Hệ thống tủ sách ở các nhà văn hóa (NVH) thôn, xóm, TDP trên địa bàn tỉnh được nâng cao về chất lượng và số lượng, góp phần nâng cao dân trí
Nhân ngày sách Việt Nam 21-4
Nâng cao chất lượng tủ sách nhà văn hóa thôn, xóm
Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đến nay hệ thống tủ sách ở các nhà văn hóa (NVH) thôn, xóm, TDP trên địa bàn tỉnh được nâng cao về chất lượng và số lượng, góp phần nâng cao dân trí ở các địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 2670 tủ sách NVH thôn, xóm, TDP. Từ hướng đi đúng, nhiều địa phương như: Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên… đã thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển tủ sách NVH hóa thôn, xóm. Huyện Hải Hậu có 541 TDP, thôn, xóm có NVH. Các NVH đều được trang bị tủ sách do nhân dân đóng góp. Về NVH xóm 10, xã Hải Trung (Hải Hậu) chúng tôi như bước vào thư viện thu nhỏ với những hàng ghế gọn gàng và tủ sách ngăn nắp với gần 500 cuốn sách thuộc các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, văn hóa, nông nghiệp… Lật giở từng trang sách bằng đôi tay không lành lặn, cụ Đỗ Ưng (84 tuổi), thương binh hạng 2/4 cho biết: do hoàn cảnh con cháu thường xuyên đi công tác nên cụ chỉ quanh quẩn ở nhà một mình, nhiều khi suy nghĩ tuổi già càng làm sức khỏe cụ thêm yếu. Từ năm 2011, tủ sách NVH xóm 10 đi vào hoạt động, cụ là một trong những người tích cực tới đọc nhất. Đến nay, đã gần 6 năm trôi qua, cụ vẫn giữ thói quen đến đọc sách, báo tại NVH xóm vào mỗi buổi sáng, với cụ đó là niềm vui tuổi già. Còn cụ Nguyễn Thanh Phán (76 tuổi) thành viên của CLB thơ – văn xóm 10 tâm sự: Tủ sách NVH là nơi lưu giữ những tập thơ, tập truyện của các thành viên trong CLB. Vào mùng 4 âm lịch hằng tháng, 50 thành viên của CLB sinh hoạt bình thơ, văn, chia sẻ các cuốn sách, báo, tạp chí hay mà mỗi người sưu tầm để đóng góp vào tủ sách NVH xóm. Đồng chí Phạm Trọng Vệ, Bí thư chi bộ xóm 10, xã Hải Trung khẳng định: Tủ sách NVH xóm 10 hoạt động hiệu quả thực sự chứ không mang hình thức là tiêu chí “cần và đủ” trong xây dựng NTM. Thời gian qua, nhân dân tích cực đóng góp vào tủ sách các đầu sách hay, sát tình hình thực tiễn, tiêu biểu như các ông Trần Minh Hải, Trần Văn Choát… bản thân ông Vệ cũng đóng góp vào tủ sách các ấn phẩm của Báo Nam Định, Báo Nhân Dân để phục vụ cán bộ và nhân dân trong xóm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cả 19 xóm của xã Hải Trung đều có tủ sách với tiêu chuẩn tối thiểu 200 cuốn sách/ 1 tủ. Ngoài xóm 10, ở xã Hải Trung còn có các xóm tiêu biểu trong xây dựng và phát triển tủ sách NVH như: xóm 2, xóm 4, xóm 12, xóm 14. Tới xã Hải Bắc, chúng tôi ấn tượng bởi quy mô tủ sách của NVH xóm 4. Từ nhiều năm qua Bí thư chi bộ và trưởng xóm 4, xã Hải Bắc đã vận động nhân dân và con em xa quê hỗ trợ sách hoặc kinh phí để xây dựng tủ sách NVH. Nhờ đó, đến nay, tủ sách xóm 4 đã có trên 1000 cuốn sách và đầu báo, tạp chí. Ban quản lý NVH đã phân loại sách theo các chủ đề thơ, truyện, sách khoa học, lịch sử, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… để người dân dễ dàng tra cứu, tìm sách. Ở xã Hải Long, 17 thôn, xóm trong xã đã xây dựng được tủ sách, trong đó, số lượng sách pháp luật chiếm khoảng 30% trong tổng số sách báo, tạp chí. Xã đầu tư kinh phí mua sách bổ sung định kỳ theo quy định và khuyến khích việc trao đổi tài liệu sách báo giữa các tủ sách thôn, xóm để tăng hiệu quả khai thác sử dụng sách.
Huyện Xuân Trường hiện nay có 278 NVH thôn, xóm, TDP, tất cả các NVH đều có tủ sách. Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng có tủ sách hoạt động hiệu quả với hơn 1000 cuốn sách, tạp chí... Tủ sách của làng thường mở cửa phục vụ nhân dân vào các ngày mùng 6, 16, 26 âm lịch hằng tháng. Những người có nhiều đóng góp công sức và sách, báo có giá trị cho tủ sách làng Hành Thiện là các ông: Phạm Hồng Cầu, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Quốc Phong, Đặng Xuân Phi… Đối tượng đến đọc sách gồm đủ mọi thành phần, từ người cao tuổi đến các bác nông dân, học sinh… Tủ sách của làng hiện nay được các thành viên Hội NCT vận động con em xa quê, bà con trong làng ủng hộ và tiếp tục phát triển số lượng đầu sách. Tại xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh, tủ sách bắt đầu hoạt động vào năm 2011, ban đầu chỉ có khoảng 100 cuốn, đến nay nhờ huy động tốt các nguồn lực nên đã có hơn 200 cuốn với nhiều chủ đề, loại hình như tạp chí thiếu nhi, sách tham khảo, tạp chí khoa học. Cô Phan Thị Nga, phụ trách trông coi tủ sách cho biết, tủ sách hoạt động tất cả các ngày trong tuần, lượng người đến đọc đông nhất vào thứ 7 và Chủ nhật. Để duy trì hoạt động của tủ sách, xóm tranh thủ sự ủng hộ của một số nhà tài trợ như: ông Phạm Thanh Nghị, ở Hà Nội đóng góp nhiều sách khoa học xã hội; cụ Mai Đắc Bằng, ở Ninh Bình đóng góp sách lịch sử. Ngoài ủng hộ 20 cuốn sách có giá trị, ông Phạm Ngọc Kính còn là người trực tiếp vận động nhân dân đóng góp xây dựng tủ sách, gây quỹ khuyến học. Bởi vậy, tủ sách không những nâng cao văn hóa đọc cho người dân và các em học sinh trên địa bàn mà qua đó phong trào khuyến học trên địa bàn xóm cũng không ngừng được quan tâm.
Huyện Vụ Bản có 223 thôn, xóm có NVH, trong đó 155 NVH xây mới trong giai đoạn 2012-2015, 12 NVH xây mới năm 2016, các NVH đều được trang bị tủ sách tối thiểu 200 cuốn/1 tủ. Tiêu biểu như các xã: Hiển Khánh, Liên Minh, Minh Tân… Xã Hiển Khánh cả 11 NVH thôn đều có tủ sách đảm bảo số lượng và chất lượng các đầu sách để phục vụ người dân, trong đó, tủ sách của các thôn: Phú Đa, Ngõ Quan, Môn Nha luôn mở cửa vào các ngày cuối tuần đáp ứng nhu cầu đọc sách, nghiên cứu tài liệu của nhân dân. Tại xã Minh Tân, các thôn đều có Ban quản lý NVH nên từ nhiều năm nay hoạt động tủ sách NVH ở địa phương được duy trì nền nếp. Chứng kiến cảnh những cụ cao niên trầm ngâm ngồi đọc sách ở NVH thôn Thượng, sau đó bình luận các kiến thức, thông tin ở các lĩnh vực nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ bởi sự am hiểu tường tận của các cụ. Bác Phạm Sinh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ là người khởi xướng tủ sách của thôn cho biết: muốn nâng cao tri thức, mỗi người phải tự tìm tòi, học hỏi và đọc sách là con đường ngắn nhất giúp bản thân bổ sung kiến thức… Nhận thấy nhu cầu đọc sách của nhân dân trong thôn tăng cao, Ban quản lý NVH đã vận động nhân dân địa phương và con em quê hương cùng nhau ủng hộ sách, báo. Nhờ đó, nhiều con em thôn Thượng ở khắp nơi đã gửi sách, báo, tạp chí về ủng hộ. Đến nay, tủ sách NVH của thôn Thượng hoạt động như một mô hình “thư viện mini” với hàng chục đầu báo, tạp chí và 200 cuốn sách. Ban quản lý NVH duy trì lịch mở cửa phục vụ người dân đến mượn sách vào các ngày 10 và 20 âm lịch hằng tháng; mỗi người được mượn 1-2 cuốn/lần và ký nhận vào sổ theo dõi của tổ phụ trách. Ở xã Liên Bảo, NVH thôn Cao Phương là một trong những địa chỉ quen thuộc để nhân dân bổ sung kiến thức từ sách, báo. Lợi thế của thôn là có nguồn nhân lực hùng hậu thuộc CLB NCT Cao Phương. CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động như đọc sách, báo, kể chuyện dân gian... Từ 7 năm nay, thôn đã tổ chức được phòng đọc sách tại NVH do Ban chủ nhiệm CLB NVH quản lý. Hiện thư viện của thôn có khoảng 200 cuốn sách các loại, phù hợp với mọi lứa tuổi. Nguồn sách, báo luôn dồi dào nhờ sự tài trợ của các ông, bà Bùi Văn Tham, Trường Giang, Trần Thị Bàn, Bùi Nam Quỳnh… trong hội đồng hương Liên Bảo ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, hằng năm, thôn đều trích ra từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng từ quỹ của CLB NCT hoặc NVH để mua sách bổ sung cho thư viện.
Huyện Ý Yên có 333 tủ sách NVH thôn, xóm. Một số xã trong huyện đã duy trì thực hiện việc luân chuyển sách từ tủ sách pháp luật tới điểm bưu điện văn hóa xã và NVH ở các thôn, xóm để có thêm nhiều loại sách, báo, tạp chí phục vụ nhu cầu người đọc. Tại xã Yên Cường, để đảm bảo lượng sách được duy trì, Bí thư chi bộ các thôn sẽ làm thủ tục mượn sách ở tủ sách pháp luật xã để chuyển sách về các điểm NVH thôn. Tại xã Yên Khánh, ngoài tủ sách pháp luật của xã, các NVH thôn đều có tủ sách với các đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ khi các tủ sách đi vào hoạt động, nhiều gia đình đã tới nghiên cứu tài liệu kết hợp với kinh nghiệm sản xuất thực tế để chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tiêu biểu như việc chuyển đổi xây dựng mô hình kinh tế sinh thái chăn nuôi kết hợp ở các thôn Từ Liêm, thôn Thượng, thôn Đông, thôn Tây Tu Cổ, thôn Tây An Lạc, thôn Thị.
Thực tế cho thấy, việc triển khai tủ sách NVH ở các TDP, thôn, xóm trên địa bàn tỉnh là hướng đi đúng, cách làm hiệu quả. Việc xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả tủ sách NVH thôn, xóm, TDP đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa, dân trí, là cơ sở cho việc xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật của người dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Để nâng cao chất lượng hoạt động tủ sách NVH thôn, xóm. Thời gian tới các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc bổ sung, mua sách, tài liệu có chất lượng, thiết thực, nội dung phù hợp để cung cấp cho các tủ sách NVH cơ sở. Thực hiện luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu giữa tủ sách pháp luật xã với các tủ sách NVH thôn, xóm, đồng thời khuyến khích các tập thể, cá nhân đóng góp đầu sách, kinh phí mua sách cho tủ sách NVH thôn, xóm. Các địa phương tiếp tục kiện toàn Ban quản lý NVH, trong đó chọn người có năng lực quản lý tủ sách NVH đáp ứng nhu cầu đọc sách, báo của nhân dân./.
Viết Dư