Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

.

.


Phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang là một trong những hướng đi của ngành du lịch tỉnh. Từ đó, khai thác tài nguyên du lịch từ thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, tạo mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tạo thu nhập chính đáng cho người dân.


Ngôi nhà di sản Quần Anh, ở xóm 4 xã Hải Anh.

Ngôi nhà di sản Quần Anh, ở xóm 4 xã Hải Anh.


Về Hải Hậu, Ecohost là một lựa chọn tuyệt vời dành cho những ai yêu thích mô hình du lịch cộng đồng, đặc biệt là những người muốn hòa mình vào không gian văn hóa địa phương. Tại Ngôi nhà di sản Quần Anh, ở xóm 4 xã Hải Anh du khách có thể trải nghiệm các dịch vụ mang đậm bản sắc văn hóa, tham gia các tour du lịch trải nghiệm, khám phá những giá trị lịch sử, truyền thống của vùng đất này. Đến với tour du lịch Ecohost Hải Hậu, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm du lịch đồng quê như: đi xe đạp khám phá, trải nghiệm không gian sống và tinh thần lao động chăm chỉ, cần mẫn của người dân địa phương...


Du khách trải nghiệm tại Ngôi nhà di sản Quần Anh, ở xóm 4 xã Hải Anh.

Du khách trải nghiệm tại Ngôi nhà di sản Quần Anh, ở xóm 4 xã Hải Anh.


Bên cạnh đó, để du khách hòa nhập với thiên nhiên và văn hóa bản địa, Ecohost Hải Hậu luôn chú trọng khuyến khích du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường với các giải pháp: tiết kiệm điện, nước; tối đa hoá việc dùng thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ; hạn chế dùng túi nilon, nước uống đóng chai nhựa và đồ dùng một lần… Ecohost Hải Hậu cũng là đơn vị tiên phong tại Nam Định xây dựng các chương trình du lịch, khai thác một số tour như: “Dấu ấn Thành Nam”, “Lạc bước giữa trời Âu”, “Ngỡ ngàng Nam Định”, “Cung đường di sản Thành Nam”, “Đường về xứ Đạo”, “Nam Định food tour”…


Du khách tham gia tour du lịch tham quan tại Nhà thờ đổ.

Du khách tham gia tour du lịch tham quan tại Nhà thờ đổ.


Không chỉ hướng tới việc xây dựng môi trường bền vững, Ecohost Hải Hậu còn chú trọng bảo vệ các yếu tố văn hóa truyền thống bản địa. Chị Bùi Thị Nhàn, CEO của Ecohost Hải Hậu cho biết: “Văn hóa truyền thống bản địa tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt cho sản phẩm du lịch. Tôi cố gắng mang tới cho du khách những cảm nhận đầy đủ, chân thật nhất về những giá trị văn hóa phi vật thể hiện diện trong cuộc sống hàng ngày hay các di sản đã được trao truyền qua bao thế hệ. Đó có thể là các đặc sản, thức quà bình dị của Nam Định như: Nem nắm, bánh nhãn, gạo nếp cho đến nghệ thuật hát văn, múa rối nước làng Rạch hay điệu múa Sơn Quân đang có nguy cơ thất truyền... Những di sản văn hóa ấy chính là nền tảng để du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững”.


Du khách tham quan, trải nghiệm tại cầu ngói Hải Anh.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại cầu ngói Hải Anh.


Thông qua hoạt động du lịch quảng bá các sản phẩm thủ công độc đáo của các làng nghề tại địa phương, Ecohost đang đem lại thu nhập cho người dân khi tham gia vào các hoạt động du lịch. Thu nhập của cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi dịch vụ của Ecohost Hải Hậu trung bình đạt mức 30-50 triệu đồng/hộ cho thấy sức hấp dẫn của mô hình. Với cách làm du lịch sáng tạo, bền vững, đây cũng là mô hình du lịch sáng tạo vì cộng đồng, là sản phẩm du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận “Sản phẩm OCOP cấp quốc gia” (sản phẩm OCOP hạng 5 sao).

Từ thành công của Ecohost Hải Hậu, chị Nhàn tiếp tục xây dựng mô hình thứ 2, Ecohost Trực Thắng tại xã Trực Thắng (Trực Ninh). Ecohost Trực Thắng có cảnh quan độc đáo với 1 ngôi nhà gỗ 5 gian làm nhà lưu trú, 5 chòi cafe gỗ và 2 dãy nhà ngang bố trí các phòng ngủ, nhà bếp, nhà ăn lớn được xây dựng mang phong cách độc đáo. Cũng như mô hình ở Hải Hậu, đến với các Ecohost Trực Thắng, ngoài được tận hưởng thiên nhiên trong lành, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm cuộc sống, văn hoá độc đáo của các địa phương trên địa bàn tỉnh.


Du khách tham quan, trải nghiệm tại Ecohost Trực Thắng tại xã Trực Thắng (Trực Ninh).

Du khách tham quan, trải nghiệm tại Ecohost Trực Thắng tại xã Trực Thắng (Trực Ninh).


Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, thời gian qua các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư về hạ tầng, cơ sở lưu trú, các dịch vụ, phát triển mạnh ở các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu và Vụ Bản. Ở huyện Giao Thủy có mô hình du lịch cộng đồng tại Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân, Hợp tác xã du lịch Khang Tường Giao An và Du lịch điền dã Bảo tàng Đồng quê. Trong đó, hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân bao gồm 10 hộ dân có phòng nghỉ cho khách du lịch thuê (homestay). Du khách tham quan vùng đệm Vườn quốc gia sẽ được đi qua 5 xã ven biển bằng phương tiện xe đạp, tìm hiểu cuộc sống người dân trong vùng, tìm hiểu chợ quê, những làng nghề truyền thống, được thưởng thức bữa cơm quê, những món quà quê, tham gia văn nghệ, đắm chìm trong những làn điệu chèo của người dân quê hương… Ở huyện Vụ Bản, mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng tại Khu du lịch sinh thái núi Ngăm thuộc thôn Kim Thái, xã Minh Tân hoạt động từ tháng 10/2016. Tại Khu du lịch sinh thái núi Ngăm, du khách có thể lưu trú tại khu nghỉ dưỡng, tham gia các trò chơi vận động, cắm trại… Các mô hình du lịch này ngày càng thu hút đông khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Để quảng bá các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu, Khu du lịch sinh thái núi Ngăm, Bảo tàng Đồng quê, Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đều có trang website riêng để cập nhật thông tin, quảng bá hình ảnh của điểm du lịch. Các điểm du lịch cộng đồng bước đầu đã có sự liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường, thu hút du khách.


Giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu tại Ecohost Trực Thắng.

Giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu tại Ecohost Trực Thắng.


Phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi phù hợp với xu thế chung của ngành du lịch tỉnh trên cơ sở khai thác tiềm năng sẵn có. Từ hướng đi này, tạo sinh kế bền vững cho người dân và các doanh nghiệp tham gia làm du lịch; giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh, vẻ đẹp của đất và người Nam Định.


Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh

(baonamdinh.vn)

Các Tin khác
- Khám phá những công trình mang dấu ấn của thời đại ở Nam Định 20/03
- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động văn hoá du lịch tại di tích đền Trần Xuân Ất Tỵ 2025 10/02
- Mô hình du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu - sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Nam Định 20/01
- Ghi hình, quảng bá Du lịch Nam Định thông qua chương trình “Around Việt Nam - Một vòng Việt Nam” trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam 20/12
- Sức hút du lịch Nam Định 31/12
- Hội nghị công bố quyết định công nhận Khu du lịch Thịnh Long là khu du lịch cấp tỉnh 12/01
- Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương khảo sát thực tế đối với sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao 08/01
- Phát triển du lịch tỉnh Nam Định theo hướng tăng trưởng xanh 13/12
- Làng nghề rối nước làng Rạch xã Hồng Quang huyện Nam Trực thu hút khách du lịch 05/12
- Chương trình ghi hình tại Nam Định của Kênh Văn hoá Việt VTC10, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC 01/11
- Cửa Ba Lạt - nơi con sông Hồng đổ về với biển 14/11
- Du lịch biển Nam Định - Cơ hội và thách thức 14/10
- Phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch 16/10
- Phát huy giá trị của hệ thống nhà thờ công giáo tại Nam Định trong phát triển du lịch 15/10
- Vườn Quốc gia Xuân Thủy - 20 năm hình thành và phát triển 15/10