Đền - chùa Hà Dương, thuộc thôn Hà Dương, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử. Theo các nguồn tư liệu lịch sử địa phương và tài liệu Hán Nôm lưu giữ tại di tích như: Sắc phong, câu đối, đại tự, đặc biệt là Gia phả các dòng họ: Ngô, Đồng, Vũ, Phạm thì công cuộc khai hoang lấn biển lập nên đất Hà Dương, xã Hoàng Nam ngày nay gắn liền với quá trình khai hoang lấn biển, phát triển sản xuất diễn ra vào thế kỷ XV. Đầu thế kỷ XV, các dải đất ven biển phía Nam châu thổ sông Hồng là tâm điểm của các luồng di dân đến khẩn hoang, khai phá, thành lập các điểm tụ cư mới.
Vùng đất Hà Dương, xã Hoàng Nam ngày nay, trước kia còn là đồng bãi hoang vu, sình lầy do phù sa của sông Đáy và sông Đào bồi tụ. Năm 1428, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh do Lê Lợi lãnh đạo thắng lợi, đất nước trở lại thanh bình. Nhằm khôi phục nền kinh tế đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, triều đình nhà Lê đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Vào thời điểm này, hưởng ứng chủ trương khai hoang của triều đình nhà Lê, Tổng binh Ngô Đình Tích (Thuỷ tổ dòng họ Ngô), người xã Hà Dương, trấn Nghệ An (nay là xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá) cùng các ông Vũ Trọng An, Đồng Gia Khánh, Phạm Văn Định chiêu mộ dân nghèo thực hiện công cuộc khẩn hoang lấn biển tại vùng đất trấn Sơn Nam.
Sau nhiều năm cần cù lao động, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, bốn dòng họ cùng với nhân dân đã lập nên một vùng đất mới với cương vực địa giới “Thượng tự Phù Sa, hạ chí Tam Toà” (phía trên giáp thôn Phù Sa (xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng), phía dưới giáp bến Tam Tòa (xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng). Tại vùng đất mới được khai phá, Tổng binh Ngô Đình Tích và các vị tổ dòng họ Đồng, Vũ, Phạm không quên về nguồn cội nên đã lấy tên Hà Dương đặt cho làng quê mới. Cùng với việc khai lập đất Hà Dương, Tổng binh Ngô Đình Tích và các vị tổ còn tổ chức khai hoang tạo lập các làng: Phù Sa (Phù Sa hạ, Phù Sa thượng), Đông Tĩnh (nay thuộc xã Hoàng Nam); Đông Ba thượng, Đông Ba hạ (nay thuộc xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng).
Qua khảo sát tại Từ đường dòng họ Vũ, họ Ngô thôn Hà Dương, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng còn có nhiều tư liệu cho chúng ta biết cụ thể hơn về quê quán cũng như công sức và thành quả lao động của các vị Thuỷ tổ đối với lịch sử hình thành và phát triển mảnh đất Hà Dương. Trong đó tiêu biểu là nội dung câu đối lưu giữ tại Từ đường họ Ngô, được chép (dịch) như sau:
Lê đế Thuận Thiên niên, tổ tiên khai thành hương ấp,
Nguyễn triều thắng địa, tử tôn kế thế đạt vinh hoa.
Dịch nghĩa:
Triều vua Lê, niên hiệu Thuận Thiên, tổ tiên khai sáng vùng quê mới,
Triều vua Nguyễn đất đai màu mỡ, con cháu dòng họ nối tiếp sự vinh hoa.
Đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện Tổng binh Ngô Đình Tích và Thuỷ tổ các dòng họ trong việc thực hiện công cuộc khai hoang lấn biển tại vùng đất Sơn Nam lập nên đất Hà Dương vào thế kỷ XV, Viện Sử học Việt Nam đã có nhận xét: “Công cuộc khẩn hoang, lấn biển, xây dựng xứ Hà Dương của Tổng binh Ngô Đình Tích và các vị Thuỷ tổ họ Vũ, họ Phạm và họ Đồng có một ý nghĩa to lớn. Các vị không chỉ là người khai canh, khai cơ cho vùng đất này mà còn là những hạt nhân đầu tiên tạo nền tảng cho quá trình khai hoang, lấn biển tạo lập nên một miền quê trù phú, mật tập ven biển Nam Định, Thái Bình ngày nay. Công lao của các vị khai canh, khai cơ cũng như sự nghiệp của các vị Thần/Thành hoàng (Chiêu Hải đại vương, Hưng Đạo đại vương) được thờ ở đền, chùa Hà Dương (xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) rất được hậu thế tôn vinh và ghi nhớ”(1).
2. Đền Hà Dương là nơi phụng thờ tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với vị thần Chiêu Hải đại vương.
Vị thần Chiêu Hải đại vương tên thật là Nguyễn Đăng, quê ở xã Hà Dương, trấn Nghệ An (nay là xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Dưới triều vua Trần Dụ Tông, Nguyễn Đăng được bổ làm Huyện doãn, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Năm Thiệu Phong thứ 2 đời vua Trần Dụ Tông (1342), Nguyễn Đăng mãn nhiệm tiếp chỉ về Kinh thành Thăng Long. Tháng 4 năm Tân Hợi, niên hiệu Thiệu Khánh thứ 2 (1371) đời vua Trần Nghệ Tông, Nguyễn Đăng được thăng chức Xá nhân ở Thanh cung (cung Thái tử) chuyên chăm lo việc học hành cho Thái tử. Năm Nhâm Tý (1372), vua Trần Duệ Tông lên ngôi, phong cho Nguyễn Đăng làm Tri điện điện Kim Long. Lúc bấy giờ, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga thường xuyên đưa quân vào xâm lược Đại Việt. Tháng 12 năm 1376, quan trấn thủ Hoá Châu là Đỗ Tử Bình dâng sớ về kinh tâu việc vua Chiêm Thành có ý đồ xâm phạm bờ cõi. Vua Duệ Tông nổi giận, không nghe lời can, thân chinh đem 12 vạn quân đi đánh Chiêm Thành, quan Tri điện điện Kim Long Nguyễn Đăng xin theo hộ giá. Trong trận đánh với quân Chiêm Thành, quan quân nhà Trần bị thất bại, vua Trần Duệ Tông chết trong đám loạn quân. Tri điện điện Kim Long Nguyễn Đăng đã không quản ngại hiểm nguy để đưa thi thể vua Trần Duệ Tông ra khỏi Chiêm Thành. Trên đường vượt biển, chẳng may gặp giông tố, sóng biển dâng cao, Nguyễn Đăng ôm lấy thi hài vua than rằng: “Nay sóng thần hung dữ, cản lối hồi loan, kẻ hạ thần xin theo bệ hạ cùng xuống long cung cho chọn nghĩa vua tôi”(2). Vì có công lao với đất nước, nên sau khi các vua Trần làm lễ chiêu hồn vua Trần Duệ Tông tại Hy Lăng, Tri điện điện Kim Long Nguyễn Đăng đã được vua Trần Phế Đế truy phong là Chiêu Hải đại vương, ban cho nhân dân trong vùng bốn mùa hương khói phụng sự.
Tín ngưỡng thờ phụng Thành hoàng Chiêu Hải đại vương tại đất Hà Dương (xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng) và các làng xã lân cận trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng xuất hiện từ thế kỷ XV, gắn liền với công cuộc khai hoang mở đất của Tổng binh Ngô Đình Tích và Thuỷ tổ các dòng họ Vũ, Đồng, Phạm. Nguồn tư liệu lịch sử địa phương còn cho biết, vào đời vua Lê Thái Tông, niên hiệu Đại Bảo thứ 2 (1441), vùng đất mới Hà Dương trở thành một vùng đất trù phú. Để tưởng nhớ đến quê cũ, nhân dân đã lập đền và xin rước chân nhang vị thần Chiêu Hải đại vương từ quê gốc về thờ phụng tại đây. Bên cạnh làng Hà Dương, các làng xã được hình thành từ công cuộc khai hoang lấn biển ở thời điểm này cũng lập đền thờ Chiêu Hải đại vương, trong đó có đền Đông Ba Thượng, xã Nghĩa Minh được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 2006.
Để tri ân công đức của vị thần Chiêu Hải đại vương, tại đền Hà Dương còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng, trong đó một đạo sắc phong thời Hậu Lê và 5 đạo sắc thời Nguyễn. Về nội dung các đạo sắc phong đều ca ngợi công lao và sự thờ tự đối với vị thần Chiêu Hải đại vương.
Ngoài tín ngưỡng thờ vị thần Chiêu Hải đại vương Nguyễn Đăng, trong khuôn viên đền Hà Dương còn có đền thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tín ngưỡng thờ phụng Đức Thánh Trần tại di tích không chỉ xuất phát từ truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn nhằm tri ân công đức những người có công dựng làng, giữ nước, đồng thời mang ý nghĩa phụng thờ vị thần bảo hộ cho cuộc sống của cư dân vùng ven sông, ven biển.
3. Công trình kiến trúc đền - chùa Hà Dương được xây dựng trong một khuôn viên rộng 4332m2, mặt quay về hướng Tây gồm các hạng mục: Nghi môn, sân, vườn, giải vũ, đền thờ vị thần Chiêu Hải đại vương, chùa thờ Phật, đền thờ Đức Thánh Trần…với trên 20 gian lớn nhỏ, được gia công bằng các vật liệu kiến trúc truyền thống của dân tộc.
* Kiến trúc đền Hà Dương:
Đền Hà Dương có bố cục mặt bằng theo kiểu tiền chữ “nhất” hậu chữ “đinh” gồm các tòa: Tiền đường, trung đường và cung cấm.
Tòa tiền đường được kết cấu 3 gian 2 chái, bộ khung xây bằng gạch vữa gồm với sự liên kết của các bộ vì nóc, vì nách và vì hiên. Bộ mái tiền đường có kết cấu “cổ đẳng” lợp ngói nam với các bộ vì được gia công bằng gỗ lim kiểu “quá giang, chồng rường”.
Tòa trung đường và cung cấm được xây dựng bằng gạch vữa nối với tiền đường tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “đinh”. Tòa trung đường ba gian xây theo kiểu cuốn vòm, mái lợp ngói nam.
Cung cấm đền Hà Dương có 2 gian xây quay dọc theo kiểu cuốn vòm nối mái với tòa trung đường theo kiểu “tiền đao hậu đốc”. Ngăn cách kiến trúc giữa tòa trung đường với cung cấm là một kết cấu xây bằng gạch vữa kiểu “vách thuận” tạo thành 3 khoang cửa. Qua “vách thuận” vào hai gian trong cung cấm, tại đây thờ khám, ngai và bài vị của vị thần Chiêu Hải đại vương.
* Kiến trúc chùa Hà Dương:
Chùa Hà Dương được xây dựng về phía bên trái đền. Chùa có tên chữ “Lưu Khánh tự” với mặt bằng xây dựng kiểu chữ “đinh” gồm hai tòa: Tiền đường và tam bảo.
Tòa tiền đường có kết cấu 3 gian 2 chái, bộ mái lợp ngói nam kiểu “cổ đẳng” hai lớp mái. Bộ vì của tòa tiền đường là một kết cấu gia công bằng gỗ lim theo kiểu “quá giang, mê cốn”.
Tòa tam bảo có 4 gian xây quay dọc nối mái với tiền đường theo kiểu cuốn vòm. Nâng đỡ bộ mái tam bảo là hệ thống cột xây bằng gạch kiểu“tứ trụ”, phía trên các đầu cột là kết cấu gạch vữa liên kết với nhau theo kiểu uốn “vành mai”.
Như vậy, kiến trúc của đền - chùa Hà Dương được xây dựng đăng đối theo phong cách truyền thống của dân tộc, mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo song các thành phần kiến trúc vẫn hòa nhập trong một tổng thể, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân địa phương.
4. Hàngnăm, để tri ân công đức của vị thần Chiêu Hải đại vương vào các ngày 22-23 tháng Giêng, nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội truyền thống để kỷ niệm ngày hóa của vị thần. Trong ngày lễ hội truyền thống diễn ra các nghi thức như: tế, lễ, rước kiệu và nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Lễ hội truyền thống diễn ra tại di tích đền - chùa Hà Dương không nằm ngoài ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ công đức của vị thần mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Trải qua bao thời gian, di tích đền - chùa Hà Dương luôn được nhân dân bảo tồn, tôn tạo giữ gìn như một minh chứng khắc ghi nguồn gốc, gửi gắm ước nguyện về một cuộc sống hạnh phúc, bình an, trường tồn và phát triển.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, đền - chùa Hà Dương, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 817/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2017 xếp hạng là Di tích Lịch sử quốc gia.
V.H.P
Chú thích
1. Công văn số 78/VSH của Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc xác minh, đánh giá sự kiện khẩn hoang, Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2015.
2. Lý lịch di tích đền - chùa Hà Dương, xã Hoàng Nam, Tài liệu Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nam Định, 2017.