Phát triển du lịch tỉnh Nam Định theo hướng tăng trưởng xanh

Phát triển du lịch tỉnh Nam Định theo hướng tăng trưởng xanh

Với những thành tựu đã đạt được, tại “Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định số 1729/QĐ-TTg) đã xác định định hướng: “Phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Bộ. Xây dựng và từng bước khẳng định một số thương hiệu đặc thù của Nam Định”; “Tập trung phát triển 05 loại hình du lịch: Du lịch sinh thái thiên nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề”.


1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH

Mô hình “tăng trưởng xanh” xuất hiện và trở nên phổ biến vào khoảng những năm thập niên 1990 của thế kỷ XX, được cho là để phân biệt và thay thế cho mô hình “tăng trưởng nâu” – vốn là mô hình tăng trưởng chủ đạo của kinh tế trên thế giới trong các giai đoạn trước đó. Mô hình tăng trưởng nâu coi trọng tăng trưởng về lượng, dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có, tận khai tài nguyên, phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp khai khoáng và các ngành sản xuất có độ phát thải khí nhà kính cao, ít quan tâm đến các tác động về môi trường và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng xanh chú trọng hơn về chất, tăng trưởng theo chiều sâu, chú trọng đến tính hiệu quả của khai thác và sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động đến môi trường, quan tâm đến các vấn đề xã hội trong quá trình tăng trưởng.

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) xác định, tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên, tiếp tục cung cấp nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống con người phụ thuộc vào cho cả thế hệ hiện tại và thế hệ mai sau. Tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng nhằm đạt đến một nền kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi trường, môi sinh. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu của kinh tế, môi trường mà không làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng xác định, tăng trưởng xanh là quá trình thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khi vẫn đảm bảo các nguồn lực tự nhiên luôn đủ để cung cấp nguồn lực và dịch vụ môi trường mà phúc lợi con người cần đến.

Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng của một nền kinh tế, là phương thức để đạt được nền kinh tế xanh, hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh trong mối quan hệ với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển bền vững được biểu thị qua sơ đồ Hình 1:

Hình 1. Mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển bền vững

(Nguồn: Nguyễn Hoàng Nam và đồng tác giả, năm 2017)

Phát triển du lịch là phát triển của một ngành kinh tế cụ thể trong tổng thể nền kinh tế. Có thể áp dụng (vận dụng) các mô hình tăng trưởng khác nhau để thúc đẩy phát triển du lịch, mỗi mô hình sẽ mang lại kết quả và hiệu quả phát triển du lịch khác nhau. Áp dụng mô hình tăng trưởng “nâu”, “tuyến tính”, dựa trên khai thác triệt để tài nguyên sẵn có, phát triển du lịch đại trà, trọng về lượng, có thể sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng ban đầu nhanh nhưng thiếu bền vững. Trong khi đó, áp dụng mô hình tăng trưởng xanh sẽ thúc đẩy du lịch phát triển theo chiều sâu, hướng đến chất lượng; dựa trên khai thác các giá trị tài nguyên hợp lý; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm áp lực lên môi trường. Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức để đạt được ngành du lịch xanh, hướng đến mục tiêu cao nhất là du lịch bền vững. Mối quan hệ của phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh với kinh tế xanh và phát triển bền vững được thể hiện ở sơ đồ Hình 2:

Hình 2. Mối quan hệ của phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và phát triển bền vững

(Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn, Lê Quang Đăng và đồng tác giả, 2022)

Có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và cũng có một số loại hình du lịch được định nghĩa tương đồng (nhưng không đầy đủ) với khái niệm này. Theo Nguyễn Anh Tuấn, Lê Quang Đăng và đồng tác giả (2022), “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.

Một số loại hình du lịch được cho là mang bản chất của phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: du lịch sinh thái, du lịch gắn với thiên nhiên, du lịch gắn với giáo dục môi trường, du lịch gắn với nông nghiệp – nông thôn,… Tuy nhiên, đây là các loại hình du lịch cụ thể, còn phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là mô hình, phương thức, cách thức phát triển ngành du lịch trên cơ sở xanh hóa các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch để xây dựng ngành du lịch xanh và hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh dựa trên 03 trụ cột chính:

(1) Về kinh tế: Đảm bảo tăng trưởng du lịch ổn định, tăng trưởng theo chiều sâu, hướng đến chất lượng; quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch hợp lý; sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch, tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu mới; sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm du lịch xanh.

(2) Về môi trường: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch; giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các hoạt động du lịch; tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch.

(3) Về xã hội: Tạo việc làm và sinh kế bền vững cho cộng đồng; người dân được thụ hưởng các giá trị từ du lịch; hình thành lối sống xanh và môi trường du lịch văn minh, thân thiện; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Các yếu tố cấu thành chính của phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh bao gồm: Phát triển điểm đến du lịch xanh, phát triển doanh nghiệp du lịch xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh, thực hiện đầu tư du lịch xanh, thực hiện tiêu dùng du lịch xanh, thực hiện quản lý du lịch xanh.

Trong những năm gần đây, ngành Du lịch nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ. Nhiều chủ trương, định hướng lớn của ngành Du lịch đã được ban hành, đặc biệt là những định hướng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch xanh và du lịch bền vững.

Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọnLuật Du lịch năm 2017 nhất quán quan điểm, chủ trương, định hướng, nguyên tắc phát triển du lịch: “Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, theo chiều sâu, hướng đến chất lượng, hiệu quả”; “Thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành du lịch”; “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 khẳng định quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 xác định nhiệm vụ cho ngành Du lịch: “Xây dựng các chương trình về văn hóa sống, lối sống xanh; Phát triển sản phẩm du lịch xanh; Xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu du lịch, điểm du lịch; Xây dựng tiêu chí và triển khai dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch”.

Nghị quyết số 82/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vữngChỉ thị số 08/CT-TTg năm 2024của Thủ tướng về phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững thời gian tới cũng xác định nhiệm vụ cho ngành Du lịch: “Xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 – 2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch”; “tập trung vào một số hoạt động cụ thể: Diễn đàn thường niên du lịch xanh quốc gia, phát triển sản phẩm du lịch xanh gắn với hình thành cộng đồng doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi, đánh giá và cấp chứng chỉ du lịch bền vững cho các cơ sở du lịch, khách sạn; nghiên cứu xây dựng hệ thống chứng nhận du lịch xanh đạt chuẩn quốc tế về sản phẩm và thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam”.

Từ lý luận đến thực tiễn, từ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ đặt ra yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với ngành Du lịch mà tất cả các địa phương trong cả nước cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Đây là cách thức, con đường hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

2. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH NAM ĐÌNH

Tiềm năng du lịch tỉnh Nam Định

Nam Định là một tỉnh nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng, phía Bắc giáp tỉnh Thái Bình và Hà Nam; phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình, phía Đông và phía Nam giáp Biển Đông (vịnh Bắc Bộ), cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Tây Bắc, cách thành phố Hải Phòng khoảng 90km về phía Đông Bắc. Tỉnh Nam Định có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống quốc lộ, cao tốc chạy qua địa bàn tỉnh như: QL.10, QL.21A, QL.37B, QL.38B, CT.01, CT.08 cùng hệ thống đường tỉnh, đường huyện khá phát triển. Với vị trí địa lý, giao thông nêu trên, Nam Định có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, thu hút các dòng khách di chuyển từ các địa phương trọng điểm du lịch của Vùng như Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng.

Vườn quốc gia Xuân Thủy ngày mới - Giải nhì Cuộc thi "Ảnh Nghệ thuật Nam Định" - Tác giả: Trần Hưng

Tỉnh Nam Định có hệ thống tài nguyên du lịch khá phong phú, đa dạng:

– Đối với tài nguyên du lịch tự nhiên: Nam Định có đường bờ biển dài 72km, có nhiều bãi biển đẹp, thoải, dài, cát mịn, vùng bờ, cồn nổi phù hợp cho phát triển du lịch biển, tiêu biểu như các bãi Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy), Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); Vườn Quốc gia Xuân Thủy – cũng là khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và Việt Nam được công nhận – có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch gắn với khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, trải nghiệm sông nước vùng ngập mặn, du lịch gắn với giáo dục môi trường; cảnh quan nông thôn mang đặc trưng của vùng chiêm trũng – đồng bằng Bắc Bộ cùng với các cánh đồng lúa trải dài và các cánh đồng muối lớn ở Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp – nông thôn, du lịch cộng đồng.

– Đối với tài nguyên du lịch văn hóa: Nam Định hiện có 1.330 di tích đã được xếp hạng, kiểm kê; trong đó, có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 282 di tích cấp tỉnh. Một số di tích tiêu biểu như: Khu di tích Đền Trần – chùa Phổ Minh, Chùa Keo Hành Thiện (là 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt); Phủ Dầy; Chùa Cổ Lễ; Chùa Lương; Cầu Ngói; Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh; hệ thống nhà thờ Thiên Chúa giáo với lối kiến trúc độc đáo. Tỉnh Nam Định có 01 di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và 09 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nam Định cũng là địa phương còn lưu giữ được nhiều nghề và làng nghề truyền thống, một số làng nghề nổi tiếng như: nghề ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ (Trực Ninh); làng hoa cây cảnh Vị Khê (Nam Trực); làng nghề đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên (Ý Yên);… Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của ẩm thực Nam Định với những đặc sản tiêu biểu như: phở Nam Định, bánh gai, kẹo sìu châu, bánh xíu páo, kẹo dồi, kẹo lạc, bánh nhãn Hải Hậu, bún đũa, nem nắm… cũng là yếu tố hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu vùng đất này.

Thợ làm vườn -Tác giả Vũ Ngọc Vinh

Những tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa nêu trên rất có giá trị cho phát triển du lịch của tỉnh Nam Định, có thể, khai thác phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch hấp dẫn, vừa đa dạng vừa đặc thù, nhằm tăng khả năng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Những thành tựu đạt được trong phát triển du lịch tỉnh Nam Định

Phát huy những lợi thế và tiềm năng hiện có, du lịch tỉnh Nam Định thời gian qua đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ.

– Giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19: lượng khách du lịch đến Nam Định tăng trưởng đều, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015, Nam Định đón khoảng 2,1 triệu lượt khách, đến năm 2019 tăng lên 2,6 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch giai đoạn 2015 – 2019 đạt khoảng 5,1%/năm. Tổng thu từ khách du lịch năm 2015 đạt khoảng 520 tỷ đồng, đến năm 2019 tăng lên 800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trong cả giai đoạn đạt khoảng 11,3%/năm. Số lượng cơ sở lưu trú năm 2019 đạt 387 cơ sở với khoảng 5.617 buồng; trong đó, số cơ sở lưu trú được xếp hạng sao đạt 32 cơ sở, với 1.198 buồng (hạng 1-3 sao). Ngành du lịch đã tạo việc làm cho khoảng 3.200 lao động của tỉnh.

Hình 3. Biểu đồ khách du lịch và Tổng thu từ khách du lịch tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 – 2019

(Nguồn: Số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định)

– Giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19: du lịch Nam Định chịu tác động chung với du lịch cả nước. Trong năm đầu chịu tác động bởi đại dịch (2020), lượng khách du lịch đến Nam Định sụt giảm đáng kể, chỉ đạt khoảng 1,4 triệu lượt, giảm 45,9% so với năm 2019; tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt 415 tỷ đồng, giảm 48,1% so với năm 2019. Các con số này tiếp tục giảm sâu vào năm 2021, khách du lịch chỉ đạt 471.000 lượt, tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt 154 tỷ đồng, lao động ngành du lịch chỉ còn 700 người (giảm 78,6% so với năm 2019), công suất buồng lưu trú chỉ đạt dưới 10%.

– Giai đoạn phục hồi du lịch: Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, du lịch Nam Định từng bước phục hồi với tín hiệu tích cực. Năm 2022, lượng khách du lịch đến Nam Định đạt hơn 1 triệu lượt (phục hồi khoảng 40% so với năm 2019, tăng 120% so với năm 2021), tổng thu từ khách du lịch đạt 330 tỷ đồng (phục hồi khoảng 41,3% so với năm 2019, tăng 114,3% so với năm 2021). Các con số này tiếp tục tăng vào năm 2023: khách du lịch đạt 1.772.000 lượt (phục hồi khoảng 67% so với năm 2019, tăng 71% so với năm 2022), tổng thu từ khách du lịch đạt 535 tỷ đồng (phục hồi khoảng 66,8% so với năm 2019, tăng 62,1% so với năm 2022). Đây là kết quả đáng mừng, đánh dấu sự cố gắng, nỗ lực của ngành du lịch tỉnh Nam Định, kết quả này tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển trong các năm và giai đoạn tiếp theo.

Với những thành tựu đã đạt được, tại “Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định số 1729/QĐ-TTg) đã xác định định hướng: “Phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của Vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Bộ. Xây dựng và từng bước khẳng định một số thương hiệu đặc thù của Nam Định”; “Tập trung phát triển 05 loại hình du lịch: Du lịch sinh thái thiên nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề”.

Những vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch tỉnh Nam Định

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, du lịch tỉnh Nam Định vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức.

– Lượng khách du lịch đến Nam Định còn rất thấp, thấp hơn nhiều địa phương khác trong Vùng đồng bằng sông Hồng. Hơn thế, khách đến Nam Định chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế chiếm tỷ trọng không đáng kể. Đơn cử như năm 2019, tổng khách đến Nam Định đạt 2.645.000 lượt, trong đó, khách quốc tế chỉ đạt 6.430 lượt, chiếm 0,24%/tổng khách (Hình 4).

Nhịp sống miền biển - Tác giả: Trần Hưng

Hình 4. Biểu đồ so sánh khách du lịch tỉnh Nam Định và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng năm 2019

(Nguồn: Tổng hợp số liệu thống kê của Sở Du lịch/ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh)

– Nhìn lại chuỗi tăng trưởng khách du lịch tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2015 – 2019, tuy tăng trưởng đều và ổn định, năm sau cao hơn năm trước nhưng còn rất thấp, sau 5 năm chỉ tăng thêm gần 500 nghìn lượt khách (Hình 3), tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch cả giai đoạn chỉ đạt khoảng 5,1%/năm.

– Thời gian lưu trú của khách du lịch đến Nam Định cũng khá thấp, trung bình 2 ngày đối với khách quốc tế và 1,2 ngày đối với khách nội địa. Mức chi tiêu bình quân/ngày của khách quốc tế chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/khách/ngày, đối với khách nội địa chỉ khoảng 500.000 – 600.000 đồng/khách/ngày.

– Lượng khách ít, thời gian lưu trú trung bình và chi tiêu của khách thấp khiến cho tổng thu từ khách du lịch và đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh Nam Định không đáng kể. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch của tỉnh Nam Định chỉ đạt 800 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh chỉ khoảng 1,1%.

– Tỉnh Nam Định sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa khá đa dạng, phong phú, đặc sắc, tuy nhiên việc khai thác các giá trị tài nguyên cho phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Một số giá trị tài nguyên mang tầm quốc gia (như Vườn quốc gia Xuân Thủy, các di tích, di sản văn hóa cấp quốc gia, di sản văn hóa được UNESCO công nhận) và một số bãi biển có tiềm năng (như bãi biển Quất Lâm, Rạng Đông) chưa được khai thác có hiệu quả cho phát triển du lịch.

– Hệ thống sản phẩm du lịch của Nam Định mặc dù đã được quan tâm, chú trọng phát triển trong thời gian qua, tuy nhiên, cơ bản còn nghèo nàn, chủ yếu dựa vào thế mạnh du lịch văn hóa – tâm linh, gắn với một số lễ hội (Đền Trần, chùa Keo…); các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính kết nối; sản phẩm du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Xuân Thủy chưa tạo được điểm nhấn thu hút khách, còn khá yếu so với du lịch tại các vườn quốc gia khác trong vùng (như Vườn quốc gia Cúc Phương – Ninh Bình, Cát Bà – Hải Phòng, Ba Vì – Hà Nội); sản phẩm du lịch biển khá mờ nhạt, không đủ sức cạnh tranh với các địa phương ven biển trong vùng. Những hạn chế về sản phẩm du lịch khiến cho Nam Định chưa có sức hút đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Du lịch tỉnh Nam Định nhìn chung chưa khẳng định được vị trí, vai trò là ngành kinh tế quan trọng trong tổng thể kinh tế – xã hội của tỉnh; chưa tạo ra tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác; du lịch chưa mang lại lợi ích tích cực cho cộng đồng, chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia của người dân địa phương, chưa tạo ra việc làm và sinh kế bền vững cho người dân.

Tuy nhiên, chính vì du lịch chưa phát triển nở rộ, Nam Định tránh được các hệ quả tiêu cực từ tăng trưởng nhanh, tăng trưởng “nóng”, đặc biệt là những tác động tiêu cực đối với tài nguyên và môi trường. Các giá trị tài nguyên du lịch của Nam Định cơ bản vẫn được bảo tồn, giữ được tính nguyên sơ, nguyên bản. Đây là một trong những thuận lợi để Nam Định xác định hướng phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Phát triển sau không có nghĩa là bất lợi, quan trọng là tỉnh Nam Định cần định vị hướng đi phù hợp, biến tiềm năng thành lợi thế, lựa chọn mô hình tăng trưởng hiện đại, hợp lý, áp dụng mô hình “tăng trưởng xanh”, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cốt lõi để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

3. PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH NAM ĐỊNH THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH

Để thúc đẩy du lịch Nam Định phát triển theo hướng tăng trưởng xanh trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch và người dân toàn tỉnh về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; xác định rõ: phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là con đường, cách thức để phát triển du lịch bền vững; đảm bảo mục tiêu kép: phát triển du lịch trong khi vẫn bảo tồn các giá trị tài nguyên cho tương lai, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, môi sinh. Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là trách nhiệm của các ngành, các cấp, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh.

b) Xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động phát triển du lịch tỉnh Nam Định theo hướng tăng trưởng xanh, tạo cơ sở pháp lý và định hướng quan trọng cho các hoạt động du lịch của tỉnh theo từng năm và từng giai đoạn.

c) Quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch. Thực hiện chiến lược “đầu tư xanh” cho phát triển du lịch tỉnh Nam Định, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có công nghệ nguồn hiện đại (trong quản lý, xử lý rác thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu mới), có năng lực quản lý và kinh nghiệp phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm với tài nguyên, thiên nhiên và môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng địa phương.

d) Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch xanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng du lịch xanh, đặc biệt là các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe như: du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, du lịch gắn với giáo dục môi trường; du lịch sinh thái biển; du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch cộng đồng; du lịch chăm sóc sức khỏe, thiền định, chữa lành,…

đ) Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của các phân khúc thị trường khách quốc tế, khách nội địa. Đồng thời, phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số sản phẩm du lịch chủ đạo, mang đặc trưng riêng, dựa trên thế mạnh tài nguyên hiện có của tỉnh Nam Định. Một số sản phẩm chủ đạo như:

– Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng rừng, biển, gắn với vườn quốc gia Xuân Thủy và các bãi biển đẹp của tỉnh;

– Du lịch nông nghiệp – nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với các sản phẩm OCOP nông nghiệp; phát triển loại hình du lịch trang trại gắn với các vựa lúa (nông nghiệp), vựa muối (diêm nghiệp) của tỉnh Nam Định.

– Du lịch văn hóa gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh – tín ngưỡng, các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh;

– Du lịch thể thao, giải trí, gắn với các sân vận động (sân Thiên Trường), nhà thi đấu, trung tâm thể thao; các trung tâm giải trí hiện đại, giải trí công nghệ cao, du lịch về đêm tại các đô thị lớn của tỉnh.

e) Kiểm soát các hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” dưới hình thức là các “dự án du lịch xanh”, “du lịch nghỉ dưỡng”, “du lịch trang trại” (farmstay) nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất, quỹ rừng.

g) Quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch; đảm bảo sức chứa không gian tài nguyên của điểm đến, kiểm soát sức chịu tải môi trường tại các khu du lịch; có các biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và xả thải ra môi trường từ các hoạt động du lịch; xử lý có hiệu quả rác thải, nước thải từ các hoạt động du lịch.

h) Có chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại đến tài nguyên và môi trường du lịch, vi phạm pháp luật về du lịch và các luật, bộ luật, các quy định của Nhà nước liên quan đến du lịch. Có hình thức tuyên dương, khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức có sáng kiến và nhiều cống hiến trong phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững./.

Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Các Tin khác
- Làng nghề rối nước làng Rạch xã Hồng Quang huyện Nam Trực thu hút khách du lịch 05/12
- Chương trình ghi hình tại Nam Định của Kênh Văn hoá Việt VTC10, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC 01/11
- Cửa Ba Lạt - nơi con sông Hồng đổ về với biển 14/11
- Du lịch biển Nam Định - Cơ hội và thách thức 14/10
- Phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch 16/10
- Phát huy giá trị của hệ thống nhà thờ công giáo tại Nam Định trong phát triển du lịch 15/10
- Vườn Quốc gia Xuân Thủy - 20 năm hình thành và phát triển 15/10
- Nét ẩm thực Việt VTV3 hành trình khám phá, quảng bá ẩm thực tại Nam Định 14/10
- Ngày Du lịch Thế giới năm 2024: Du lịch và Hòa bình 26/09
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định lưu ý khi ký kết các hợp đồng lữ hành trên địa bàn tỉnh 14/06
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định tổ chức Khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch năm 2024 22/05
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia xúc tiến quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 12/04
- Thông báo về việc tổ chức khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế năm 2024 04/04
- Du lịch Nam Định khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024 19/03
- Nam Định tổ chức Festival Phở 2024: tôn vinh văn hóa ẩm thực Phở hướng tới di sản văn hóa phi vật thể 13/03