Cửa Ba Lạt - nơi con sông Hồng đổ về với biển

Cửa Ba Lạt - nơi con sông Hồng đổ về với biển

Sông Hồng đổ vào đất Việt tại thượng ngàn Lào Cai, mang dòng nước đỏ nặng phù sa chảy miệt mài qua miền Việt Bắc, qua trung du rừng cọ đồi chè, bồi đắp nên châu thổ sông Hồng phì nhiêu màu mỡ, gieo mầm và nuôi lớn các thế hệ người Việt không ngừng sáng tạo, ước mơ…Và nơi con sông Hồng chảy về với biển, chính là cửa Ba Lạt huyền thoại. Cửa Ba Lạt không phải là cửa duy nhất sông Hồng đổ ra biển cả, nhưng là cửa dòng chính của sông Hồng nơi cửa sông dịu dàng hòa nước ngọt phù sa vào lòng biển mặn. Nằm cạnh cửa Ba Lạt, Vườn quốc gia Xuân Thủy là một điểm du lịch sinh thái lý thú cho du khách đam mê tìm hiểu đời sống của những loài chim di trú và muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dã mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất nơi cuối sông Hồng.

Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở phía Đông Nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cách Hà Nội khoảng 160km, bao gồm các cồn cát xen kẽ bãi bồi ngập triều nằm ven cửa sông Hồng tiếp giáp với biển Đông với diện tích trên 7.000ha. Toàn bộ vùng đệm và vùng lõi của vườn nằm trên địa phận 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Riêng khu vực vùng lõi của vườn là diện tích đất ngập mặn trên ba cồn cát cửa sông là cồn Ngạn, cồn Lu và cồn Xanh (thuộc xã Giao Thiện). Thiên nhiên đã ban tặng cho Vườn quốc gia Xuân Thủy một hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động, thực vật đặc trưng, đặc biệt là các loài thủy sinh, các loài chim nước và chim di trú. Hệ sinh thái rừng ở Xuân Thủy bao gồm rừng ngập mặn trên các bãi triều bùn lầy và rừng phi lao đã phát huy vai trò phòng hộ đê biển, ổn định khí hậu, tạo môi sinh an lành, cung cấp thức ăn và là vườn ươm giống lý tưởng cho các loài thủy sinh. Nhiều loài thủy sản có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao và giá trị kinh tế lớn. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo, đạt được ba điều nhất đó là “Đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất và cũng là hệ sinh thái nhạy cảm nhất”.

Vườn quốc gia Xuân Thủy - nơi bảo vệ cửa Ba Lạt

Du khách có cơ hội lựa chọn những tuyến du lịch phù hợp nhất cho hành trình khám phá mảnh đất con người nơi cửa sông Hồng. Ấn tượng nhất đối với du khách có lẽ là tuyến xem chim Vườn Quốc gia Xuân Thủy, nơi được coi như ngôi nhà của chim di cư. Thời gian tốt nhất để xem chim là vào mùa chim di trú (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau), Xuân Thuỷ trở thành sân ga, nơi hàng vạn con chim di trú quý hiếm thuộc hàng trăm loài khác nhau tụ tập về làm tổ, kiếm mồi, nghỉ ngơi sau cuộc hành trình trú đông dài hàng chục ngàn cây số từ phương Bắc xuống phương Nam.Vườn quốc gia Xuân Thuỷ còn được coi như ngôi nhà của một số loài động vật trong sách Đỏ như: Cò thìa (loài vật được lấy làm biểu tượng cho vườn quốc gia), Rẽ mỏ thìa, Choắt chân màng lớn, Choắt đốm đen, Cò trắng Trung Quốc, Te vàng, Choắt mỏ vàng, Mòng biển mỏ ngắn, Bồ nông.

Du khách cũng có cơ hội tham gia tuyến Du thuyền cửa sông chiêm ngưỡng những cảnh quan độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước ở cửa sông ven biển. Cano, thuyền máy hoặc tàu là những phương tiện du khách có thể lựa chọn cho hành trình khám phá nơi cuối sông Hồng. Thuyền sẽ đưa du khách len lỏi theo các kênh rạch vào trong các khu rừng ngập mặn xanh ngút ngàn tầm mắt, rộng đến hàng ngàn ha. Du khách sẽ được hướng dẫn viên bản địa giới thiệu về sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn và được tận mắt chứng kiến các hoạt động khai thác hải sản bằng các phương tiện đánh bắt thủ công truyền thống của ngư dân địa phương. Ra khỏi các khu rừng ngập mặn, thuyền sẽ đưa du khách vào khu nuôi thả ngao vạng. Trước mắt du khách là cảnh hàng trăm chòi ngao mọc lên giữa cảnh trời nước bao la khiến cho bức tranh lâm thủy hữu tình càng thêm thơ mộng. Du khách cũng có thể ghé thăm một vài chòi vạng, trò chuyện, tìm hiểu về cuộc sống gắn liền với sông nước của những người dân nơi đây. Tiếp tục hành trình, thuyền đưa du khách cập vào triền cát thuộc đuôi đảo Cồn Lu. Du khách có thể thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên hay quan sát từng bầy chim nước đang nhởn nhơ tìm mồi, mỗi lần sóng đánh chúng lại ríu rít chao liệng trên không trung... xa xa, những đàn chim nhỏ kiếm ăn ở nơi giao nhau đặc biệt này xòa cánh vút bay, rất nhanh lẫn vào màu sóng bạc. Đứng ở vị trí này, phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn cả một vùng biển trời đẹp như tranh, lắng tai nghe những ca từ tha thiết của bài hát Gửi em ở cuối sông Hồng: “Em ở phương xa, nơi con sông Hồng chảy về với biển. Ở trên anh đầu nguồn con nước, cuối dòng sông, nơi ấy quê nhà..." chắc chắn sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm đáng nhớ.

Đài quan sát - nơi du khách có thể ngắm cửa Ba Lạt từ trên cao

Đến với địa danh nơi cuối sông Hồng, du khách còn có cơ hội tham gia trải nghiệm tuyến du khảo đồng quê, khám phá những làng quê trù phú được cộng đồng dân cư địa phương tạo lập nên qua gần 200 năm với truyền thống quai đê, lấn biển, cần cù dũng cảm trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên. Bằng phương tiện xe đạp, du khách thong dong đi dọc theo tuyến đê biển để tìm hiểu đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy, thăm bến cá Giao Hải vào buổi chiều khi hàng trăm chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi xa trở về bến với những khoang cá tôm tươi rói cùng nét rạng rỡtrên gương mặt đen sạm vì nắng gió biển cả của những người dân chài. Du khách cũng có cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của cộng đồng dân cư địa phương như thăm làng nghề chế biến hải sản, làm nước mắm, nấu rượu…cùng trải nghiệm tại một phiên chợ quê, chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tôn giáo, thăm ngôi nhà bổi đặc trưng của vùng ven biển châu thổ sông Hồng với những công cụ lao động thủ công truyền thống. Ấn tượng đặc biệt đối với du khách có lẽ là được hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa làng xã trong các dịp lễ hội để tận mắt chứng kiến và tham gia các trò chơi dân gian như đấu vật, bơi chải, đi cà kheo có lịch sử hàng trăm năm từ thưở những cư dân đầu tiên đến vùng đất này với nghề chài lưới lập nghiệp mưu sinh...Buổi tối, du khách có cơ hội tham gia đêm giao lưu với nhóm văn nghệ của địa phương, thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà của đồng bằng Bắc Bộ do chính các “nghệ sỹ nông dân” biểu diễn.

Hành trình khám phá nơi con sông Hồng đổ về với biển cũng là dịp để bạn trải nghiệm và thưởng thức đặc sản Nam Định nức tiếng như: Nem nắm Giao Thủy, nem chạo Giao Xuân, nước mắm Sa Châu, mắm cáy Hoành Nha, mật ong rừng ngập mặn...Ẩm thực nơi đây luôn là sợi dây vô hình níu chân du khách bởi các món ăn mang hương vị biển cả như tôm nướng, hàu nướng, sò điệp xào, nem móng tay, nộm sứa, cá một nắng…với phong cách chế biến đậm đà rất riêng của người dân vùng biển khiến cho những ai đã từng dù chỉ một lần đặt chân đến vùng đất nơi cuối sông Hồng, thưởng thức các món hải sản tươi ngon vùng cửa sông ven biển đều nhớ mãi. Một điều thật thú vị là bạn có thể thoải mái lựa chọn địa điểm để thưởng thức trọn vẹn hương vị ẩm thực biển cả tại khuôn viên của Vườn, trên thuyền khi tham quan vùng cửa sông, trên chòi ngao hay tại những ngôi nhà truyền thống của người dân địa phương. Thức giấc ở vườn quốc gia vào hôm sau bạn không thể bỏ lỡ cơ hội ngắm bình minh trên những cánh đồng nuôi ngao. Đây cũng chính là thời điểm cho bạn những bức hình tuyệt vời nhất. Đặc biệt, bạn cũng có thể cùng với những người thân yêu của mình tổ chức những chuyến tham quan, trải nghiệm với những địa điểm lân cận như thăm nhà thờ cổ Quất Lâm (thị trấn Quất Lâm), bảo tàng Đồng quê (xã Giao Thịnh) hay trải nghiệm làm diêm dân trên đồng muối xã Bạch Long - một trong những vựa muối lớn nhất miền Bắc…

Ghi hình quảng bá du lịch trải nghiệm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy

Một chuyến du lịch trải nghiệm địa danh nơi cuối sông Hồng là cơ hội để du khách tận mắt chứng kiến sự kỳ thú của thiên nhiên, nơi biển giao hòa với rừng, “chim trời, cá nước” giao hòa với hình ảnh con người mưu sinh tạo nên bức tranh sinh động về vùng quê điển hình ở cửa sông ven biển miền Bắc. Sự đón tiếp nồng hậu của người dân, vị mặn mòi, đầy nắng và gió của biển cả, những nét văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa cùng hương vị độc đáo của những món ăn dân dã là những kỷ niệm khó quên của du khách khi tìm hiểu về mảnh đất và con người nơi đây. Cửa Ba Lạt - nơi con sông Hồng đổ về với biển - điểm du lịch hấp dẫn đang chờ đón du khách khám phá và trải nghiệm.

Bài và ảnh: Phòng QLDL

Các Tin khác
- Du lịch biển Nam Định - Cơ hội và thách thức 14/10
- Phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch 16/10
- Phát huy giá trị của hệ thống nhà thờ công giáo tại Nam Định trong phát triển du lịch 15/10
- Vườn Quốc gia Xuân Thủy - 20 năm hình thành và phát triển 15/10
- Nét ẩm thực Việt VTV3 hành trình khám phá, quảng bá ẩm thực tại Nam Định 14/10
- Ngày Du lịch Thế giới năm 2024: Du lịch và Hòa bình 26/09
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định lưu ý khi ký kết các hợp đồng lữ hành trên địa bàn tỉnh 14/06
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định tổ chức Khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch năm 2024 22/05
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia xúc tiến quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 12/04
- Thông báo về việc tổ chức khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế năm 2024 04/04
- Du lịch Nam Định khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024 19/03
- Nam Định tổ chức Festival Phở 2024: tôn vinh văn hóa ẩm thực Phở hướng tới di sản văn hóa phi vật thể 13/03
- " Sở hữu kỳ nghỉ” - cân nhắc kỹ từ tìm hiểu thông tin đến kí kết hợp đồng 08/12
- Khai trương Cổng thông tin khám phá du lịch tỉnh Nam Định 01/12
- Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững 15/11