Nam Định là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Ở các địa phương trong tỉnh hiện còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, gồm các làn điệu dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian: Hát chèo, hát văn, ca trù, múa lân - sư - rồng, múa hạc, múa rối nước - rối cạn, cà kheo, trống hội… Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, sự phát triển của các đội, câu lạc bộ văn hóa truyền thống là thành quả công tác xã hội hóa để khôi phục, kế thừa, gìn giữ các giá trị văn hoá dân gian, đáp ứng nhu cầu tâm linh trong đời sống cộng đồng.
Vụ Bản là vùng đất đậm đặc di tích lịch sử - văn hoá nên cứ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, ở khắp các làng quê trong huyện lại tưng bừng mở hội. Lễ hội Phủ Dầy diễn ra từ mồng 3 đến mồng 8 tháng 3 âm lịch hàng năm, là lễ hội lớn có quy mô vùng gắn với Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng như: Rước thỉnh kinh, rước đuốc… Tại các đền, phủ trong Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, thực hành nghi lễ chầu văn không chỉ trong lễ hội mà diễn ra vào bất cứ ngày nào trong năm. Nhiều nhà khoa học, các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Phủ Dầy được “mục sở thị” những tiết mục thực hành hầu Mẫu. Trong ngày hội, cùng với phần lễ trang trọng, phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia như: Hát chèo, cờ người, đấu vật, hoa trượng hội, thả rồng bay… Lễ rước thỉnh kinh trong lễ hội có sự tham gia của 3 - 5 đội múa lân, sư, rồng ở các xã Đại Thắng, Vĩnh Hào, Thành Lợi... Ngoài đội múa rồng, những người múa lân, sư còn diễn nhiều vai như: Ông Địa, thằng hề, thằng ngô, người múa sênh tiền, người cầm đèn màu, cờ ngũ sắc khăn áo chỉnh tề hoà cùng kiệu Thánh Mẫu rước qua các di tích: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Thánh Mẫu, Công Đồng từ, Linh Sơn tự… Hàng năm, các đội múa tứ linh ở Vụ Bản còn tổ chức biểu diễn trong các dịp: Yến lão đầu Xuân, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, khánh thành nhà thờ các dòng họ, khai trương cửa hàng… Thành viên trong các đội múa rồng biểu diễn được nhiều điệu múa khó như: “Rồng phun lửa”, “Rồng chầu Thánh”, “Rồng vờn mây” “Rồng múa dưới nước”… Đối với múa lân, các thành viên đã kết hợp hài hòa giữa võ thuật, sức khỏe cùng sự khéo léo, cẩn trọng trong mỗi bước nhảy thể hiện những bài múa độc đáo như: “Lân chầu”, “Lân sư giao đấu”, “Lân sư kiệu”…
Ở huyện Mỹ Lộc, nghệ thuật múa tứ linh có từ hơn 100 năm trước xuất phát từ những dịp hội làng. Trải qua thời gian dài trầm lắng, hiện nay, nhiều địa phương trong huyện đã quan tâm, khôi phục loại hình nghệ thuật múa tứ linh truyền thống. Tiêu biểu như xã Mỹ Thắng có 3 đội múa lân, sư, rồng; xã Mỹ Hưng có 2 đội múa rồng; xã Mỹ Phúc có 1 đội múa rồng; xã Mỹ Hà có 1 đội múa sư tử… Mỗi đội thường có từ 15 - 20 người dày dặn kinh nghiệm kết hợp với những người trẻ có sức khoẻ và sự khéo léo, thường xuyên tự “làm mới” mình với nhiều tiết mục phong phú. Từ công tác xã hội hoá, một số đội múa tứ linh sau khi thành lập đã kêu gọi các thành viên đóng góp và sự hỗ trợ của con em xa quê ủng hộ kinh phí để tổ chức biểu diễn, mua sắm linh vật, phục trang, đạo cụ. Vào dịp đầu xuân mới và lễ hội ở các di tích lịch sử - văn hóa như: Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc; Đình Cao Đài, xã Mỹ Thành; Đình Cả, Đình Phương Bông, xã Mỹ Trung; Đình Bườn, xã Mỹ Thắng…, đều có sự “góp mặt” của các đội múa tứ linh. Những uốn lượn tạo hình vô cùng sinh động của các điệu múa lân, sư, rồng tạo cho không khí ngày hội thêm vui tươi, phấn khởi, hấp dẫn người xem.
Ở huyện Nam Trực, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều xã, thị trấn trong huyện đã gìn giữ, khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như: Hát chèo ở các xã Nam Thái, Nam Dương, Nghĩa An, Nam Hồng; múa rối nước ở xã Hồng Quang, múa rối cạn (rối đầu gỗ) ở thị trấn Nam Giang; múa tứ linh ở các xã Nam Cường, Nam Thắng… Trong đó, tiêu biểu là Hội múa rối Ổi Lỗi có gần 40 thành viên ở 3 thôn: Vân Chàng, Giáp Ba, Giáp Tư. Các thành viên trong hội luôn có ý thức về việc trao truyền, gìn giữ các nghi thức múa rối có niên đại trên 900 năm cũng như việc bảo quản nguyên vẹn 12 đầu rối bằng gỗ (Thập nhị Thánh tượng) có tuổi đời trên 200 năm. Tại lễ hội chùa Đại Bi hằng năm, các nghệ nhân múa rối cạn trình diễn các trích đoạn giáo trò, hát dâng tràng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý..., thu hút đông đảo du khách, tín đồ phật tử ở khắp nơi hội tụ về thưởng thức. Thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang được biết đến là một trong những phường rối nước lâu đời. Trước đây, phường rối nước Nam Chấn (nay là phường rối nước thôn Bàn Thạch) thường diễn các tích trò ở thuỷ đình để phục vụ các lễ hội lớn của làng. Phường rối thôn Rạch hiện có khoảng gần 1.000 con trò với hơn 40 tích trò khác nhau. Các tích trò này phần lớn từ xa xưa truyền lại. Tuy nhiên, cũng có nhiều tích trò là các nghệ nhân trong làng nghiên cứu, dàn dựng lại sao cho phù hợp và tăng thêm phần đặc sắc, hấp dẫn.
Huyện Nghĩa Hưng hiện còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tiêu biểu như: Múa rồng ở xã Hoàng Nam; trống cà rùng, trắc ở xã Nghĩa Sơn; rối nước ở xã Nghĩa Trung; múa hạc ở xã Nghĩa Hải; cà kheo ở xã Nghĩa Thắng. Ở xã Nghĩa Sơn, từ nhiều năm qua, tiếng trống cà rùng đã vượt khỏi khuôn viên trong sinh hoạt tại các nhà thờ Công giáo để tham gia vào các hoạt động văn hóa, chính trị của địa phương. Hội có gần 50 người, tuổi từ 40 - 60; trong đó 2 người đánh trống cái, hơn 20 người đánh trống con, 10 người đánh cồng, 5 người chơi lá bạc, 10 người múa gậy, thổi còi phụ họa. Tìm hiểu quá trình hình thành, khôi phục và phát triển của hội trống cà rùng Nghĩa Sơn mới thấy được sự say mê, tâm huyết của các thành viên cao tuổi trong việc chế tạo, bảo quản và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng này. Trong quá trình học, nhiều thành viên trong hội đã sáng tạo thêm những điệu múa trống với các động tác chân nhún nhảy, tay múa dùi, nhịp dứt khoát đã làm nên đặc trưng của hội trống. Xã Nghĩa Hải là địa phương duy nhất trong tỉnh lưu giữ được nghệ thuật múa hạc. Theo quan niệm dân gian, chim hạc được coi là “Nhất phẩm điểu” - không chỉ là biểu tượng thiêng liêng cao quý mà còn tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn, trường thọ. Với bề dày truyền thống trên 60 năm, hiện nay, đội múa hạc Nghĩa Hải có trên 50 thành viên cao tuổi. Để có những tiết mục múa đặc sắc, đội phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; người đánh trống cái, người đánh trống con, người đánh cồng, người chơi lá bạc, người múa đao, kiếm… Từ nhiều năm nay, đội múa hạc Nghĩa Hải đã tích cực tham gia biểu diễn trong các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ hội tại các đình, đền, chùa ở địa phương, tạo không khí rộn rã khắp các làng quê.
Hải Hậu là vùng quê miền biển. Nghệ thuật biểu diễn cà kheo nơi đây được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất của cư dân từ những năm 1960. Hiện nay, nghệ thuật biểu diễn cà kheo được nhân dân các xã: Hải Lý, Hải Triều, Hải Đông, Hải Chính, thị trấn Thịnh Long khôi phục và phát triển. Mỗi đội cà kheo có từ 10 - 15 người, thường xuyên biểu diễn nhiều tích trò phong phú, đa dạng. Các tiết mục biểu diễn của các đội cà kheo ngoài tái hiện lại cuộc sống lao động của ngư dân với những phương thức đánh bắt thuỷ sản như: Cất te, đi xẻo, quăng chài thì các trò diễn như: Múa sư tử, múa gậy, múa quạt, vật võ hay hóa thân vào các nhân vật cổ tích đều liên quan đến các sự kiện lịch sử mang tín ngưỡng phồn thực, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài nghệ thuật biểu diễn cà kheo, trong những dịp lễ hội ở Hải Hậu không thể thiếu các tiết mục biểu diễn múa lân, sư, rồng, trống hội, kèn đồng… Nhiều đội múa tứ linh, hội trống tích cực phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương, tiêu biểu như: Đội lân, sư, rồng ở xã Hải Chính; đội lân ở xã Hải Phúc, đội rồng ở các xã: Hải Trung, Hải Bắc; đội múa sư tử ở các xã: Hải Hưng, Hải Đông, Hải Cường, Hải Anh, Hải Thanh; hội trống cà rùng ở các xã: Hải Phương, thị trấn Yên Định; hội trống ở các xã: Hải Phú, Hải Hà, Hải Lộc, Hải Xuân, Hải Quang…
Đã thành truyền thống, hàng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Trực Ninh lại sôi nổi tổ chức Ngày hội Văn hoá - Thể thao. Trong ngày hội này, các hoạt động diễn ra đồng bộ từ công tác tuyên truyền đến các loại hình vui chơi giải trí, biểu diễnvăn nghệ quần chúng, thi đấu các môn thể thao. Ngoài các môn thi đấu, các xã, thị trấn còn đem đến những tiết mục hát chèo, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: Đi cà kheo, múa lân, sư, rồng, trống cà rùng, kèn đồng, bơi chải... Các tiết mục biểu diễn đều sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn không chỉ là hoạt động vui chơi giải trí đơn thuần mà còn đậm đặc nét văn hóa dân gian độc đáo, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Để tiếp tục gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống hôm nay, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa của quê hương; đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực xã hội khôi phục, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các địa phương cần quan tâm, động viên các nghệ nhân, những người am hiểu nghệ thuật truyền thống vào cuộc, tổ chức truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ thuật truyền thống này có “đất sống” trong các khu, điểm du lịch. Các xã, thị trấn cần quan tâm tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ, tạo điều kiện về nơi tập luyện và hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lê Hạnh