Khả Lang - nơi đào tạo nhiều thế hệ Cung văn cho Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Về đất Nam Định, đến bất kỳ địa bàn nào có sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/Tứ phủ, vốn đang hiện diện ở khá nhiều làng quê thuộc 10 huyện, thành phố của tỉnh, thổ lộ nguyện vọng tìm hiểu đội ngũ những đội/nhóm cung văn phục vụ nghi lễ hầu đồng, đều có thể được bắt gặp chung một đáp số: Hãy tìm về thôn Khả Lang, xã Yên Dương - một trong những cái nôi sinh thành ra nhiều thế hệ cung văn cho hàng loạt các phủ, đền, điện thờ Mẫu của cả nước hàng trăm năm nay.

Theo chỉ dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Huệ, tôi tìm về thôn Khả Lang. Theo quốc lộ 10 chừng dăm cây số, đến đầu ga Cát Đằng, rẽ phải thêm gần 4 cây số là đến thị trấn Lâm, thủ phủ huyện Ý Yên, rẽ phải chừng non 3 cây số nữa là vào đồng đất của thôn Khả Lang danh tiếng. Nổi lên giữa bốn bề đồng xanh bát ngát, Khả Lang mang dáng vẻ thuần túy của một làng quê bao đời nay gắn với nghề nông. Hơn 500 gia đình với ngót 2000 nhân khẩu của làng như quần tụ trong một vòng tròn của những tre pheo, ao đầm khép kín. Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ý Yên Trần Văn Loan cùng đại diện Câu lạc bộ Hát văn Khả Lang ra tận đầu làng đón khách. Như thấy khách đang có vẻ ngỡ ngàng trước các dãy cao tầng san sát hai bên đường, chẳng khác gì phố xá, anh Loan cười thân mật: Làng Khả Lang thuần nông là hình ảnh của cách đây mấy chục năm rồi. Giờ đây, cái làng mang danh là một trong những “lò” tạo nguồn cho nhiều thế hệ cung văn của đất Nam Định này đã khác lắm. Khả Lang là một trong 5 làng của xã Yên Dương, xã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một tấm gương của thời kỳ mở cửa phát triển kinh tế và hội nhập đấy. Từ một vùng thuần nông, lấy cây lúa làm trọng, đến nay, 5 làng của toàn xã đã có 120 cơ sở sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ; 5 cơ sở may công nghiệp và thêu ren, thu hút gần 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 10 triệu đồng/người/tháng… Còn lại, chỉ có một nghề truyền thống của chính làng Khả Lang này là không thay đổi: Nghề hát văn!

Và rồi anh Trần Văn Loan hướng chúng tôi vào sảnh Từ đường của dòng họ Đoàn, một trong những dòng họ nối đời hát văn nổi tiếng của vùng Sơn Nam Hạ từ hàng trăm năm nay. Một bậc cao niên, trang trọng trong áo the khăn xếp, vừa chắp tay bái trước ban thờ, quay ra niềm nở đón khách: Tôi là Đoàn Đức Sinh, đội trưởng Câu lạc bộ Hát văn của làng. Hôm nay là ngày Rằm, cũng là ngày tụ họp con cháu theo nghề Hát văn, “làm ăn” từ tứ phương kéo về họp đội theo lịch trình hàng tháng. Nhà văn hóa thôn chưa dựng xong, chúng tôi tạm thời sinh hoạt tại Từ đường của dòng họ mình.

Cụ Đoàn Đức Sinh thân mật mời nước và khởi chuyện: Xin chào các quý vị đã về với làng quê chúng tôi. Đất này ngày xưa nghèo lắm. Nhưng được cái lại có máu “nghệ sĩ”, đã làm gì thấy thích thú là đam mê và làm đến cùng. Đến như cái đận chống Pháp, dân làng đói ăn, nhưng sẵn sàng cầm giáo mác, súng gươm đánh chém hàng trăm giặc Pháp, bảo vệ xóm làng, để rồi cùng các làng khác trong xã được vinh danh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đấy. Ngót hai chục năm trở lại đây, con cháu chúng tôi đã năng động mở mang nghề nghiệp, làm ăn tấn tới, có của ăn của để, nhà cửa khang trang, lối xóm khác gì phố xá. Nhưng mỗi cái đận say với hát văn và truyền dạy các ngón đàn, điệu văn cho con cháu là không thay đổi được. Rồi ông quay ra giới thiệu tên tuổi gần hai chục người đang là thành viên của câu lạc bộ quây quần quanh chiếu…Qua giọng nói ấm áp của bậc cao niên vừa tròn “bát tuần”, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Yên Dương nhiều nhiệm kỳ, về hưu đã chẵn hai chục năm trời - cũng là ngần ấy năm gắn bó, lăn lộn với Câu lạc bộ Hát văn của làng, trước mắt chúng tôi lần lượt nở rộ tiếng cười gần gũi của những tay đàn, tay sáo, giọng ca với các độ tuổi khác nhau, vốn đã và đang vang ngân tại nhiều phủ, đền có thực hành phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ nhiều tỉnh thành, nhớ ngày hội họp kéo nhau về gặp mặt.

Chiêu tạm ngụm nước vối quen thuộc, cụ Sinh nhìn khách hồ hởi: Cái làng tôi nó lạ lắm, các vị ạ ! Cả làng đến nay có hơn 500 hộ gia đình, vào loại thường thường bậc trung thôi, với 7 dòng họ anh em quây quần sinh sống, làm ăn như họ Đoàn, họ Lê, họ Nguyễn, họ Bùi, họ Dương và họ Phạm, nhưng chỉ có 3 họ là Đoàn, Lê và Nguyễn là có nhiều đời trung thành với cái nghề hát văn này. Làng Khả Lang tôi tuyệt nhiên xưa - nay không có phủ, đền, điện hay cơ ngơi phụng thờ Thánh Mẫu nào, chỉ có 7 từ đường của 7 dòng họ. Vậy mà, không hiểu sao, cha ông chúng tôi lại “nuôi dưỡng” được cái nơi được coi là một trong những “lò” đào tạo ra các thế hệ cung văn phục vụ cho hàng trăm đền, phủ trên khắp cả nước này thực hành hầu đồng, phụng thờ Thánh Mẫu bấy lâu nay ?!!

Rồi cụ như say sưa “nhập” vào quá khứ: Họ Đoàn nhà tôi có nghề hát văn đến nay, tính ra đã 7 đời, muộn hơn họ Lê, họ Nguyễn đôi chút. Ngày còn bé, nghe các cụ kể lại, các bậc tiền nhân về đây sinh cơ lập nghiệp, không hiểu từ đâu đã biết chế tạo ra hoặc sử dụng thuần thục những cây đàn nguyệt, những sênh, phách rồi sau đó là trống, nhị, sáo…; rồi lại cặm cụi ngồi dịch những trang chữ nho giấy bản mỏng tang để lấy làm lời sáng tạo ra những câu hát văn phục vụ cho những cuộc lên đồng của những người có “căn” tại đền Đồng Bằng bên Thái Bình hay Phủ Dầy đất Kim Thái cùng một vài nơi khác trong vùng, thâu đêm suốt sáng đến vậy. Ngay từ ngày nhỏ, tôi đã cùng hàng chục trang lứa suốt ngày say mê ngồi nghe và học cách đánh đàn, học hát từng câu hát văn theo giảng giải của ông bà, cụ kỵ họ mình; và sang các cụ họ tộc khác trong làng nghe lỏm. Tôi nhớ, từ ngày còn bé, đã thấy danh tiếng của cụ Lê Văn Cam họ Lê, nổi danh đàn hay hát ngọt. Cụ là thày dạy của nhiều lứa nghệ nhân về sau cũng nổi danh trong đội ngũ cung văn cả nước, trong đó có con gái là nghệ nhân Lê Kim Phụng (73 tuổi) và cháu đích tôn Lê Văn Trí (43 tuổi), đặc biệt là cụ Thế Tuyền mãi tận Nam Trực về học để thành bậc uyên thâm về cung văn sau này. Nói các bác đừng cười, theo chỗ tôi biết, các cụ nhà tôi, rồi đến lớp con cháu chúng tôi sau này, thú thật, “nốt nhạc bẻ đôi không biết”, bảo đọc các trang nhạc lý như hiện nay thì chịu. Nhưng cái cách học “chỉ tay, day trán” của các cụ, rồi đến các lứa kế cận sau này, cho con cháu cầm đàn, luyện ngón luyện hát vậy mà cứ nhoay nhoáy, nhắm mắt cũng bấm đúng phím, đúng nốt, say sưa không khác nhập đồng. Cái cách dạy truyền miệng chỉ tay của các cụ sao mà tài thế. Con cháu cứ vậy nhập tâm và quen ngón mà thành nghề…

Đứng dậy thắp thêm tuần nhang lên ban thờ tổ tiên, cụ Sinh quay ra, lại say sưa tiếp chuyện: Cái nghề cung văn này nó lạ lắm. Ngồi nghe thì dễ cuốn vào đam mê. Nhưng bắt tay vào học nó thì chặng đầu gian truân không ít, dễ nản lắm! Muốn học nghề, trước hết, phải có cái máu “nghệ sĩ”, nói như bây giờ là phải có “khiếu” cái đã. Mà hình như, có cả cái chất men của “gia truyền” nữa thì phải. Rồi cụ cao hứng giảng giải: Hát văn hay còn gọi là hát chầu văn (tức là hát trong nghi lễ hầu đồng, phục vụ cho các giá đồng chầu Thánh) là một môn nghệ thuật bao gồm rất nhiều kỹ thuật khó và nói như giới nghiên cứu hiện nay là đã đạt tới trình độ bác học. Trong khi vừa hát, vừa sử dụng nhạc cụ, hệ thần kinh của cung văn phải tập trung cao độ vào 5 bộ phận (mắt nhìn ông bà đồng đang hầu giá nào để hát cho đúng, miệng hát, tay đánh đàn, chân gõ phách, tai nghe để điều chỉnh các làn điệu). Vì vậy mà, cái anh hát văn (cung văn) khi “xung” cuộc, chẳng khác gì người “nhạc trưởng”, đứng ra cầm trịch các lời hát, làn điệu, nhịp điệu sao cho “ăn nhập” với động tác của ông/bà đồng, thậm chí ngay cả lúc thăng hoa trên chiếu hầu Thánh, thành một thể thống nhất, mang lại hơi thở sức sống cho Nghi lễ Chầu văn. Khi hát, cung văn thường dùng giọng hát tự nhiên - người xưa gọi là “bạch thanh”, lấy hơi theo các kỹ thuật lấy hơi theo trải nghiệm dân gian như: hơi óc, hơi mũi, hơi đan điền (hơi bụng), hơi trong (hơi má), hơi “nảy hạt lựu”...Khi hát, cung văn phải hát rõ lời. Thông thường các cung văn để âm thanh vang lên trong cổ, ít để hơi thoát ra bên ngoài để luyến láy nhịp nhàng uyển chuyển theo từng làn điệu. Để hát hay, hát truyền cảm, ngoài các kỹ năng trên (năng khiếu bẩm sinh kết hợp kỹ thuật được tôi luyện), cung văn còn phải tự rèn luyện, học tập trau rồi kinh nghiệm với các nghệ nhân cao niên từng trải, có kỹ năng hát và kỹ thuật vê đàn, rung trống, gõ thanh la điêu luyện, tạo âm thanh hòa quyện, mới có thể trở thành một cung văn đàn hay hát giỏi. Những năm gần đây, đa phần trong các cặp truyền dạy cung văn, người học thường phải vừa phải luyện giọng để hát hay, lại còn kiên trì tập thuần thục cách sử dụng một vài trong số nhạc cụ như đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, vốn quen thuộc trước đây và nhiều loại nhạc cụ mới nhập vào Nghi lễ Chầu văn như nhị, kèn, sáo, đàn thập lục, trống cơm…Do vậy, đội hình một ban cung văn bây giờ cũng đông đảo đến dăm bảy người, giai điệu âm thanh đa dạng và hoành tráng, hấp dẫn lắm!

Quay lại với câu chuyện về sinh hoạt của Câu lạc bộ Hát văn của làng, giọng cụ Đoàn Đức Sinh chợt như lắng lại: Bao năm nay, nhìn con cháu cùng người làng tiếp nối được cái nghiệp của cha ông xưa, mừng lắm! Nhưng cũng còn không ít âu lo. Mấy năm trở lại đây, do hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng ngày một mở rộng, số lượng các đền, phủ hoặc là được tu bổ mở mang rộng rãi, hoặc mới mở ra, nhu cầu hát văn hầu đồng cũng vì thế được nhân lên, nhất là từ sau khi di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO xét duyệt, vinh danh (2016). Đáp ứng nhu cầu thực tế, con cháu làng tôi đã nhận ra nhiều điều, vừa thỏa mãn lòng yêu nghề, vừa có thu nhập kinh tế cho gia đình. Hiện nay, lứa cao niên của làng, từ 50 trở lên trở thành nòng cột cho đội ngũ truyền dạy. Người dạy sử dụng nhạc cụ xen lẫn người dạy hát văn. Nguồn học bây giờ lại đến từ nhiều nơi. Bên cạnh con cháu trong làng, còn thêm không ít nghệ sĩ từ các đoàn chèo, đoàn quan họ cùng những người có năng khiếu và yêu thích hát văn từ các địa phương khác kéo nhau về học, như kiểu hàm thụ. Thực tế đó lại đã và đang mang đến những khó khăn, thách thức cho đội ngũ nghệ nhân truyền dạy của làng. Mong lắm có một cơ ngơi vừa đủ để mở mang vài lớp học có tính chính quy, bài bản và là địa điểm sinh hoạt, quy tụ đội ngũ con em hát văn của quê hương cũng như từ các nơi khác về giao lưu, hội tụ, trao đổi nghề nghiệp. Mong lắm có được sự hỗ trợ kinh phí từ các cơ quan chức năng của nhà nước và chính quyền các cấp của địa phương để có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất, trang bị nhạc cụ, trang phục, phương tiện âm thanh loa đài... đáp ứng mục tiêu bảo tồn nguồn vốn di sản quý báu của ông cha, góp phần xây dựng đời sống văn hóa sở tại.

Cho đến nay, Câu lạc bộ Hát văn làng Khả Lang đã có được đội ngũ 25 cung văn chuyên nghiệp, một nửa hiện đang phục vụ cho các cơ sở đền, phủ ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Yên Bái...Số còn lại thường trực phục vụ nhu cầu hầu Thánh tại các đền, phủ, điện thuộc các huyện của tỉnh nhà. Rất may, đội ngũ đông đảo này, đa số đã có đủ năng lực để vừa thực hành giỏi trong nghi lễ hầu đồng tại các bản đền, bản phủ, vừa có khả năng đứng lớp, truyền dạy cho các thế hệ sau....Nhưng dù có bận đến đâu, các thành viên của Câu lạc bộ gần như đều bố trí công việc để hội tụ vào ngày Rằm hàng tháng tại quê. Âu cũng là cùng nhau giữ cho được cái danh của làng Khả Lang, nơi được cộng đồng bấy lâu nay vinh danh là một trong những “lò” cung cấp cung văn cho thực hành một loại hình di sản văn hóa độc đáo, mang tầm nhân loại - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/Tứ phủ của người Việt.

B.Q.T

Các Tin khác
- Độc đáo những cây cầu Ngói ở Nam Định 29/11
- Di tích Lịch sử quốc gia Đền, chùa Hà Dương, xã Hoàng Nam 29/11
- Di tích Phủ Thông Khê nơi phụng thờ Thái phi Trần Thị Ngọc Đài và Lịch sử Hội hoa trượng trong Lễ hội Phủ Dầy 29/11
- Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” của Chính phủ 29/11
- Các di tích phụng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương trên địa bàn tỉnh Nam Định, thực trạng quản lý và phát huy giá trị 22/11
- Thân vệ Đại tướng quân Trần Nhân Trứ 22/11
- Danh tướng Nguyễn Đăng 22/11
- Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” 22/11
- Quốc công Đặng Tất và danh tướng Đặng Dung hai nhân vật lịch sử kiệt xuất thời Hậu Trần 22/11
- Phong tục “Đầu năm mua Muối” và Muối trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt 22/11
- Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 22/11
- Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tại các di tích xếp hạng trên địa bàn tỉnh Nam Định 22/11
- Hội nghị công bố quyết định của UBND tỉnh Nam Định thành lập Bảo tàng tỉnh Nam Định và Trung tâm Thể thao thành tích cao tỉnh Nam Định 22/11
- Lễ Khai ấn đầu xuân tại Đền Trần - Nam Định 22/11
- Họp hội đồng khoa học xét duyệt, xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định năm 2021 22/11