Nằm ở phía Nam cửa Sông Hồng thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Vườn quốc gia Xuân Thủy tiêu biểu cho hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển Việt Nam. Năm 1989, vùng đất ngập nước thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy đã chính thức được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, thứ 409 của thế giới (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước; Ramsar, Iran, 1971). Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của đơn vị, của tỉnh Nam Định mà còn là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tầm quốc gia, đánh dấu sự khẳng định của quốc tế đối với vai trò, giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Năm 2004, Vườn quốc gia Xuân Thủy vinh dự, tự hào khi tiếp tục được tổ chức UNESCO công nhận là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Đất ngập nước liên tỉnh ven biển Châu thổ Sông Hồng.
Với tiền thân là Trung tâm Tài nguyên Môi trường trực thuộc UBND huyện Giao Thủy, cơ sở vật chất khó khăn, nhân lực thiếu thốn, không có điện, không có nước ngọt sinh hoạt nhưng trong suốt 20 năm qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực cố gắng, tận tâm của các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động qua các thời kỳ, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định được vai trò, vị thế trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Kết quả đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực.
Dưới sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, đơn vị đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Vì thế diện tích rừng và đất rừng cơ bản được giữ vững, ngoài ra dưới sự tài trợ của Hội chữ thập đỏ Đan Mạch, Quỹ Khí hậu xanh (GCF), dự án trồng và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng Sông Hồng do Hàn Quốc tài trợ, … đã phục hồi và trồng mới trên 100ha rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể thực hiện việc trồng mới hàng ngàn cây phân tán tại khu vực.
Quang cảnh Vườn quốc gia Xuân Thủy - Ảnh: Hương Nhu
Vườn quốc gia Xuân Thủy được coi là một “ga chim quốc tế” lớn nhất khu vực phía Bắc và được cộng đồng quốc tế quan tâm, được biết đến vì có khu hệ chim phong phú, với nhiều loài quý hiếm bị đe dọa toàn cầu như: Rẽ mỏ thìa, Cò thìa, Vịt đầu đen, Choắt lớn mỏ vàng, Mòng bể mỏ ngắn....Với tầm quan trọng đó, công tác bảo vệ các loài chim và sinh cảnh sống của chúng luôn được đơn vị quan tâm, chú trọng. Đơn vị đã phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) và Viện Điểu học Hoàng gia Nhật bản tổ chức nghiên cứu đặc điểm hình thái và đeo vòng cho một số loài chim; phối hợp với Birdlife và Việt Nature theo dõi, kiểm đếm số lượng cá thể các loài chim nguy cấp, quý, hiếm tại khu vực... Những nỗ lực trên đã giúp Vườn duy trì được quần thể Cò thìa mặt đen – một loài chim nguy cấp (EN) với số lượng từ 60 – 80 cá thể hàng năm và hàng chục ngàn cá thế chim di trú khác tại khu vực.
Một góc Ramsar - Ảnh Trần Hưng
Nguồn lợi thủy sản tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy rất phong phú và gắn liền với đời sống của một bộ phận không nhỏ cộng đồng địa phương. Nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như Móng tay, Cáy mật, Cua bùn, Cá Song, cá Hói,... đã được đơn vị phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu và ương nuôi thành công. Điều này một mặt đã tạo sinh kế và nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng địa phương, mặt khác đã góp phần quản lý và bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản tại khu vực.
Đài quan sát tại Vườn quốc gia Xuân Thủy - Ảnh: Hương Nhu
Công tác nghiên cứu khoa học được Đơn vị xác định là nhiệm vụ chính có ý nghĩa quan trọng, góp phần cho sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Các nghiên cứu tập trung vào trồng và phục hồi rừng ngập mặn; nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và khả năng thích nghi của cộng đồng địa phương; nghiên cứu xây dựng mô hình đồng quản lý bền vững; nghiên cứu hiện trạng chim di cư và các nhân tố ảnh hưởng tới việc bảo tồn loài; nghiên cứu bảo tồn và khai thác bền vững các loài thủy sản… Các chương trình hợp tác quốc tế cũng được Đơn vị chú trọng quan tâm ngay từ đầu và coi đây là cơ sở quan trọng để nâng cao vị thế, uy tín và năng lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy trong công tác quản lý bảo tồn dạng sinh học, quản lý bảo vệ rừng đã được nâng cao; tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực.
Công tác truyên truyền, giáo dục môi trường luôn được Vườn quốc gia Xuân Thủy quan tâm, chú trọng và coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn và phát triển rừng, đa dạng sinh học. Các hoạt động được Đơn vị triển khai một cách đồng bộ, đa dạng, có chiều sâu như: xây dựng các bảng thông tin chỉ dẫn, tuyên truyền; biên tập, thiết kế các ấn phẩm truyền thông; đưa chương trình giáo dục môi trường vào hệ thống các trường học tại các xã vùng đệm; tổ chức cuộc thi tìm hiểu, vẽ tranh về rừng ngập mặn, chim di trú; tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh; xây dựng các chương trình, phóng sự giới thiệu về Vườn quốc gia Xuân Thủy; xây dựng và phát triển website, các nền tảng xã hội... Với việc kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương và các bên liên quan, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đã giúp số vụ xâm hại tới rừng, đa dạng sinh học và môi trường tại khu vực giảm. Cộng đồng địa phương và các bên liên quan đã tham gia tích cực vào trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường của Vườn quốc gia Xuân Thủy; du khách tham quan Vườn đã có trách nhiệm và ý thức hơn trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực tới tài nguyên – môi trường tại khu vực.
Một góc Ramsar - Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Hoạt động phát triển du lịch sinh thái được coi là nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và môi trường tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Với vị trí địa lý thuận lợi, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thảm thực vật rừng ngập mặn lớn, đa dạng sinh học cao, khu hệ chim độc đáo và tài nguyên nhân văn phong phú, cùng cơ sở hạ tầng sẵn có và sự tư vấn hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ đã giúp cho mô hình du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy đang từng bước được định hình một cách rõ nét và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách. Vườn quốc gia Xuân Thủy đã xây dựng và phát triển tuyến du thuyền cửa sông, tuyến xem chim, tuyến điền dã, tuyến du khảo đồng quê để phục vụ du khách. Mỗi tuyến thăm quan là những điểm nhấn về phong cảnh, thiên nhiên và con người; đồng thời có thời gian, lộ trình cụ thể để phục vụ cho từng đối tượng khách khác nhau. Đến với tuyến xem chim, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và ngắm nhìn các loài chim di trú, đặc biệt là các loài chim nước nguy cấp, quý hiếm; đếnvới tuyến du khảo đồng quê, du khách sẽ được khám phá những công trình kiến trúc độc đáo, những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân ven biển vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Đơn vị cũng đã mới xây dựng và đưa vào khai thác thêm tuyến trải nghiệm các hoạt động sinh kế của người dân địa phương và tuyến tham quan, tìm hiểu và khám phá cây rừng ngập mặn. Qua thời gian đưa vào khai thác, các tuyến này đã và đang thu hút khá đông lượng khách tham gia; bổ sung thêm kiến thức thực tế và tạo ấn tượng cho du khách. Lượng du khách đến với Vườn quốc gia Xuân Thủy tương đối ổn định, vào mùa du lịch có khoảng 1.500 – 2.000 lượt khách/tháng, vào ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đón khoảng 4.500 lượt du khách; lượng khách trung bình trên năm từ 20.000 – 25.000 lượt người.
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, với quan tâm và chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Giao Thủy; sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của biết bao thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã đạt được những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đánh giá cao. Đó cũng là động lực để Tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức và người lao động Vườn quốc gia Xuân Thủy tiếp tục đoàn kết, thống nhất, thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Xuân Thủy – Khu Ramsar quốc tế - Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
VQG XUÂN THỦY