Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và những yếu tố nguồn lực thuận lợi để phát triển du lịch. Đặc biệt, Nam Định có nhiều lợi thế để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, có tính liên hoàn, kết nối nhiều hình thức vận tải gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, Nam Định có khả năng tổ chức các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên sinh thái đang trở thành xu hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay.
Kho tàng di sản văn hóa đa dạng
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển gắn liền với tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Nam Định đã hình thành kho tàng di sản văn hóa đa dạng vừa mang nét chung của văn hóa người Việt cổ, của nền văn minh lúa nước sông Hồng, vừa mang nét riêng của vùng đất tiếp giáp với biển cả, là nơi đầu tiên giao lưu với văn hóa phương Tây. Nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch như: quần thể di tích văn hoá Trần gắn với lịch sử Vương Triều Trần - một trong những triều đại hưng thịnh trong lịch sử phong kiến Việt Nam, quần thể di tích văn hóa Phủ Dầy, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, Cầu Ngói, chùa Lương… Bên cạnh các di tích danh thắng, tỉnh Nam Định có trên 100 làng nghề trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, ươm tơ Cổ Chất, cây cảnh Vị Khê… Một số làng nghề đã trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Toàn cảnh quảng trường mới hoàn thành tại khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần; Ảnh: Nguyễn Việt Hồng
Nam Định nằm trong “vành nôi văn minh lúa nước sông Hồng” nên có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội truyền thống, văn hoá ẩm thực và trò chơi dân gian… Các di sản văn hóa tiêu biểu của Nam Định về nghệ thuật diễn xướng gồm các loại hình dân ca, dân vũ, hát chèo, hát chầu văn, nghệ thuật múa rối nước, rối đầu gỗ, nhạc kèn... Nam Định có hàng trăm lễ hội truyền thống gắn với tập quán sinh hoạt tại các di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc nghệ thuật. Nhiều lễ hội có quy mô lớn được tổ chức với các nghi lễ trang trọng và phần hội mang đậm bản sắc truyền thống địa phương thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách tham gia như: Lễ hội đền Trần với tục khai Ấn đầu năm, Hội chợ Viềng Xuân mỗi năm chỉ có một phiên, lễ hội Phủ Dầy, lễ hội chùa Cổ Lễ, lễ hội chùa Keo Hành Thiện, Hội làng cây cảnh Vị Khê... Các trò chơi dân gian thi bơi chải, thả diều sáo, Hoa trượng hội, đánh cờ người, cờ đèn dưới nước, thổi cơm thi, thi cọ lửa, thi bắt vịt, đi cà kheo… thường được tổ chức trong các lễ hội.
Thiên đường ẩm thực đặc sắc
Với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực được coi là di sản văn hóa, cũng là tài nguyên du lịch của Nam Định. Nhiều món ngon Nam Định đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác nhận Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam như: bún đũa, phở bò Nam Định, nem nắm Giao Thủy, bánh cuốn làng Kênh, kẹo Sìu Châu Nam Định, nước mắm Sa Châu và gạo tám xoan Hải Hậu. Đặc biệt, phở Nam Định đã được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Nam Định còn được biết đến là thiên đường của ẩm thực đường phố với những món ăn hấp dẫn như bánh xíu páo, bánh mỳ, xôi xíu, bánh gối, nem rán, bún sung, ốc luộc… Ẩm thực Nam Định là sự hài hòa, giao thoa văn hóa và luôn là sợi dây vô hình níu chân du khách trải nghiệm, khám phá văn hóa, phong tục, tập quán địa phương.
Ẩm thực Nam Đinh; Ảnh: Hương Nhu
Vùng đất địa linh nhân kiệt
Nam Định là vùng đất mà các tôn giáo, trong đó Phật giáo và Công giáo du nhập vào khá sớm. Nơi đây là quê hương của vị tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông, là điểm đầu tiên các nhà truyền giáo đạo Công giáo chọn để dừng chân (Giáo sử ghi nhận năm 1533 giáo sỹ Dòng Tên I-Ne-Khu đến bến Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh và Trà Lũ thuộc huyện Xuân Trường ngày nay, đặt cơ sở để thực hiện công cuộc truyền giáo vào Việt Nam). Quá trình phát triển lâu dài của các tôn giáo ở Nam Định đã để lại những dấu ấn vô cùng đậm nét, có tính điển hình của cả nước với hệ thống các ngôi chùa và nhà thờ mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Nam Định, vùng đất địa linh nhân kiệt, là một trong những trung tâm tín ngưỡng lớn của cả nước với đặc trưng của tín ngưỡng thờ Thánh (Đức Thánh Trần) và tín ngưỡng thờ Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) và nhiều nơi thờ cúng thánh Mẫu. Đặc biệt “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” mà tỉnh Nam Định đại diện cho các địa phương lập hồ sơ trình và đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vũ khúc tâm linh; Ảnh: Lương Văn Phương
Thiên Trường xưa, Nam Định nay còn nổi tiếng là vùng đất học. Năm 1281, nhà Trần cho lập nhà học ở Thiên Trường; đến thời Lê, trường thi Nam Định đã trở thành trường thi hương quan trọng vào bậc nhất nhì trong cả nước, là một trong những cái nôi đào tạo nhân tài cho các triều đại phong kiến Việt Nam. Thiên Trường - Nam Định đã có 87 vị đỗ đại khoa, nơi đây là quê hương của nhiều vị trạng nguyên nổi tiếng như Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo và nhiều nhà chính trị lỗi lạc, nhiều tướng lĩnh, nhà văn hóa, nhà khoa học… Người xưa từng nói "Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện" là để nhắc tới truyền thống hiếu học, khoa bảng của người làng Hành Thiện (Nam Định) - ngôi làng mang hình dáng một con cá chép - làng khoa bảng "Đệ nhất đất Việt”. Truyền thống hiếu học đó ngày nay vẫn được tiếp nối, phát huy với những thành tích nổi bật trên cả hai phương diện giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, đưa Nam Định trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.
Điểm ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam
Nam Định có 72km bờ biển nối cửa Ba Lạt (sông Hồng) với cửa Đáy (sông Đáy) với những bãi biển thoải, dài, cát mịn đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như: Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy). Đặc biệt, vùng đất ngập nước cửa sông Hồng đổ ra biển Đông với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú được UNESCO công nhận là điểm ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (1989), đến đầu năm 2003 đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Cò mỏ thìa khu bảo tồn Ramsar; Ảnh Đinh Văn Quản
Năm 2004, Vườn quốc gia Xuân Thủy cùng với các vùng đất ngập nước ven biển ở khu vực đồng bằng sông Hồng thuộc các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo, đạt được ba điều nhất đó là “Đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất và cũng là hệ sinh thái nhạy cảm nhất”. Du khách đến tham quan VQG Xuân Thủy sẽ có cơ hội trải nghiệm các tuyến thăm quan du lịch chính, bao gồm: Tuyến du thuyền cửa Ba Lạt - nơi con sông Hồng đổ về với biển, Tuyến xem chim - vào mùa chim di trú Xuân Thuỷ trở thành sân ga của hàng vạn con chim di trú quý hiếm thuộc hàng trăm loài khác nhau, Tuyến điền dã - chiêm ngưỡng sự kỳ thú của thiên nhiên, nơi biển giao hòa với rừng, “chim trời, cá nước” giao hòa với hình ảnh con người mưu sinh, Tuyến du khảo đồng quê - thăm ngôi nhà bổi đặc trưng của vùng ven biển châu thổ sông Hồng.
Du lịch Nam Định còn biết bao điều kỳ thú, hấp dẫn đang chờ đón sự khám phá, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.
Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam