% (vượt kế hoạch đề ra là 79,5%; tăng 4,7% so với năm 2016).

Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được duy trì. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, số cơ quan (đơn vị, doanh nghiệp) được công nhận đạt chuẩn văn hóa hiện có là 1.097/1.589 (đạt trên 69%), trong đó có 248 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp được công nhận năm 2017.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chú trọng tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân, đưa vào hương ước, quy ước làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa đã trở thành tiêu chí trong việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Việc cưới được tổ chức vui tươi, lành mạnh, giản dị, tiết kiệm, tôn trọng luật pháp, giữ gìn được thuần phong mỹ tục của dân tộc, của quê hương. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, nhiều đám cưới của cán bộ, công chức được tổ chức theo hình thức tiệc trà, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo không khí đầm ấm, hạnh phúc. Không sử dụng các phương tiện công trong đám cưới. Xuất hiện nhiều cách làm hay trong tổ chức lễ cưới, trở thành những điển hình được nhân rộng trong toàn tỉnh như: Tổ chức lễ cưới tại nhà văn hóa thôn, do đại diện các cơ quan, đoàn thể làm chủ hôn (huyện Vụ Bản), mô hình Đoàn Thanh niên đứng ra tham gia hỗ trợ với ban tổ chức đám cưới như: Xây dựng chương trình văn nghệ, sắp xếp đội hình nghi lễ theo tập quán truyền thống, vận động đoàn viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới (một số xã của Mỹ Lộc). Tại huyện Giao Thủy đã triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần”, góp phần hạn chế và tiến tới xóa bỏ tục “Ăn cỗ lấy phần” tồn tại hàng chục năm ở địa phương. Việc chấp hành an toàn giao thông, không lấn chiếm, sử dụng lòng đường, vỉa hè đã được khắc phục.

Việc tang được tổ chức trang trọng, tiết kiệm. Các hủ tục như: lăn đường, khóc mướn... đã dần được hạn chế. Nhiều nơi thực hiện việc luân chuyển vòng hoa trong lễ viếng. Đặc biệt, thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy khuyến khích việc hỏa táng, hỗ trợ mỗi gia đình có người mất thực hiện hỏa táng số tiền ba triệu đồng, được quy định cụ thể trong quy ước thực hiện nếp sống văn hóa của thị trấn. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, năm 2017, toàn tỉnh có 12.358 đám cưới, 10.187 đám tang thực hiện nếp sống văn hóa; 3.667 đám tang thực hiện hỏa táng.

Thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng Nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng và hoàn thiện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá, vận động nhân dân, các tổ chức, đoàn thể, huy động sức người, sức của xây dựng nhà văn hoá xã, thôn, từ đó tạo nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất về văn hoá, thể thao một cách bền vững... Nhà văn hóa cấp xã, nhà văn hóa thôn, xóm đã phát huy hiệu quả khi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được truyền tải tới người dân thông qua các buổi hội họp của chi bộ, Chi Hội Phụ nữ, Chi Hội Cựu chiến binh, Chi Hội Người cao tuổi, Chi Đoàn Thanh niên…; trở thành nơi gắn kết các thành viên trong cộng đồng dân cư, tăng tình đoàn kết xóm làng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là nơi sinh hoạt của nhiều câu lạc bộ (CLB) như: CLB dưỡng sinh, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá… thường xuyên thu hút các thành viên ở mọi lứa tuổi tham gia tập luyện nâng cao sức khoẻ. Việc xây dựng, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa đã làm phong phú các hoạt động trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tính đến tháng 11/2017, tỉnh Nam Định có 01 Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh; 11 nhà văn hóa của các ngành như công an, quân đội, thanh niên; 10 nhà văn hóa cấp huyện; 140 nhà văn hóa cấp xã độc lập và 69 xã, thị trấn dùng chung hội trường UBND, 2647/3634 nhà văn hóa thôn, xóm và 1911/3634 sân thể thao thôn, xóm, 19 điểm vui chơi cho trẻ em tại trung tâm huyện, 309 điểm vui chơi cho trẻ em tại xã.

Nhà văn hóa, khu thể thao cấp xã, thôn được xây dựng và hoàn thiện góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Năm 2017, toàn tỉnh có 866 đội văn nghệ và 62 CLB văn hóa văn nghệ quần chúng, với gần 2.000 hội viên tham gia và tổ chức được 624 buổi biểu diễn, thu hút được hơn 2 triệu lượt người xem đã góp phần tích cực để nhân dân tham gia hoạt động, sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được phát động ở các cấp, các ngành đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân, thanh thiếu niên tham gia, góp phần đưa phong trào ngày càng phát triển về chất lượng và số lượng, đã trở thành một phong trào tự nguyện, tự giác, thường xuyên của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, các bậc cao niên và lực lượng thanh thiếu niên, lực lượng vũ trang. Hiện nay toàn tỉnh có trên 1.557 CLB thể thao cơ sở. Năm 2017, tổ chức được 30 giải thể thao cấp tỉnh; 160 giải thể thao cấp huyện; 660 giải thi đấu thể thao cơ sở; số người tập luyện TDTT thường xuyên chiếm 30,7% dân số toàn tỉnh, 18.9% số hộ tập thể dục thể thao thường xuyên, 100% số trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất nội khóa và 97,5% thực hiện chương trình giáo dục thể chất ngoại khóa; 100% cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe.

Phong trào thi đua lao động sáng tạo được phát động mạnh mẽ, đều khắp trên các lĩnh vực, đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế, các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận, đoàn thể và lực lượng vũ trang, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đoàn thể, mọi cơ quan, đơn vị và trong nhân dân, làm cho phong trào thi đua yêu nước, xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến phát triển sôi nổi trong toàn tỉnh, góp phần, tạo môi trường xã hội lành mạnh, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Năm 2017 có 1.672 tập thể, cá nhân ở các cấp từ cơ sở tới tỉnh được biểu dương khen thưởng, có 80 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH (2000-2015) được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, triển khai, phát động phong trào sâu rộng và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện. Các địa phương và các cơ quan, đơn vị không chỉ quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ chính trị và Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội mà còn kịp thời xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện, một số địa phương có cách làm hay, phù hợp với thực tiễn của cơ sở. Nhiều địa phương, cơ quan đơn vị, trong quá trình vận động và triển khai đã trú trọng việc nâng cao chất lượng phong trào, không chạy theo số lượng nhằm đảm bảo hiệu quả cao và đưa phong trào phát triển một cách bền vững.

Có thể nói năm 2017, Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Nam Định đã phát triển đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có những chuyển biến tích cực. Đó là những kết quả đáng khích lệ để các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào trong thời gian tới.

Tuy nhiên trên thực tế chất lượng của phong trào còn chưa đồng đều, thiếu bền vững; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội khu vực đô thị chuyển biến chậm hơn so với nông thôn. Công tác kiểm tra sau khi được công nhận đạt chuẩn văn hóa ở một số địa phương chưa nghiêm. Việc đánh giá công nhận vẫn chưa toàn diện, chưa thấy được những nét nổi bật của từng địa phương, đơn vị để nhân rộng, phát huy. Việc thực hiện báo cáo, số liệu thống kê chưa kịp thời, gây khó khăn cho việc tổng hợp của Ban Chỉ đạo các cấp. Hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp chưa được thường xuyên. Việc công nhận lần đầu, đề nghị công nhận lại “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” còn lúng túng.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Phong trào TDĐKXDĐSVH, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, cùng với việc nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng (thôn, xóm), tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình văn hóa, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XIX về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nam Định. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các nội dung của Phong trào nhằm đưa phong trào phát triển có chiều sâu. Tiếp tục chỉ đạo việc ký kết chương trình và kế hoạch phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc thực hiện Phong trào và lồng ghép với các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Huy động tốt mọi nguồn lực để thực hiện phong trào, đặc biệt là đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở trong việc tổ chức các hoạt động ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai phong trào và nhân rộng các mô hình tốt, những cách làm hay và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào.

N.V.H

Các Tin khác