Những ngày cuối năm, công việc cơ quan cộng với việc gia đình tất bật, nhận được cuộc gọi của cô bạn ở cùng đại học quê Sài Gòn, lấy chồng và định cư ở Nha Trang thông báo: sau Tết cả đại gia đình tớ sẽ về quê nội ở Hải Phòng và qua Nam Định thăm bạn 2 ngày vào ngày mùng 7, mùng 8 Tết, làm du lịch ở tỉnh, bạn nhớ thiết kế cho gia đình tớ một chuyến du xuân đấy nhé. Nhận điện thoại của bạn xong nửa mừng nửa lo, mừng vì sau khi ra trường - 14 năm rồi giờ mới được gặp lại bạn, lo vì không biết bố trí gia đình bạn ăn nghỉ, du xuân thế nào cho hợp lý để bạn có ấn tượng về Thành Nam quê mình.
Suy đi tính lại, tôi nghĩ bạn về Nam Định hai ngày thì chỉ thiết kế đi được trong ngày thôi, còn một ngày để cho gia đình bạn nghỉ ngơi, bạn bè có thời gian hàn huyên tâm sự, bạn lại có hai bé nhỏ, một lớp 7, một 5 tuổi, đi nhiều các bé sẽ mệt. Chiều tối mùng 6, ô tô đưa cả gia đình 4 người đỗ trước cửa nhà, chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Đưa bạn vào nhà nghỉ ngơi, ăn uống sau đó bạn thông báo gia đình bạn sẽ nghỉ tại khách sạn mặc dù tôi giữ bạn tại nhà thế nào cũng không được. Bạn bảo tớ sống ở Sài Gòn từ nhỏ, quen với cách sống của người phương Nam, tớ chỉ thăm nhà thôi chứ không muốn làm phiền gia đình. Gia đình bạn đã muốn như thế nên tôi đành chịu. Trên địa bàn thành phố Nam Định có nhiều khách sạn đã được cấp hạng sao như : khách sạn Sơn Nam, Lakeside, Prato, Lyly, Bình Tân, Luxury… tôi đưa bạn ra khách sạn Vị Hoàng thuộc Công ty cổ phần du lịch Nam Định. Là khách sạn 03 sao đầu tiên của Nam Định, lại có vị trí khá đẹp, thơ mộng, nằm đối diện hồ Vị Xuyên. Những ngày Tết tôi tưởng sẽ vắng khách mà không ngờ khách sạn rất tấp nập. Hỏi cô bé lễ tân xinh xắn, em bảo cả Tết nhân viên khách sạn thay nhau làm việc chị ah, có khi hơn cả ngày thường vì đối tượng khách đến khách sạn thời điểm này đa phần là khách thăm thân, khách đi du xuân, đi chợ Viềng, may chị đến hôm nay chứ mai là kín phòng hết đấy chị ah. Tam biệt bạn lên phòng, sáng sớm hôm sau cả gia đình tôi đón bạn sớm, chiêu đãi bạn món phở cụ Tặng - hàng phở gia truyền tại Nam Định. Bạn cứ tấm tắc khen mãi : tớ ăn phở ở Sài Gòn, chỗ nào cũng thấy treo biển phở gia truyền Nam Định, mà sao thấy khác hẳn vị ở đây. Bát phở ở đây đặc biệt : mùi thơm của gia vị, của hành tươi, của thịt bò, của rau, của phở lan toả thấm đẫm vào đầu lưỡi, miếng thịt bò to nhưng lại mềm, ngọt mà không bở nhừ. Kéo bạn lên xe, vừa đi đường tôi vừa quảng cáo: Phở Nam Định vừa được vinh danh trong Top 100 món ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam năm 2016. Làng nghề Giao Cù (Xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được coi là thủy tổ nghề phở của Việt Nam. Với những công đoạn chế biến khắt khe từ khâu chọn gạo, xay bột, hầm xương, kén thịt…và đặc biệt là pha chế nước dùng vừa phải trong, vừa phải có vị thanh nhẹ, đặc biệt không có nhiều váng mỡ nổi lên, thành quả mới được bát phở tỏa hương nghi ngút, vị ngon đậm đà, ấn tượng như thế đấy. Phở Nam Định ngoài hàng phở sốt vang mà bạn vừa thưởng thức phải kể đến món phở tái, phở tái chín được bán tại các hàng phở Đồng Nguyên (đường Trần Nhật Duật), phở Đán (đường Bắc Ninh kéo dài), phở Xuyến (ngõ Văn Nhân) phở Tạo (đường Trần Phú)…Bạn cứ xuýt xoa kiểu gì cũng phải ăn hết các hàng phở Nam Định rồi mới đi. Chuyện trò râm ran, xe ô tô đưa chúng tôi xuôi theo quốc lộ 21B tới thẳng nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh tọa lạc tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, là nơi lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh. Di tích này được dựng lên để nhân dân địa phương và du khách dâng hương, tưởng nhớ công lao Tổng Bí thư Trường Chinh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây có thời kỳ đã từng là cơ sở in tài liệu, sách báo, tuyên truyền phục vụ cách mạng. Đồng thời còn là nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà. Không gian Nhà Tổng Bí thư Trường Chinh là không gian kiến trúc tiêu biểu của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ thời phong kiến với hai dãy nhà gỗ lợp ngói và dãy nhà ngang lợp bổi...
Sau khi dâng hương tại nhà lưu niệm, chúng tôi rẽ sang di tích lịch sử chùa Keo cách đấy khoảng 500m. Di tích vừa được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt tháng 12 năm 2016. Chùa Keo Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, không gian yên tĩnh. Chùa thờ Phật và Thiền sư Không Lộ. Phía trước Tam quan có hồ bán nguyệt và hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục; trên bờ có đôi voi đá khổng lồ, quanh chùa là hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17: án thờ, sập thờ, tượng pháp, chuông khánh....
Rời di tích quốc gia đặc biệt, chúng tôi sang Giao Thủy, vào bảo tàng Đồng Quê - là nơi tái hiện lại hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc Bộ (xã Giao Thịnh), giúp du khách trở về với quá khứ, được trải nghiệm các làng nghề truyền thống, các dụng cụ lao động… của ông cha một thời. Mô hình toàn khuôn viên khu bảo tàng được cô Ngô Thị Khiếu - một giáo viên về hưu thiết kế với 5 kiểu nhà, tái hiện 5 giai đoạn hình thành và phát triển của đất nước, của quá trình phát triển nông thôn Việt Nam và đặc biệt là tái hiện đời sống người dân Bắc Bộ. Bảo tàng gồm các hiện vật như cái cày, cuốc, đòn gánh, cối xay, cối giã gạo, cái chày giã vừng, cái nơm cá, bếp tro quanh cái kiềng 3 chân… Rồi các đồ vật thể hiện nét sinh hoạt của người dân ven biển Nam Định...Đặc biệt, trong hệ thống đó còn có một ngôi nhà được thiết kế theo mô hình bảo tàng trưng bày hàng nghìn những đồ vật liên quan đến văn hóa đồng quê. Gia đình bạn tôi kể cả các cháu nhỏ tỏ ra khá thích thú với địa điểm tham quan này, vì ở đây đúng là nơi lưu giữ hồn quê Bắc Bộ, lại giúp thế hệ trẻ hiểu về cuộc sống của đồng bào mình ở những giai đoạn lịch sử trước đây. Con bé lớn cứ ríu rít: cô ơi, con chỉ thấy những ngôi nhà này trong sách vở, bây giờ được tận mắt nhìn thấy con vui lắm, chắc các bạn lớp con chưa ai thấy đâu. Cô bạn thì bảo: Không nghĩ ở vùng đất ven biển này lại có một bảo tàng đồ sộ đậm chất quê như thế. Vì đã điện thoại báo trước nên chúng tôi dùng bữa trưa luôn tại bảo tàng. Mâm cơm có: canh cua, cà ghém, cá kho tộ, nem nắm Giao Thủy...cùng một cút rượu Bỉnh Ri - đặc sản của miền quê Giao Thủy. Mấy ngày tết có lẽ ăn nhiều thịt nên gia đình bạn rất hứng thú với những món đồng quê tại đây. Ăn xong, uống cốc nước vối ấm nóng, bạn tôi cứ tấm tắc khen mãi.
Bảo tàng Đồng Quê
Dù còn lưu luyến nhưng không ở được lâu, lên xe chúng tôi quay ngược lại thành phố. Trên đường về tôi bảo bạn nếu có thời gian sẽ đi qua một số nhà thờ tại Nam Định như: Vương cung thánh đường Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu... nhưng vì gấp nên tôi chỉ cho lái xe rẽ vào làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê thuộc xã Điền Xá, Nam Trực cách thành phố Nam Định 7 km là một làng nghề truyền thống đã có tuổi đời hơn 700 năm và được mệnh danh là đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh ở Việt Nam. Nơi đây nổi danh với cây cảnh, cây thế, bonsai... được uốn tỉa chăm sóc công phu thành các dáng, thế, đầy nghệ thuật và đẹp mắt. Chúng tôi dừng xe tại nhà anh Nguyễn Thanh Vân người đã tạo nên những kiệt tác xanh có một không hai ở nước ta như: Khuê Văn Các, Tháp Effel, chùa Một Cột, tháp Rùa, bộ Ngũ Sự…để chụp ảnh và trò chuyện.
Vào thành phố, chúng tôi dâng hương tại khu di tích đền Trần. Ngày xuân, du khách đi lễ đông như trảy hội. Nếu về vào đêm 14, bạn sẽ được tham dự lễ khai Ấn - một trong những lễ hội đặc sắc nhất trong các lễ hội mùa xuân ở Nam Định – được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống. Vào giờ Tý đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng, các cụ cao niên phường Lộc Vượng tổ chức đoàn rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch thờ Đức Thánh Trần sang đền Thiên Trường và long trọng làm Lễ Khai ấn. Đây là tục lệ cổ với ý nghĩa cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình, động viên mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say. Nhiều năm nay, các nghi lễ truyền thống của Lễ Khai ấn đầu xuân được phục dựng và duy trì tổ chức trang nghiêm, thể hiện đúng tinh thần, tâm nguyện tri ân tiên tổ của nhân dân.
Đền Trần
Xuôi theo quốc lộ 10, chúng tôi dừng lại dùng bữa chiều tại nhà hàng Cánh diều vàng - một trong 10 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017. Không gian ấm cúng với ánh đèn vàng ấm áp, bữa chiều được dọn ra với thực đơn 200k/suất có các món: súp cá diếc lá ngải, rau tập tàng, nộm sứa, cá quả om dưa, xôi cá rô, cá kho tộ, cơm tám. Cả ngày mệt và có lẽ cũng là những món ăn đồng quê Bắc Bộ lạ lẫm mà bạn ít được thưởng thức nên cả nhà ăn rất ngon lành. Còn gì thú vị hơn khi 1 ngày du xuân muộn khắp nơi để về đây thưởng thức những món đồng quê sau những ngày Tết rượu thịt ê hề.
Đưa bạn về khách sạn, tôi không quên dặn bạn nghỉ ngơi, 22h đêm tôi đón đi chợ Viềng. Đúng hẹn gọi bạn và gửi hai đứa trẻ cho ông bà ngoại, chúng tôi lên xe xuất phát vào thẳng khu di tích lịch sử Phủ Dầy (thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) - cách thành phố Nam Định 15 km. Chợ họp tại Phủ Dầy nên còn gọi là chợ Viềng Phủ. Nét độc đáo của chợ Viềng là mỗi năm chợ chỉ họp một phiên từ đêm ngày mùng bảy đến ngày mùng tám tháng giêng âm lịch thì kết thúc. Chợ Viềng xuân là hội chợ đặc trưng của miền quê nông nghiệp giàu sản vật, nơi trưng bày, giới thiệu, trao đổi những sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nhất là những loại cây cảnh, cây trồng đặc sản, cũng như những sản phẩm thủ công tinh xảo; từ đồ dùng sinh hoạt đến công cụ lao động bằng đồng, bằng sắt... Khác với những phiên chợ thông thường, chợ Viềng còn mang ý nghĩa tâm linh gắn với quần thể di tích Phủ Dầy thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đến nơi thì người đi chợ đã có mặt tại hầu hết cả ngả đường. Gửi xe ngoài quốc lộ 10, chúng tôi bắt xe ôm vào chợ. Dâng hương tại khu di tích Phủ Dầy xong chúng tôi đi vãn cảnh. Hàng quán đan xen vào nhau, nào hàng cây cảnh, hoa, rồi hàng bán đồ cổ... Cô bạn mua được mấy đồng tiền cổ làm kỉ niệm. Ra khỏi chợ là 2h sáng, tôi không quên mua 2 kg thịt bò mang về để trưa hôm sau làm bữa lẩu chia tay bạn.
Chợ Viềng
Chuyến du xuân trên đất Nam Định kết thúc vào buổi chiều hôm sau để bạn về Nha Trang thăm bạn bè và du xuân tại thành phố biển trước khi bước vào một năm làm việc bận rộn. Khi tạm biệt, cả gia đình đều lưu luyến và ấn tượng sâu đậm về mảnh đất Nam Định. Bạn bảo hè năm tới nhất định sẽ cho các con về thăm bạn và đi Vườn quốc gia Xuân Thủy, tắm biển Thịnh Long, Quất Lâm và thăm các làng nghề của Nam Định. Trên đường đưa bạn lên sân bay, ghé qua Kẹo Sìu Châu Nguyên Hương (đường Hàng Sắt), tôi gửi biếu bạn mấy hộp kẹo vào làm quà Tết. Lên xe, tôi đề nghị bác tài bật bài hát “ Qua bến Đò Quan“ của tác giả Thái Cơ. Bến nước quê tôi ai qua rồi chẳng nhớ/Nhớ tiếng còi tầm xốn xang trong lòng người thợ/Niềm vui rộng mở hòa cùng máy sợi, máy tơ...Cô bạn cảm động cứ lưu luyến mãi không thôi: chuyến đi này tớ cảm thấy thấm đậm tình đất, tình người của Thành Nam rồi bạn à.
Thu Thủy