Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần, chùa Tháp, thành phố Nam Định

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần, chùa Tháp, thành phố Nam Định

Trong thời đại công nghệ phát triển, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và nó mở ra nhiều cơ hội trong nhiều lĩnh vực. Trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định, việc số hóa và chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng, giúp quảng bá các giá trị văn hóa trên không gian mạng và mang lại những thay đổi tích cực trong việc giới thiệu hình ảnh, con người tỉnh nhà đến với mỗi người dân khắp cả nước và bạn bè quốc tế.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có hơn 1.348 di tích trong danh mục kiểm kê được UBND tỉnh công bố, phê duyệt, trong đó có 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt là: Khu di tích Đền Trần, chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) và Khu di tích chùa Keo Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường). Bên cạnh đó, tỉnh ta còn có hơn 400 nhà thờ Thiên Chúa giáo, trên 90 làng nghề truyền thống và hơn 100 lễ hội truyền thống.

Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá này, việc áp dụng các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, lưu trữ số có thể kết nối và chia sẻ trên toàn quốc, sẽ là một trong những biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới. Việc ứng dụng công nghệ trong việc giới thiệu di tích, tái hiện các sự kiện lịch sử là hướng đi đúng đắn, hiệu quả và giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng như mang đến các hình thức du lịch mới.

Thời gian qua, việc quảng bá, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của khu di tích Đền Trần, chùa Phổ Minh vẫn còn mang tính thủ công và chưa có hệ thống mang tính chuyên nghiệp phục vụ chức năng của cơ quan quản lý. Công tác bảo tồn, quảng bá còn đơn giản như dùng các hình ảnh 2D, video truyền thống nên không đem lại sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước với hình thức quảng bá phổ biến hiện nay là qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.Yêu cầu đầu tiên được đặt ra đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di tích phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn di tích, ứng dụng khoa học, công nghệ để xây dựng quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tiếp theo là ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan, tạo sự mới lạ, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Sau khi trải nghiệm sản phẩm của dự án khoa học Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định tôi nhận thấy rằng những yêu cầu trên đã được đáp ứng một cách rất thuyết phục. Tại ứng dụng Du lịch 360 Nam Định, tuy mới chỉ là phiên bản thử nghiệm nhưng các điểm di tích trong Khu di tích đền Trần, chùa Phổ Minh hiện lên rất rõ nét với các mô hình sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 3D, cách bố trí các phân cảnh rất hợp lý giúp người tham quan có thể cảm nhận được toàn cảnh và từng chi tiết của khu di tích. Bên cạnh đó, sản phẩm đã được ứng dụng trợ lý ảo để thay thế hướng dẫn viên du lịch phục vụ thuyết minh thông tin cho mỗi điểm đến của du khách.

Với ứng dụng Du lịch 360 Nam Định, nét đẹp về lịch sử, văn hóa và con người Nam Định sẽ tiếp cận được tới nhiều du khách trong và ngoài nước; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh./.

Các Tin khác