Ngày 24/11/2021, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đây là hội nghị lần thứ hai được tổ chức sau 75 năm kể từ hội nghị đầu tiên năm 1946 khẳng định Đảng ta tiếp tục coi trọng vị trí, ý nghĩa và vai trò của văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị và xã hội. Chủ trì Hội nghị có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Dự Hội nghị có 600 đại biểu là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, văn học nghệ thuật, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy thuộc Trung ương, các nhà khoa học, tri thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Trong bài phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong lịch sử 4000 năm của dân tộc. Với một phạm trù rất rộng và dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau, văn hóa Việt Nam trải qua những biến đổi thăng trầm để tích lũy và phát huy được nhiều giá trị mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc. Đồng thời tiếp thu và đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại. Hội nghị đặc biệt quan trọng này là dịp để đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, nổi bật là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 33 khóa XI (năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là diễn đàn lắng nghe góp ý để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc… để từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Cùng với các hoạt động chính, trong dịp này cũng đã diễn ra một số hoạt động lớn bên lề, như triển lãm với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ Hà Nội; chương trình nghệ thuật chào mừng hội nghị với chủ đề “Việt Nam với khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc” tại Nhà hát lớn Hà Nội…
Việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là một cách làm phù hợp, kế thừa và phát huy được tinh thần và ý nghĩa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Mỗi thời kỳ, nhiệm vụ cách mạng có sự thay đổi, song vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong quan điểm, tư duy của Đảng không thay đổi, đúng như lời Bác Hồ nói: Văn hóa phải được coi trọng ngang chính trị, kinh tế, xã hội.
Phòng QLVH