Trực Ninh là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, huyện vẫn còn bảo tồn được hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, cổng làng, những phong tục tập quán, nếp sống, lễ hội, các loại hình văn nghệ dân gian, các nghề thủ công truyền thống. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay, các địa phương trong huyện tiếp tục quan tâm gìn giữ những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của làng quê.
Hàng năm, vào “xuân thu nhị kỳ”, các lễ hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt, là dịp để dân làng tri ân công đức các bậc tiền nhân, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, bồi đắp thêm những giá trị văn hóa mới. Hội chùa Cổ Lễ được tổ chức từ 13 đến 16 tháng 9 âm lịch nhằm suy tôn Thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không - tổ sư nghề đúc đồng với rất nhiều trò chơi dân gian vui nhộn. Hấp dẫn nhất là cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa. Chùa Ninh Cường, tên chữ là Phúc Ninh tự thuộc xã Trực Cường. Ngoài những giá trị về kiến trúc, chùa Ninh Cường còn là nơi lưu giữ những hoạt động lễ hội, văn hóa sống động của cả tổng Ninh Cường xưa. Lễ hội xuân được diễn ra ba năm một lần với các nghi thức tế lễ dâng cơm mới lên tổ lập làng, tế thần đất, thần lúa với sự tham gia của cả đồng bào Công giáo, Phật giáo cùng các trò chơi dân gian như: Hội sơn quân, kéo co, chọi gà, chơi cờ người, thi nấu cơm, nấu cỗ... Hội chùa vào dịp rằm tháng 7 có các trò vui như tổ tôm điếm, cờ người, ban đêm tổ chức hát chèo. Trong đó, trò “phường động” (hội sơn quân) làm cho không khí đám rước lễ hội thêm sôi động, hấp dẫn. Phường động gồm 36 người đeo mặt nạ tượng trưng cho người và vật, đi đầu đám rước vừa múa, vừa chạy, nhảy diễn các trò vui, tái hiện những gian truân của thầy trò Đường Tăng trên đường đi thỉnh kinh, hướng con người làm việc thiện, điều phúc cho gia đình. Còn tại xã Trung Đông, địa điểm các đồn binh thời Trần đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử - văn hóa ngày 12/12/1994. Tại di tích này còn lưu giữ nhiều tài liệu quý như thần phả, sắc phong, văn bia, đại tự, câu đối nói lên sự tích cũng như những chiến thắng của quân, dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII. Hàng năm vào dịp hội làng ngày 9, 10 tháng giêng, nhân dân ba làng Xối Đông Thượng, Xối Đông Trung, Xối Đông Hạ tổ chức dâng hương, rước kiệu, tế lễ tưởng nhớ công lao các vị thần làng. Ngoài kỳ lễ này, tại đền Xối Thượng, nhân dân địa phương còn tổ chức lễ kỳ phước vào ngày 14, 15 tháng 11 âm lịch và kỳ lễ kỵ (giỗ hai vị tướng Trần Phạm và Bùi Tuyết vào ngày 18, 19 tháng 8 âm lịch) với các nghi thức tế lễ. Tại di tích đền Xối Đông Hạ vào ngày 15 tháng 6 âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức kỳ lễ nhằm ôn lại tích Thủy thần Tam Lang đã giúp tướng Trương Long cùng nhân dân địa phương chống giặc Nguyên - Mông xâm lược. Trong kỳ lễ hội này, ngoài các nghi thức tế lễ, còn tổ chức thi làm bánh chưng, bánh dày, gỏi cá trắm đen để dâng cúng thần. Đền, chùa Cổ Chất xã Phương Định không chỉ là những công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho phong cách thời Hậu Lê, thời Nguyễn mà còn là không gian diễn ra lễ hội từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 âm lịch với phần hội gồm thi bơi chải và các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu… Lễ hội đền - chùa Linh Quang, làng Phú Ninh, xã Phương Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020. Trước đây, hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian đặc trưng vùng châu thổ Bắc Bộ như: Cờ tướng, cờ người, leo cầu, đấu vật, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt lợn, bắt vịt, kéo co, bơi chải... Ngày nay, điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước nước bằng đường thủy và đường bộ.
Trực Ninh còn là vùng đất có nhiều nghề thủ công truyền thống: Nghề ươm tơ dệt vải ở Cổ Chất, Cự Trữ, Dịch Diệp; nghề mây tre đan, đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Trung Đông… Mỗi nghề đều hàm chứa nét văn hóa độc đáo, sự tài hoa, khéo léo của người thợ. Tại các đền thờ tổ nghề ngày nay vẫn duy trì tục “hiến xảo” (dâng các sản phẩm tinh xảo do chính tay thợ trong làng làm ra để bày tỏ lòng biết ơn tổ nghề đã đem lại cuộc sống ấm no cho dân làng). Đặc biệt, trong sự phát triển sôi động, hối hả của nhịp sống hiện đại, nhiều làng quê vẫn gìn giữ được nét đẹp văn hóa - lịch sử lâu đời được bao lớp thế hệ cha ông dày công vun đắp. Làng cổ Dịch Diệp được xây dựng từ đầu thế kỷ XI mang phong cách chung của làng văn hóa Việt cổ truyền thống với nhiều nét đẹp cổ kính, hệ thống đền, chùa, văn chỉ, văn đàn, y chỉ. Cùng với cổng làng phía Nam đứng bên cạnh cây cầu cuốn bắc qua sông, trong làng còn lưu giữ được một số ngôi nhà và cổng nhà cổ, cây Bồ Đề có tuổi đời 900 năm.Thôn Cự Trữ với quần thể đình làng và chùa có tuổi đời trên 500 năm, được bảo lưu gần như nguyên vẹn các lớp hoa văn họa tiết. Cùng với đó là phiên chợ quê họp giữa làng, hệ thống các cây cầu đá bắc qua sông, âm thanh rộn rã của nghề ươm tơ dệt vải truyền thống. Ở làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ, cầu Thượng được xây dựng từ thời Lý hiện là cây cầu mái lợp lá duy nhất còn sót lại…
Phát huy nét đẹp văn hóa làng, ngày nay, nhân dân các địa phương trong huyện vẫn duy trì được nhiều thuần phong mỹ tục thông qua việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy định cụ thể về quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong mỗi gia đình, giữa các gia đình trong cộng đồng; việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa… Các làng nghề truyền thống được phát triển ngày càng hưng thịnh. Đặc biệt, thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2018 - 2020, các địa phương đãphát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới, tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa. Cả 21 xã, thị trấn của huyện đều đã xây dựng được nhà văn hóa xã, thị trấn; 391 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, địa điểm sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần.
Trên cơ sở kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa làng, huyện Trực Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Số lượng, chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng lên.
Lam Hồng