Làng nghề rối nước làng Rạch xã Hồng Quang huyện Nam Trực thu hút khách du lịch

Làng nghề rối nước làng Rạch  xã Hồng Quang huyện Nam Trực thu hút khách du lịch

Từ thành phố Nam Định, xuôi theo quốc lộ 21 khoảng 12 km, du khách sẽ đến với làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực - vùng đất hiện còn lưu giữ loại hình văn hóa dân gian mang tính dân tộc và bản sắc rất riêng, đó là nghệ thuật múa rối nước. Nghệ thuật múa rối nước lấy mặt nước làm sân khấu, lấy sự tinh tế, công phu trong điều khiển con rối, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn, sẽ là điểm dừng chân mới cho những du khách say mê các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc.

Tương truyền rằng, nghệ thuật múa rối nước xuất hiện ở làng Rạch cách đây hơn 10 thế kỷ và chính thức trở thành phường rối nước Nam Chấn vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) do nghệ nhân Mai Văn Kha đứng ra tổ chức. Xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, vào thời điểm nông nhàn, người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang đầy tính sáng tạo, gửi gắm tâm tình của những người thôn quê hồn hậu, mộc mạc trong cuộc sống mưu sinh giữa đất trời đầy nắng gió. Đồng hành cùng thời gian, người làng Rạch góp tiền, góp của bỏ công để tạc quân, chế máy và thả hồn mình để điều khiển con trò theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc.

Quảng cảnh một buổi biểu diễn tại thủy đình làng Rạch

Có đến, chiêm ngưỡng và thưởng thức mới biết nghề múa rối nước làng Rạch bình dị đấy nhưng quả thật lại công phu và độc đáo. Ngay khi vừa đặt chân tới, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi được tận mắt chiêm ngưỡng các xưởng tạo hình con rối, đây chính là nơi sản xuất các con trò để phục vụ việc biểu diễn rối nước không chỉ của làng Rạch mà còn ở một số phường rối lân cận như phường rối Nguyên Xá (Thái Bình), nhà hát Múa rối nước Việt Nam. Ít ai biết rằng, để làm một quân rối tưởng như đơn giản ấy các nghệ nhân phải chọn lựa thật cẩn thận loại gỗ và nước sơn, gỗ thường được dùng là gỗ mít hoặc vàng tâm do đặc điểm gỗ này nhẹ, sơn được quét là sơn ta, do sơn này bền màu và chống nước tốt, và trải qua 8 giai đoạn công phu: từ tạo mẫu, sấy, hom, mài đến sơn lót, sơn cầm, thếp bạc và phủ màu. Việc chế tác con rối mộc và đạo cụ không đòi hỏi sự tinh xảo nhưng cũng khá cầu kỳ, tinh tế và thẩm mỹ. Tùy từng tính cách nhân vật, mỗi quân rối được tạc với những đường nét cách điệu riêng rất có hồn. Du khách có thể trải nghiệm hoạt động chế tác, trang trí những con rối nhỏ và đơn giản để có những món quà lưu niệm thú vị sau chuyến đi.

Du khách trải nghiệm tại xưởng tạo hình rối

Nơi diễn ra các tích rối độc đáo được gọi buồng trò hay thủy đình. Thủy đình được xây dựng đối diện đình làng Rạch. Nét độc đáo của thủy đình là cột, sà đều bằng gỗ lim đen bóng, tám mái lợp ngói nam rêu phong cổ kính, tám mũi đao thuỷ đình đắp hình rồng đang phun nước, ngụ ý nước trời tắm mát cho tâm hồn các nghệ nhân múa rối nước và làm cho nước hồ không bao giờ vơi cạn. Bên cạnh thủy đình là một nhà trưng bày và bảo quản các con trò. Khách tham quan có thể tận mắt được nhìn những sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân tại đây. Sau khi tham quan làng nghề, du khách sẽ có dịp được thưởng thức một buổi biểu diễn múa rối nước.

Làng Rạch hiện có gần 1.000 con trò với hơn 40 tích trò khác nhau. Bên cạnh các tích được truyền lại từ xa xưa, các nghệ nhân hôm nay còn nghiên cứu, dàn dựng nhiều tích trò mới cho phù hợp với thị hiếu khán giả, tăng thêm sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Du khách đến tham quan, có thể đặt lịch trước với các nghệ sĩ hoặc đến đúng vào dịp Lễ hội Rối nước truyền thống làng vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm để được hòa mình vào đại tiệc múa rối nước. Theo tập tục từ lâu đời của các nghệ nhân phường rối, trước và sau mỗi buổi biểu diễn, khi hạ trò và cất con trò đi, các nghệ sĩ đều phải làm lễ tạ, gọi là “ổi rỗi” để xin Thành Hoàng làng linh ứng giúp cho buổi diễn hôm đó diễn ra tốt đẹp. Đây là một mã văn hóa thú vị với những du khách muốn tìm hiểu về nét tín ngưỡng tâm linh của bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Nghệ nhân và con rối

Một buổi biểu diễn múa rối mang tính tập thể và cố kết cộng đồng rất cao, thường có sự tham gia của 12- 20 nghệ sĩ, là sự kết hợp đồng điệu, nhịp nhàng giữa nghệ sĩ hát, nghệ sĩ nhạc công, nghệ sĩ múa rối, thể hiện đúng tinh thần đoàn kết của những người nông dân làm nông nghiệp. Mỗi tích trò có thời gian khoảng từ 10-15 phút. Buổi diễn rất nhộn nhịp với lời ca, tiếng nhạc, trong ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo. Người nghệ sĩ rối nước khéo lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, lấy âm nhạc điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác với tiết tấu truyền thống của các làn điệu chèo dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Thưởng thức các tích trò rối nước, du khách như được hòa mình vào không gian sinh hoạt thường ngày của người nông dân chân chất, hồn hậu vùng chiêm chũng như: gieo cấy lúa, tát nước bắt cá, dệt vải, đấu vật, chọi trâu; được ôn lại cuộc đấu tranh oanh liệt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các anh hùng dân tộc như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hưng đạo Đại Vương; hoặc được sống trong bầu không khí đầy nhiệt huyết của tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc với các tiết mục: đánh Pháp công đồn, Bình dân học vụ, Bắn máy bay địch, Mở hội xuống đồng… Nhìn ánh mắt lấp lánh, nụ cười hân hoan, tinh thần say mê của từng nghệ nhân trong từng tích trò mới thấm được cái tình tha thiết của những nghệ sĩ rối nước. Họ như quên đi hết cả mọi mệt mỏi, nhọc nhằn với cuộc sống mưu sinh, chỉ còn đó niềm hạnh phúc khi được sống động với từng nhân vật, từng tích trò. Với sự say mê và cái tình tha thiết ấy, nghệ thuật rối nước làng Rạch đã vượt qua khỏi lũy tre làng, có mặt trên mọi miền đất nước, vinh dự được biểu diễn phục vụ Quốc hội (1968), giành được nhiều huy chương vàng tại các hội diễn toàn quốc (1989, 1994), được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn cho khách du lịch, được lưu diễn tại các chân trời Tây Âu (Pháp, Italia, Hà Lan)... tạo nên một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của quê hương và dân tộc, làm cho khán giả trong nước và quốc tế hết sức thích thú và kinh ngạc.

Biểu diễn múa rối nước tại thủy đình di động

Trải qua bao thăng trầm, có giai đoạn tưởng chừng bị lụi tàn, rối nước làng Rạch vẫn tồn tại và phát triển. Từng ngày, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề múa rối nước, các nghệ nhân nơi đây vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến các tích trò, cố gắng gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ mai sau một di sản văn hóa quý giá, tôn vinh và phát huy đời sống văn hóa phong phú của dân tộc. Du khách tới thưởng thức nghệ thuật rối nước của làng Rạch, để cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống, để được sống trong tinh thần cố kết cộng đồng mạnh mẽ của con người Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Phòng Quản lý Du lịch

Các Tin khác
- Chương trình ghi hình tại Nam Định của Kênh Văn hoá Việt VTC10, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC 01/11
- Cửa Ba Lạt - nơi con sông Hồng đổ về với biển 14/11
- Du lịch biển Nam Định - Cơ hội và thách thức 14/10
- Phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch 16/10
- Phát huy giá trị của hệ thống nhà thờ công giáo tại Nam Định trong phát triển du lịch 15/10
- Vườn Quốc gia Xuân Thủy - 20 năm hình thành và phát triển 15/10
- Nét ẩm thực Việt VTV3 hành trình khám phá, quảng bá ẩm thực tại Nam Định 14/10
- Ngày Du lịch Thế giới năm 2024: Du lịch và Hòa bình 26/09
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định lưu ý khi ký kết các hợp đồng lữ hành trên địa bàn tỉnh 14/06
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định tổ chức Khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch năm 2024 22/05
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia xúc tiến quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 12/04
- Thông báo về việc tổ chức khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế năm 2024 04/04
- Du lịch Nam Định khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024 19/03
- Nam Định tổ chức Festival Phở 2024: tôn vinh văn hóa ẩm thực Phở hướng tới di sản văn hóa phi vật thể 13/03
- " Sở hữu kỳ nghỉ” - cân nhắc kỹ từ tìm hiểu thông tin đến kí kết hợp đồng 08/12