Danh tướng Nguyễn Đăng, người xã Hà Dương, trấn Nghệ An, nay là xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông là người có công hộ giá đưa thi hài vua Trần Duệ Tông ra khỏi Chiêm Thành trong trận đánh thành Đồ Bàn năm 1377. Dưới thời vua Trần Anh Tông (1293-1314), tại xã Bình An, châu Đàm, trấn Thanh Hóa có ông Nguyễn Phụ Quốc, giữ chức Nội thư Chính đường đại Hành khiển, phán thủ trấn Nghệ An. Ông Nguyễn Phụ Quốc hiếm hoi, đến năm 40 tuổi lấy người con gái xã Hà Dương sinh ra được người con trai đặt tên là Nguyễn Đăng.
Dưới triều vua Trần Dụ Tông, Nguyễn Đăng được bổ làm Huyện doãn, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Năm Thiệu Phong thứ 2 đời vua Trần Dụ Tông (1342), Nguyễn Đăng mãn nhiệm tiếp chỉ về Kinh thành Thăng Long. Tháng 4 năm Tân Hợi, niên hiệu Thiệu Khánh thứ 2 (1371) đời vua Trần Nghệ Tông, Nguyễn Đăng được thăng chức Xá nhân ở Thanh cung (cung Thái tử) chuyên chăm lo việc học hành cho Thái tử.
Năm Nhâm Tý (1372), vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tông rồi lui về Thiên Trường làm Thái thượng hoàng. Vua Trần Duệ Tông lên ngôi, phong cho Nguyễn Đăng làm Tri điện điện Kim Long.
Lúc bấy giờ, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga thường xuyên đưa quân xâm lược Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông đã quyết định đóng chiến thuyền, cho đắp đường, đào kênh chuẩn bị đánh Chiêm Thành.
Năm 1376, Chế Bồng Nga lại mang quân xâm lấn Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh. Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Đỗ Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm Thành kiêu ngạo không thần phục. Vua Trần Duệ Tông nổi giận, quyết định thân chinh đi đánh, quan Tri điện điện Kim Long Nguyễn Đăng xin theo hộ giá. Các quan đại thần Lê Tích, Trương Đỗ can ngăn không nên thân chinh nhưng vua Trần Duệ Tông không nghe, sai quân, dân các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu tải 5 vạn thạch lương đến tích trữ ở Hóa Châu và rước Thượng hoàng Nghệ Tông đi duyệt binh ở sông Bạch Hạc.
Tháng 12 âm lịch (đầu năm 1377), vua Trần Duệ Tông cầm 12 vạn quân tiến vào đất Chiêm Thành. Vua Trần sai Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly) đốc vận lương thảo đến cửa biển Di Luân (Quảng Bình) rồi dừng quân một tháng để luyện tập tướng sĩ.
Tháng Giêng năm 1377, quan quân nhà Trần tiến đến Cầu Đá ở cửa Thi Nại (nay thuộc Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm Thành. Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, rồi cho người đến trá hàng, nói với vua Trần Duệ Tông rằng Chế Bồng Nga đã bỏ thành trốn.
Vua Trần Duệ Tông muốn tiến quân vào thành ngay, đại tướng Đỗ Lễ thấy vậy can rằng: Nó hàng là bởi trước muốn bảo toàn đất nước. Quan quân đi vào sâu để đánh phá thành là việc bất đắc dĩ, vậy xin hãy sai một biện sĩ mang thư đến hỏi tội, cốt xem hư thực ra sao, ấy cũng như kế của Hàn Tín phá nước Yên thuở xưa, không phải khó nhọc mà vẫn thành công vậy. Cổ nhân nói lòng giặc khó lường, thần xin bệ hạ hãy xét kỹ lại.
Đỗ Lễ chưa kịp tâu xong thì nhà vua nói: “Ta mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo, núi để vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu, thế là cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ kháng cự. Cổ nhân nói, dùng binh cốt ở thần tốc, nay nếu dừng lại không tiến, thì đúng là trời cho mà không lấy, giặc lập cơ mưu khác thì hối sao kịp. Nhà ngươi chính là hạng đàn bà”.
Nói rồi nhà vua sai lấy áo đàn bà cho Đỗ Lễ mặc. Quân lính bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá, cánh trước cánh sau cách biệt, giặc thừa cơ xông ra đánh chặn. Vua bị chết trong đám loạn quân, các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Phạm Huyền Linh đều tử trận.
Tri điện điện Kim Long Nguyễn Đăng đã không quản ngại hiểm nguy để đưa thi hài vua Trần Duệ Tông ra khỏi Chiêm Thành. Trên đường vượt biển, chẳng may gặp giông tố, sóng biển dâng cao, Nguyễn Đăng ôm lấy thi hài vua than rằng: “Nay sóng thần hung dữ, cản lối hồi loan, kẻ hạ thần xin theo bệ hạ cùng xuống Long cung cho chọn nghĩa vua tôi”.
Do có công lao với đất nước, nên sau khi các vua Trần làm lễ chiêu hồn vua Trần Duệ Tông tại Hy Lăng, Tri điện điện Kim Long Nguyễn Đăng đã được vua Trần Phế Đế truy phong là Chiêu Hải đại vương, ban cho nhân dân trong vùng bốn mùa hương khói phụng sự.
Hiện nay, tại mảnh đất Hà Dương (xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng) và các làng xã lân cận trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đều lập đền thờ phụng vị thần Chiêu Hải đại vương. Tín ngưỡng phụng thờ vị thần Chiêu Hải đại vương Nguyễn Đặng tại đây gắn liền với công cuộc khai hoang mở đất của Tổng binh Ngô Đình Tích, người xã Hà Dương, nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa và các ông Vũ Trọng An, Phạm Văn Định, Đồng Gia Khánh chiêu mộ dân nghèo thực hiện công cuộc khẩn hoang diễn ra vào thế kỷ XV. Sau nhiều năm cần cù lao động, vượt qua nhiều khó khăn, các dòng họ đã xây dựng nên một vùng quê mới gồm hai thôn Hà Phúc, Hà Đông với địa giới “Thượng tự Phù Sa, Hạ chí Tam Tòa”, có nghĩa “phía trên giáp thôn Phù Sa, phía dưới giáp bến Tam Tòa”. Để tưởng nhớ đến quê cũ, nhân dân đã lập đền và xin rước chân nhang vị thần Chiêu Hải đại vương từ quê gốc về thờ phụng tại đây.
Hàngnăm, để tri ân công đức của vị thần Chiêu Hải đại vương Nguyễn Đăng vào các ngày 22-23 tháng Giêng, nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội truyền thống để kỷ niệm ngày hóa của vị thần. Trong ngày lễ hội truyền thống diễn ra các nghi thức như: tế, lễ, rước kiệu và nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Lễ hội truyền thống diễn ra tại di tích đền - chùa Hà Dương không nằm ngoài ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ công đức của vị thần mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Vũ Hồng Phong