Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Nam Định thu hút du khách bởi những công trình kiến trúc cổ kính, linh thiêng và mang dấu ấn của thời đại.
Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần - chùa Phổ Minh
Đền Trần và chùa Phổ Minh là cụm di tích tiêu biểu, đặc biệt quan trọng trong hệ thống Di sản Văn hóa thời Trần và được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.
Sở hữu những công trình kiến trúc cổ có quy mô lớn, bình đồ kiến trúc tổng thể của di tích bao gồm hệ thống ngũ môn, hồ nước phía trước, tiếp đến là 3 ngôi đền bố trí đăng đối các hạng mục: tiền đường, thiêu hương, trung đường, hậu cung, giải vũ nội, ngoại… Đến thế kỷ XV, chùa Phổ Minh vẫn được coi là một đại danh lam. Qua các lần tu sửa, tôn tạo, chùa vẫn giữ được dáng vẻ, quy mô bề thế, gần gũi kiến trúc cung điện gắn với vua chúa, quan lại.
Toàn cảnh quảng trường mới hoàn thành tại khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Nam Định
Tác giả: Nguyễn Việt Hồng
Khu di tích đền Trần và chùa Phổ Minh là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn ở khu vực đồng bằng Bắc bộ. Hàng năm, tại di tích diễn ra một số kỳ lễ, lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mang ý nghĩa ghi nhớ và tôn vinh thời đại nhà Trần. Trong đó, có hai kỳ lễ hội quan trọng nhất là Lễ khai ấn đầu Xuân diễn ra vào đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng và Lễ hội tháng Tám hay còn gọi là “lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo” diễn ra vào ngày 20/8 âm lịch để kỷ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Tháp Phổ Minh - Tác giả: Đinh Hữu Tuyền
Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Phủ Dầy có ba công trình kiến trúc chính liên quan chặt chẽ tới Mẫu Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng bà chúa Liễu đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Ngoài ra, còn có một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo luôn hiện hữu nơi đây là hầu bóng và hát chầu văn.
Quần thể Di tích Phủ Dầy
Hàng năm, vào thượng tuần tháng 3 âm lịch, Lễ hội Phủ Dầy diễn ra với những nghi lễ trang trọng cùng nhiều hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc, tiêu biểu nhất là nghi lễ rước Thánh Mẫu từ phủ Tiên Hương lên chùa Gôi.Bảo tàng tỉnh Nam Định
Bảo tàng tỉnh Nam Định là một trong số bảo tàng cấp tỉnh có lịch sử hình thành khá sớm trong toàn quốc. Nơi đây không chỉ là một thiết chế văn hóa quan trọng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan học tập của công chúng về di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống anh dũng, kiên cường trong dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Nam Định mà còn là một điểm nhấn trong kiến trúc của thành phố và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi về Thành Nam.
Bảo tàng tỉnh Nam Dịnh
Nhà thờ Khoái Đồng
Tọa lạc giữa trung tâm thành phố, nhà thờ Khoái Đồng hiện lên với lối kiến trúc đầy cuốn hút mang phong cách Gothic cổ được coi là một trong những kiến trúc độc đáo bậc nhất tại Việt Nam với mái vòm cong được nâng đỡ bởi hệ thống xà bằng xi măng uốn lượn theo mái tạo ra thế vững chãi.
Nhà thờ Khoái Đồng - Tác giả: Kiều Đức Chung
Nhà thờ Khoái Đồng đã trở thành một trong những hình ảnh có tính biểu trưng của thành phố Nam Định. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhà thờ Khoái Đồng với bóng dáng rêu phong cổ kính của mái vòm chính, ngọn tháp chuông cao vẫn đứng sừng sững giữa trung tâm thành phố.
Khu phố cổ Nam Định
Phố cổ Nam Định hay còn gọi là phố cổ Thành Nam tập hợp những con phố nhỏ có vị trí sát ngôi thành cổ, trải dài ven theo bờ sông Vị Hoàng và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam thành Nam Định. Nơi đây là minh chứng rõ nét nhất cho một thời hoàng kim tại vùng đất Nam Định và là điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thích khám phá những giá trị xưa cũ và truyền thống của Việt Nam.
Đêm Thành Nam - Tác giả: Trần Viết Tú
Phố cổ Thành Nam có lịch sử gần 800 năm và gắn liền với sự phát triển của Nam Định qua nhiều triều đại của Việt Nam như Trần, Hồ, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn và cho đến ngày nay. Kiến trúc phố cổ có sự kết hợp giữa kiến trúc cổ điển của Việt Nam, kiến trúc nhà liền kề mặt phố của đô thị cổ với kiến trúc Trung Hoa và phương Tây. Hiện nay, các con phố không còn buôn bán mặt hàng truyền thống, tuy nhiên khi đến đây du khách vẫn được chiêm ngưỡng nhiều dấu ấn cổ kính về một thời vàng son của phố cổ.
Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)