“Khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, xây dựng các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, bảo tồn thiên nhiên… đa dạng, hiện đại, có kiểm soát chặt chẽ” là một trong những mục tiêu thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm phát triển du lịch Nam Định phù hợp với Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được công bố.
Phát huy thế mạnh về văn hóa, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, dịch vụ, văn hóa – thể thao… theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, bứt phá phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược với 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo sẽ hình thành, phát triển gồm: Hành lang QL 10 (thành phố Nam Định – Cao Bồ), hành lang cao tốc Bắc – Nam nối dài (Hà Nội – Cao Bồ – Rạng Đông), hành lang tuyến đường bộ ven biển (Ninh Bình – Rạng Đông – Giao Thủy – Thái Bình), hành lang thành phố Nam Định – Lạc Quần – Giao Thủy, hành lang cao tốc Ninh Bình – Thái Bình – Quảng Ninh.
Nhờ đó, lượng khách đến Nam Định có xu hướng tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách giai đoạn 2010-2019 đạt 5,9%. Tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu du lịch giai đoạn 2010-2019 đạt 19.6%. Năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngành du lịch toàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Năm 2022, 2023 lượng khách và doanh thu du lịch đã phục hồi và phát triển. Năm 2023, Nam Định đón 1.772.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ đạt 535 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư du lịch còn hạn chế, chưa có các dự án có quy mô, tạo sự đột phá cho du lịch. Sản phẩm du lịch, hình thức quảng bá, xúc tiến chưa phong phú. Các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa cao. Các sản phẩm du lịch chủ yếu của tỉnh như du lịch văn hóa tâm linh lễ hội, du lịch biển chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố mùa vụ, nên lượng khách thiếu ổn định, chủ yếu là khách nội địa, khả năng chi trả thấp. Sản phẩm du lịch khai thác ở dạng tự nhiên, thiếu sức hút với khách du lịch…
Để khai thác tiềm năng du lịch phát triển và bền vững theo đúng định hướng tại Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 xác định mục tiêu: “Phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hoá sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Bộ”. Định hướng phát triển du lịch Nam Định thời gian tới là: Phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm; trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn chỉnh 5 loại hình du lịch (du lịch sinh thái thiên nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề); tập trung cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đồng bộ; xây dựng và khẳng định một số thương hiệu du lịch đặc thù của Nam Định; hoàn chỉnh hạ tầng dịch vụ du lịch; vận hành hiệu quả các khu, cụm du lịch trong mối liên kết du lịch thành các tour, tuyến; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch nội địa và quốc tế, phấn đấu đưa Nam Định trở thành điểm đến trong Chiến lược “điểm đến hấp dẫn” của du lịch Việt Nam.
Nhằm cụ thể hoá mục tiêu đã đề ra, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của tài nguyên du lịch, việc xây dựng đề án du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được quan tâm thực hiện các giải pháp cụ thể, như sau:
- Thúc đẩy thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch trên cơ sở tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác công tư. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, cải tạo môi trường… Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch các khu du lịch sinh thái Núi Ngăm, khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ. Khai thác phát huy giá trị thương hiệu quốc tế của khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng Sông Hồng đối với hệ sinh thái đất ngập nước thuộc huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, phát huy giá trị của sản phẩm du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
- Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn…Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, lịch sử, truyền thống; kết hợp với khai thác thế mạnh ẩm thực địa phương, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Xây dựng và khẳng định một số thương hiệu đặc thù của Nam Định như phát triển loại hình du lịch văn hóa với các sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, tham dự các lễ hội, điểm nhấn là di tích quốc gia .
- Chú trọng đào tạo nhân lực ngành du lịch đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, bồi dưỡng nâng cao năng lực du lịch của cộng đồng địa phương. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ cho công tác tuyên truyền quảng bá du lịch; giới thiệu hình ảnh du lịch Nam Định gắn với những đặc trưng di sản văn hóa, kiến trúc, lịch sử, ẩm thực.
Cùng với sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo đòn bẩy, mở đường cho du lịch phát triển, Nam Định tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, từ việc xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch du lịch đến hoạt động thanh tra đôn đốc doanh nghiệp du lịch hoạt động đúng pháp luật, vận động xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, ứng xử văn minh du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đào tạo nguồn nhân lực; gắn du lịch với các hoạt động, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, làng nghề; thực hiện cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân…Đặc biệt, cần thực hiện chính sách liên kết phát triển vùng: hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và hình thức quản lý trong lĩnh vực du lịch; khảo sát xây dựng và khai thác các tour du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng. Phối hợp phát triển du lịch giữa Nam Định với các tỉnh liền kề trong việc xây dựng các điểm, tuyến du lịch gắn với phát huy các giá trị về văn hoá, tài nguyên du lịch./.