Sáng 15-11, tại trụ sở Chính phủ (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự hội nghị tại đầu cầu Trung ương có đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch trên cả nước.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành hữu quan, Hiệp hội Du lịch tỉnh Nam Định, đại diện một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các Bộ, ngành và nỗ lực của ngành Du lịch, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự Hội nghị
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia du lịch đã thảo luận, đề xuất phương hướng, giải pháp tạo đột phá phát triển du lịch…
Thông qua hội nghị nhằm tạo cơ hội trao đổi, đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững. Nâng cao công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ về lĩnh vực du lịch. Chú trọng phát triển hệ thống giao thông thuận lợi, đồng bộ; cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, tiện nghi; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch sẽ, điểm đến an toàn, văn minh. Củng cố nền tảng đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thương hiệu du lịch dựa trên giá trị truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng chuỗi liên kết phát triển du lịch quốc gia và toàn cầu.
Phòng QLDL