Ngày 09/7/1960, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã thay mặt Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Nghị định số 26 CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Đây là thời kỳ đất nước còn tạm thời bị chia cắt, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Theo đó, Công ty Du lịch Việt Nam có nhiệm vụ đặt quan hệ và ký kết hợp đồng với các tổ chức du lịch nước ngoài, phối hợp với các tổ chức có liên quan ở trong nước để tổ chức cho khách nước ngoài vào du lịch Việt Nam và khách Việt Nam ra du lịch nước ngoài.
Thời kỳ này, đối tượng phục vụ của du lịch Việt Nam được cụ thể hóa gồm có: Khách du lịch từ nước ngoài vào du lịch trong nước; Khách du lịch ở trong nước đi du lịch nước ngoài; Các đoàn thể cán bộ công nhân viên chức và nhân dân lao động Việt Nam đi tham quan nghỉ mát trong nước; Những khách nước ngoài gồm: các đoàn ngoại giao, các nhân viên của các sứ quán, các cơ quan đại diện, chuyên gia, các đoàn thể và nhân dân nước ngoài trong thời gian công tác tại Việt Nam. Hoạt động của du lịch Việt Nam được kỳ vọng phát triển nguồn thu ngoại tệ, tăng tích luỹ cho Nhà nước phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, tăng cường quan hệ giao dịch với các tổ chức du lịch nước ngoài góp phần nâng cao địa vị nước ta trên trường quốc tế.
Ngay từ lúc này, du lịch đã được nhận thức rõ ràng với vai trò là một ngành kinh tế mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, với những nhiệm vụ cụ thể như: nghiên cứu tình hình du lịch quốc tế để khai thác kinh doanh du lịch; mở rộng các cơ sở và tuyến du lịch để thu hút khách du lịch và phục vụ các yêu cầu của khách du lịch trong nước trong phạm vi có thể; phối hợp với các tổ chức có liên quan ở trong nước và chỉ đạo các cơ sở du lịch địa phương để đảm bảo phục vụ khách du lịch nước ngoài về mọi mặt cho các khách kể cả khách ngoại quốc và khách Việt Nam đi ra nước ngoài.
Đồng thời, ngành Du lịch cũng có nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng với khách du lịch nước ngoài và khách du lịch trong nước những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, những thành tích cách mạng, công cuộc xây dựng kiến thiết xã hội chủ nghĩa và truyền thống đấu tranh anh dũng lâu đời của nhân dân ta; đề xuất quy hoạch kiến thiết, tu sửa, trang trí, bảo quản các danh lam thắng cảnh, các trung tâm du lịch (di tích lịch sử, di tích cách mạng, di tích văn hoá, suối nước nóng, rừng nguyên thủy, rừng săn bắn...) nhằm phát triển kinh doanh về du lịch.
Những ngày đầu thành lập, trong điều kiện rất khó khăn khi đất nước còn chiến tranh, ngành Du lịch đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thử thách, từng bước mở rộng các cơ sở du lịch ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tam Đảo, Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An…Ngành Du lịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, chất lượng một lượng lớn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia các nước Xã hội chủ nghĩa anh em vào giúp Việt Nam thực hiện 2 nhiệm vụ là xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước; đồng thời đón tiếp, phục vụ, đáp ứng nhu cầu du lịch, tham quan nghỉ mát của cán bộ, bộ đội và nhân dân. Ngày 09/7/1960 đã trở thành dấu son lịch sử đối với những thế hệ người làm du lịch và được xác định là ngày truyền thống của ngành Du lịch Việt Nam.
Trong suốt 62 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Du lịch luôn được Đảng và nhà Nước quan tâm, ở mỗi thời kỳ đều xác định vị trí của Du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với yêu cầu cách mạng. Hình ảnh, vị thế quốc gia không ngừng được cải thiện và nâng cao trên trường quốc tế tạo đà tích cực cho du lịch phát triển. Đồng thời, ngành Du lịch có sự chủ động, tích cực và cố gắng nỗ lực của toàn Ngành, đặc biệt là sự năng động của các doanh nghiệp du lịch để nhanh chóng hội nhập và từng bước tiếp cận trình độ khu vực và toàn cầu. Quyết tâm chính trị của nhiều địa phương cùng với sự cần cù, sức sáng tạo trong các tầng lớp dân cư đã tạo ra nội lực tăng trưởng chủ yếu. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm đan xen những khó khăn - thuận lợi, cơ hội - thách thức, đến nay, ngành Du lịch đã và đang có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, yêu chuộng hòa bình đến với bạn bè quốc tế.