bvhttdl.gov.vn - Ngày 16/5, tại Hà Nội, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình chủ trì Hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số". Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy và Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề xuất các quy định cụ thể, góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình cho biết, việc hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này sẽ là những bổ sung căn bản, hình thành không gian, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa Luật Báo chí vừa phải căn cơ, nhưng đồng thời phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, những đổi mới trong tư duy xây dựng pháp luật.
Thứ trưởng Thuờng trực Lê Hải Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý vào một số nội dung mới của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) như vấn đề kinh tế báo chí, chuyển đổi số báo chí và các vấn đề khác như tổ hợp truyền thông...
Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình phát biểu mở đầu Hội thảo.
Tại Hội thảo, trình bày tham luận "Một số vấn đề đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi)", ông Lưu Đình Phúc, Cục Trưởng Báo chí cho biết Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/9/2024 của Chính phủ thông qua 4 chính sách Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi).
Chính sách 1: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí (gồm 7 vấn đề).
Chính sách 2: Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí (gồm 5 vấn đề).
Chính sách 3: Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí (gồm 4 vấn đề).
Chính sách 4: Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Quá trình xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã bám sát ý kiến chỉ đạo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể hóa 4 chính sách nêu trên.
Dự thảo luật lần này bổ sung nhiều quy định quan trọng, trong đó điểm nhấn là nguyên tắc quản lý báo chí chặt chẽ, minh bạch và phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương. Dự kiến có 30 nội dung giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết.
Trong đó, Nghị định của Chính phủ sẽ bao gồm 25 vấn đề trọng yếu, như cơ chế phát triển tổ hợp báo chí chủ lực đa phương tiện, điều kiện cấp và thu hồi giấy phép, nguồn thu báo chí, liên kết và hợp tác quốc tế, tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo, thẻ nhà báo, quyền từ chối cung cấp thông tin, hoạt động trên không gian mạng, nhập khẩu- xuất khẩu báo chí...
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ban hành thông tư hướng dẫn 5 nội dung liên quan đến cấp phép, cấp thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, bản tin, đặc san... Dự thảo cũng đề xuất phân quyền cho địa phương thực hiện 10 thủ tục hành chính nhằm tăng tính chủ động và linh hoạt trong quản lý nhà nước về báo chí tại cơ sở.
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc trình bày tham luận "Một số vấn đề đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi)".
Dự thảo luật lần này cũng sửa đổi và bổ sung hệ thống khái niệm, nhằm phân biệt rõ ràng giữa các loại hình báo chí, khắc phục tình trạng "báo hoá" tạp chí- một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua. Cụ thể, loại hình báo chí được chia thành báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng. Báo in gồm báo và tạp chí; báo điện tử gồm Báo điện tử và Tạp chí điện tử.
Bổ sung khái niệm Tạp chí để phân biệt rõ báo, tạp chí, chống "báo hóa" tạp chí. Cụ thể: Tạp chí là sản phẩm báo chí đăng tải tin, bài có tính chất chuyên biệt, chuyên ngành, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ theo tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép; chỉ cập nhật tin tức, sự kiện về hoạt động của cơ quan chủ quản, bao gồm tạp chí in và tạp chí điện tử.
Không quy định trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Sản phẩm thông tin có tính chất báo chí chỉ còn Đặc san, Bản tin.
Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện. Theo đó, các tổ hợp báo chí được phép có nhiều cơ quan trực thuộc, hoạt động theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp, được thành lập hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc chặt chẽ trong hoạt động báo chí trên không gian mạng.
"Các kênh nội dung của báo chí trên mạng xã hội, ứng dụng Internet bắt buộc phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý. Nội dung phát hành phải tuân thủ pháp luật báo chí, an ninh mạng và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nhà nước sẽ đầu tư công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên môi trường mạng, đảm bảo an toàn thông tin và hiệu quả quản lý", ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.
Dự thảo luật cũng đề xuất bổ sung 2 hành vi bị nghiêm cấm, gồm: (1) Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và phát tin, bài như cơ quan báo chí; (2) Đưa thông tin gây phương hại đến quan hệ đối ngoại, ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế, hình ảnh quốc gia.
Đáng chú ý, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ được giao quyền giám sát, kết luận và kiến nghị xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo.
Về thẻ nhà báo, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho biết: "Dự thảo bỏ quy định kỳ hạn cứng. Thay vào đó, thẻ có thời hạn 5 năm tính từ ngày cấp. Hết hạn, người làm báo có thể đề nghị cấp đổi thẻ nếu đủ điều kiện". Ngoài ra, người làm việc tại các tạp chí khoa học sẽ không được cấp thẻ nhà báo.
Việc thu hồi giấy phép sẽ áp dụng với các cơ quan báo chí không đủ điều kiện hoặc vi phạm nhiều lần. Chính phủ sẽ quy định cụ thể các trường hợp này.
Dự thảo cũng làm rõ hơn quy trình xuất, nhập khẩu báo chí, mở rộng chủ thể tham gia là cơ quan báo chí hoặc doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu. Đồng thời, sẽ có quy định điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu.
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề xuất các quy định cụ thể, góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua.
Thứ trưởng Lê Hải Bình phát biểu kết luận Hội thảo.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình ghi nhận, cảm ơn các ý kiến đóng góp sôi nổi, tâm huyết của các đại biểu. Theo Thứ trưởng, đây không chỉ là những ý kiến đóng góp cho Luật Báo chí (sửa đổi) mà còn là những trăn trở, trách nhiệm với nền báo chí nước nhà.
Lưu ý thời gian từ nay đến thời điểm trình Quốc hội Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) không còn nhiều, Thứ trưởng đề nghị Cục Báo chí tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Đồng thời, mong muốn sẽ nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu thông qua việc tiếp tục tổ chức các hội thảo để hoàn thiện Luật Báo chí (sửa đổi)./.
Xuân Trường