Thị trấn Quất Lâm, điểm sáng về thực hiện nếp sông văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Thị trấn Quất Lâm nằm ở phía Tây Nam huyện Giao Thủy, cách thành phố Nam Định 45 km, cách trung tâm huyện Giao Thủy 15 km theo tỉnh lộ 489b và quốc lộ 37b. Dân số toàn thị trấn hơn 09 nghìn nhân khẩu. Đồng bào có đạo Thiên chúa chiếm 23%. Nhân dân thị trấn Quất Lâm chủ yếu sống bằng nghề sản xuất muối, chăn nuôi, trồng cây hoa màu.Với lợi thế về vị trí địa lý và địa hình, Quất Lâm còn đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, được xem là một mắt xích quan trọng trong tua du lịch Nam Định - đền Trần - vườn quốc gia Xuân Thủy.

Trong những năm qua, việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ gia đình văn hoá - nông thôn mới hàng năm củathị trấn Quất Lâmđạt trên 85% so với tổng số hộ, 17/17TDP được công nhận là TDP văn hóa - Nông thôn mới; 100% TDP có NVH, khu thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân. Điểm đáng ghi nhận là việc triển khai và thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội của Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Quất Lâm có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong công đồng dân cư.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Nam Định, huyện Giao Thủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội, Hướng dẫn số 873/HD-UBND ngày 7/12/2016 của UBND huyện Giao Thủy về việc thực hiện Cuộc Vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần”, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội thị trấn Quất Lâm đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai, hướng dẫn và lồng ghép việc thực hiện với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bổ sung nội dung quy định vào quy ước nếp sống văn hóa của địa phương, để tuyên truyền thực hiện và đã thu được kết quả tốt. Tiêu biểu là các TDP: Lâm Khang, Lâm Dũng, Lâm Thượng….

Thực tế cho thấy, phần lớn các TDP của thị trấn Quất Lâm sau khi hoàn thành việc xây dựng hương ước, quy ước thì việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ có những chuyển biến tích cực.

Việc cưới trên địa bàn thị trấn đã được tổ chức với phương châm “Trang trọng - tiết kiệm - văn minh”, đúng quy định Luật Hôn nhân và Gia đình, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương. Các đám cưới được điều chỉnh bằng quy ước, hương ước, TDP Văn hóa NTM và thông qua vai trò của các tổ chức đoàn thể nên đã có chuyển biến tích cực. Các nghi lễ theo phong tục cổ truyền trước và sau khi cưới đã giản tiện, lành mạnh. Đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng nề về đòi hỏi lễ vật; … Việc đón tiếp khách đến dự lễ mừng hôn tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi gia đình tổ chức phù hợp, đảm bảo văn minh, lịch sự. Đặc biệt thị trấn Quất Lâm là 01 trong 03 xã của huyện Giao Thủy triển khai thí điểm Cuộc Vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn và ăn cỗ không lấy phần”, tiến tới xóa bỏ hủ tục “Ăn cỗ lấy phần” tồn tại hàng chục năm nay.Hiện tượng mời khách tràn lan, ăn uống linh đình, tình trạng uống rượu say gây rối trật tự đã giảm đáng kể.Hướng dẫn thực hiện quy chế, quy ước nếp sống văn hóa mới (sửa đổi) trong việc cưới, việc tang của thị trấn quy định: “Khi đôi nam nữ đi đăng ký kết hôn và xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, gia đình 2 bên phải mời đại diện của gia đình nhà trai, hoặc nhà gái (có hộ khẩu tại thị trấn) làm việc với UBND thị trấn để làm bản cam kết không vi phạm các quy định chung, đặc biệt là không làm cỗ lấy phần,không để túi ni lông trong mâm cỗ, không dùng thuốc lá để tiếp khách. Nghiêm cấm việc tiếp âm, phóng loa to, nhạc sống, thuê karaoke, làm cỗ tiếp khách trong lễ đặt trầu”. Hương ước của cácTDP đều quy định rõ khi tổ chức đám cưới, chỉ làm cỗ đủ ăn, “không làm thêm cỗ để chia phần” và “đi ăn cỗ không lấy phần”. Nhiều đám cưới được tổ chức theo hình thức tiệc trà, tiệc ngọt, không hút thuốc lá, uống bia rượu hạn chế.

Đại đa số nhân dân trên địa bàn thị trấn đã có ý thức chấp hành những quy định tổ chức tang ma theo quy ước, hương ước TDP văn hóa - Nông thôn mới. Nếu như trước đây, các đám tang ở Quất Lâm còn khá phổ biến các hủ tục, như khóc thuê, rải vàng mã, tổ chức ăn uống linh đình, cúng viếng nhiều vòng hoa,... thì từ sau khi UBND thị trấn ban hành quy chế trong việc tang rất cụ thể từ làm lễ viếng đến đưa tang, thị trấn đã tuyên truyền tới nhân dân thông qua hệ thống loa truyền thanh, các đoàn thể, chính quyền, tới từng dòng họ, từng hộ gia đình, để người dân cùng nắm được và thực hiện. Đảng ủy và UBND xã chỉ đạo cán bộ, đảng viên toàn xã phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện lành mạnh việc tang để vận động quần chúng làm theo.Việc tang được tổ chức dưới sự điều hành và giám sát chặt chẽ của ban tang lễ; bảo đảm trang trọng, tình nghĩa, tiết kiệm, với tinh thần “sống ăn ở cùng nhau, chết chôn cất cho nhau”.Gia đình có người qua đời tổ chức khâm liệm và nhập quan từ khi chết không quá 24h và không để người chết trong gia đình 48 giờ. Mỗi đám tang chỉ dùng 3-5 vòng hoa dành cho bên nội, bên ngoại, xóm đội và đại diện cho cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương. Trong đám tang không mời thuốc lá, việc ăn uống chỉ giản tiện trong phạm vi gia đình. Tục làm cỗ đãi khách phúng viếng tràn lan trong đám tang không còn, các nghi thức như cúng: 3, 7, 49, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết tang, cải táng chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ.Các hủ tục như: trống chung, khóc kèn, tế vong linh, lễ phạt mộc, hú hồn, yểm bùa… dần được xoá bỏ. Các thủ tục: báo tử, thành lập ban tổ chức lễ tang, điều hành chương trình lễ tang, khâm liệm và nhập quan, đặt bàn thờ lễ viếng, phúng viếng… được tiến hành bài bản.Các nghi lễ tôn giáo thực hiện theo quy định của địa phương.Đồ dùng của người chết được thu dọn đưa tiêu hủy ở nghĩa trang nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường.Công tác quản trang và quy hoạch mộ theo tiêu chí xây dựng NTM từng bước có chuyển biến tích cực.

Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội, mừng thọ tại Quất Lâm cũng đang dần vào nề nếp. Trên địa bàn thị trấn Quất Lâm hiện nay tồn tại các loại hình lễ hội: lễ hội tôn giáo, hội đền và lễ khao xuân rước văn tế Tổ của các dòng họ. Nhìn chung, việc tổ chức lễ hội tại đây đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo tính trang nghiêm, không có hiện tượng lợi dụng lễ hội để hành nghệ mê tín dị đoan. Phần lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, cờ tướng, cờ người, bơi chải, đấu vật… kết hợp tổ chức văn nghệ quần chúng. Ban tổ chức các lễ hội đều nêu cao ý thức giữ gìn cho lễ hội đảm bảo an toàn giao thông, quản lý hàng quán, giữ gìn vệ sinh môi trường…Thông qua các lễ hội tại không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc và quê hương.

Lễ mừng thọ đầu năm cho các bậc cao niên được, thị trấn Quất Lâm tổ chức trang trọng tại NVH thị trấn vào dịp Tết cổ truyền hàng năm. Các đoàn thể, TDP tổ chức chúc thọ tập thể các cụ cao niên tại NVH của TDP, qua đó đã phát huy được truyền thống đạo đức “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính trên nhường dưới” động viên người cao tuổi “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Liên hoan mừng thọ chỉ tổ chức trong phạm vi nội bộ gia đình, không còn hiện tượng bắc rạp, làm cỗ mời khách ăn uống linh đình như những năm trước đây.

Điều đáng ghi nhận từ khi thực hiện quy định về nếp sống văn hoá, văn minh trong đám cưới, đám tang, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã bớt vất vả, vừa tiết kiệm kinh tế lại vừa xây dựng nét đẹp trong đời sống văn hoá. Những hủ tục, thói quen cũ như tảo hôn, mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi dài ngày, thói quen ăn ở mất vệ sinh đã giảm đi rõ rệt.

Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia ủng hộ của người dân, việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại thị trấn Quất Lâm huyện Giao Thủy thời gian qua đã đi vào chiều sâu và đạt những kết quả rất đáng ghi nhận góp phần xây dựng đời sống tinh thần tốt đẹp hơn trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, thị trấn tiếp tục tăng cường chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; lồng ghép với các nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc Vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng, giữ gìn nếp sống văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.

Đỗ Ngọc Khang

Các Tin khác