Cách trung tâm thành phố Nam Định chừng 25 km về phía Nam, thôn Liêu Hải, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói truyền thống. Liêu Hải - ngôi làng nhỏ yên bình nằm bên bờ con sông Đáy hiền hòa là nơi khởi nguồn của nghề dệt chiếu và cũng là nơi có nghề dệt chiếu phát triển mạnh mẽ nhất xã Nghĩa Trung.
Tương truyền, nghề dệt chiếu cói ở thôn Liêu Hải có lịch sử hình thành vào khoảng thế kỷ XVI-XVII, do cụ Đỗ Thế Duệ, người làng Phi Lai, tổng Phi Lai, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa truyền dạy. Về sau, cụ Đỗ Thế Duệ rời quê hương Thanh Hóa ra vùng Bồng Hải (nay là xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) chiêu đinh lập ấp mở mang ngành nghề trong đó có nghề dệt chiếu. Tiếng lành đồn xa, trai gái khắp các vùng lân cận, trong đó có thôn Liêu Hải tìm sang học nghề rồi trở lại quê hương truyền nghề cho con cháu. Cứ như thế, nghề dệt chiếu ở thôn Liêu Hải được truyền từ đời này sang đời khác, cha truyền con nối và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Để làm được một chiếc chiếu theo đúng tiêu chuẩn thì người thợ nơi đây phải thực hiện nhiều công đoạn, trong đó công đoạn quan trọng nhất là tuyển chọn nguyên liệu cói và đay được thực hiện một cách kỳ công và nghiêm túc. Nguyên liệu để dệt nên những chiếc chiếu ở thôn Liêu Hải được người dân sử dụng là cói nước mặn, bởi lẽ cói nước mặn cho ra sợi cói cao, mềm mại, có độ bền, đẹp theo thời gian. Sợi đay dùng để dựng giàn dệt phải là sợi phơi thật khô qua nhiều nắng nên có độ mềm mại, bền chặt nhất định. Có thể thấy, ngay từ công đoạn đầu tiên, những chiếc chiếu ở thôn Liêu Hải đã có những tiêu chuẩn rất khắt khe, đòi hỏi ở người thợ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và kỹ thuật cao.
Sau khi chọn được những sợi cói đạt tiêu chuẩn, người thợ bắt đầu tiến hành phân loại cói. Cói sau khi thu hoạch được chia ra làm nhiều loại dài ngắn khác nhau gồm: loại từ 1,5m đến 1,7m; loại từ 1m đến 1,5m; loại dưới 1m. Sau đó, người thợ dệt chiếu Liêu Hải tiếp tục tuyển chọn cói một lần nữa. Lần này, cói được phân loại kỹ hơn thành các loại: 1,7m; 1,5m; 1,4m; 1,3m; 1,2m; 1,1m; 90cm, 80cm để dệt thành các loại chiếu khác nhau theo chiều dài của cói.
Sau khi đã có đủ nguyên liệu, người thợ dệt chiếu chuyển sang công đoạn phức tạp, mất nhiều thời gian và khó nhất trong quá trình dệt chiếu, đó là công đoạn dựng giàn dệt. Dựng xong giàn dệt, người thợ sẽ đi vào công đoạn chính là dệt chiếu. Dệt chiếu bắt buộc phải có 2 người, một người dập go (1), bắt mép chiếu, một người văng cói vào đường dệt. Ở công đoạn này, dập go phải đều tay, văng cói phải linh hoạt. Khi chiếu được dệt xong, người thợ tháo chiếu ra khỏi giàn, dùng một dụng cụ được gọi là thanh ghim (2) ghim lại những đoạn cói thừa vào mặt trái; đây cũng là công đoạn cuối cùng để người thợ hoàn thành phần thô của chiếc chiếu. Các công đoạn trong chu trình dệt chiếu đều rất phức tạp và kỳ công nên những người thợ dệt chiếu ở thôn Liêu Hải phải phối hợp với nhau ăn ý, nhịp nhàng và cẩn thận.
Sản phẩm chính được sản xuất nhiều nhất ở thôn Liêu Hải là chiếu đậu và chiếu in. Chiếu đậu là loại chiếu cao cấp màu trắng, dày, không in hoa văn, chủ yếu để phục vụ các lễ hội truyền thống, các dịp cưới hỏi nên dệt một lá chiếu đậu cần nhiều kỹ thuật và công sức. Những sợi cói dùng để dệt chiếu đậu phải tròn, săn, cân đối gốc ngọn, nhiều cật, ít ruột và màu trắng xanh. Đay phải là đay lụa bánh tẻ, xe nhỏ, săn, chắc được đặt làm riêng từ những hộ xe đay có tay nghề cao. Chiếu đậu cao cấp đòi hỏi kỹ thuật dệt tỉ mỉ, chắc tay nên một ngày chỉ dệt được từ 2 - 2,5 chiếc. Chiếu in có thời gian hoàn thành ngắn hơn chiếu đậu vì được dệt lỏng tay hơn. Sau khi dệt xong, chiếu trắng thông thường sẽ có thêm một công đoạn nữa là in hoa văn lên mặt chiếu. Khuôn in hoa văn là khuôn đồng chạm thủng mô tả các họa tiết như: hoa trái, chữ, hình và năm sản xuất... Người thợ đặt khuôn trên tấm chiếu trắng trên phản gỗ, lấy chổi sơn quét lên khuôn để in hoa văn. In xong, người thợ đưa chiếu đến lò hấp. Chiếu sau khi được đem hấp sẽ bóng hơn, đẹp hơn, có giá trị thẩm mỹ cao. Loại chiếu này thường được sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày trong mỗi gia đình.
Thời gian từ năm 1986 đến những năm 2009 là thời kỳ hoàng kim của làng nghề chiếu cói ở thôn Liêu Hải. Trước năm 1986, với mô hình hợp tác xã, nghề dệt chiếu cói Liêu Hải chưa có cơ hội phát triển. Sau năm 1986, thực hiện cơ chế mới, nghề dệt chiếu truyền thống được đưa về các hộ gia đình và có điều kiện phát triển mạnh trong mô hình kinh tế hộ gia đình. Thời điểm đó, toàn xã có trên 60% các gia đình dệt chiếu. Người thợ lúc này được chủ động trong tất cả các khâu từ chuẩn bị nguyên liệu đến sản xuất và bán sản phẩm. Thôn Liêu Hải, xã Nghĩa Trung, trở thành địa phương cung cấp sản phẩm chiếu cói cho nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, nghề dệt chiếu cói ở thôn Liêu Hải vẫn tồn tại nhưng làng nghề dệt chiếu đã không còn nhộn nhịp, tấp nập, đông vui như trước do tác động của kinh tế thị trường cùng với sự du nhập của các loại chiếu nhựa, chiếu trúc, chiếu làm bằng máy. Tuy nhiên thôn Liêu Hải vẫn còn những người thợ dệt chiếu bền bỉ làm nghề, giữ nghề, truyền nghề, bởi họ biết rằng, những lá chiếu mà họ tự tay làm ra luôn đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày cũng như đời sống văn hóa, tinh thần của người dân quê hương. Với những người dân sống sau lũy tre làng Liêu Hải, chiếc chiếu là sản phẩm đồng hành với họ trong suốt cuộc đời, hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ ngay từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay về với tiên tổ. Chính vì vậy, chiếc chiếu Liêu Hải không chỉ đơn thuần là một vật dụng để sử dụng hàng ngày mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống gắn với nếp nhà, tập tục bao đời của quê hương, gắn với tổ tiên, cha ông và nơi chôn nhau cắt rốn của những người dân vùng thôn quê nơi đây.
Nghề dệt chiếu cói ở thôn Liêu Hải vẫn luôn như thế, bền bỉ, kiên nhẫn vượt qua bao khó khăn, bao thăng trầm thời gian, biến cố lịch sử để tồn tại cho đến tận ngày hôm nay. Dù cho hiện nay các yếu tố ngoại cảnh đã phần nào tác động tới nghề làm chiếu cói thủ công ở thôn Liêu Hải nhưng nghề dệt chiếu luôn là một điều gì đó rất thiêng liêng, những câu chuyện nghề, những kinh nghiệm làm nghề vẫn thường được nhắc đến trong câu chuyện của người dân một cách đầy tự hào. Mong muốn lớn nhất của những người thợ dệt chiếu cói thôn Liêu Hải là có thể bảo tồn nghề dệt chiếu truyền thống của quê hương, để sau này các thế hệ con cháu ở thôn Liêu Hải đều biết rằng quê hương mình đã có một nghề thủ công truyền thống tự hào như thế.
L.A
Chú thích:
(1) Go: Là tên một dụng cụ dùng khi dệt chiếu để liên kết các sợi cói lại với nhau.
(2) Thanh ghim: Là tên một dụng cụ thường được làm bằng tre, nhỏ, nhẵn, có một đầu nhọn để cố định những đoạn cói thừa vào mặt trái của lá chiếu.