Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa” được thực hiện có hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân
Nam Định là tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng có 9 huyện và 1 thành phố với tổng dân số trên 1,9 triệu người. Trong quá trình phát triển, Nam Định được xác định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng với nhiều nhà khoa bảng, nhiều giá trị đạo đức, tư tưởng được bảo tồn ở 3.635 làng, thôn xóm.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Chương trình hành động số 04-CT/TU ngày 16/02/2016 của Tỉnh ủy Nam Định về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nam Định, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XIX về "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nam Định"; trong những năm qua, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) của tỉnh được đặc biệt coi trọng và trở thành hoạt động thường xuyên có ý nghĩa đối với đời sống cộng đồng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 30/5/2013 ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”, “Cơ quan (đơn vị, doanh nghiệp) đạt chuẩn văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”, “Phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị”, quy định thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 19/9/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 483.677/587.389 hộ đạt danh hiệu gia đình Văn hóa, bằng 82,3% tổng số hộ gia đình; 2.908/3635 làng (thôn, xóm, TDP) đạt danh hiệu văn hóa, bằng 79%. Ước tính năm 2017, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82,5%; “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa” đạt 79,5%. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa” được thực hiện có hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Các “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa” là các điển hình ở địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Có thể nói danh hiệu “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”, “Gia đình văn hóa” đã thực sự trở thành danh hiệu thi đua, mục tiêu phấn đấu của nhiều gia đình, nhiều địa phương. Các gia đình, địa phương được công nhận danh hiệu văn hóa là các điển hình tiến tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện nếp sống văn minh đô thị, có tính thuyết phục cao, được cộng đồng dân cư, cơ sở suy tôn, thừa nhận; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Có được những kết quả trên là do nhận thức về vai trò, ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của Phong trào TDĐKXDĐSVH trong xã hội được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân trong các năm qua cũng góp phần thúc đẩy phong trào TDĐKXDĐSVH của toàn tỉnh. Phong trào luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể, Ban Chỉ đạo và các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH từ tỉnh đến cơ sở; phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng và được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả tốt. Phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh, trở thành phong trào thi đua yêu nước trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các địa phương, cơ sở, ngày càng có chất lượng, hiệu quả; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương, cơ sở; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Tuy nhiên, trong thực tế chất lượng nhiều “Gia đình văn hóa” không cao; vẫn còn có những đơn vị được công nhận danh hiệu “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa” nhưng chưa có hoặc các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng được các tiêu chí theo quy hoạch, chưa có nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; còn nhiều hộ nghèo, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội còn nhiều hạn chế, vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa đảm bảo; nhiều làng, (thôn, xóm tổ dân phố) văn hóa không giữ vững được danh hiệu do có người sinh con thứ 3, vi phạm an toàn giao thông, đặc biệt là để xảy ra các tệ nạn xã hội, an ninh trật tự không đảm bảo, còn khiếu kiện. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc đăng ký các danh hiệu văn hóa, nhất là “Gia đình văn hóa” ở một số địa phương chưa thật sự chưa chặt chẽ, còn chạy theo thành tích; việc kiểm tra, xét duyệt các danh hiệu văn hóa còn chạy theo số lượng, thành tích. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo phong trào, công tác kiểm tra của một số BCĐ huyện, thành phố chưa thường xuyên sâu sát. Cán bộ văn hóa - xã hội ở một số xã, phường, thị trấn chưa tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện phong trào. Tình hình tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, mặt trái của cơ chế thị trường tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến giáo dục đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân ở một số địa phương chậm được khắc phục, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của danh hiệu.
Nhằm nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình Văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp, sửa đổi bổ sung quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ nói chung và các thành viên nói riêng, để phát huy hiệu quả, tích cực chỉ đạo phong trào, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào, cũng như của danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”, khắc phục được bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong việc công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH của Ban Chỉ đạo Trung ương; Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 30/5/2013 của UBND tỉnh Nam Định ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”, “Phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Cơ quan (đơn vị, doanh nghiệp) đạt chuẩn văn hóa, quy định thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 19/9/2017 của UBND tỉnh Nam Định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 30/5/2013 của UBND tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, làng, thôn, xóm tổ dân phố; phổ biến trong các cuộc họp, hội nghị; công khai các tiêu chuẩn của các danh hiệu văn hóa tại nhà văn hóa làng (thôn, xóm, tổ dân phố), làm cơ sở để các gia đình, làng (thôn, xóm, TDP) đăng ký các danh hiệu văn hóa, phấn đấu thực hiện; làm cơ sở để các cấp, các ngành có thẩm quyền liên quan trong việc kiểm tra, xét duyệt và công nhận danh hiệu văn hóa. Các huyện, thành phố hướng dẫn các đơn vị đăng ký các danh hiệu văn hóa xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tổ chức các hoạt động thường xuyên, có hiệu quả thiết thực tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ và nhân dân, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, duy trì và giữ vững chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”. Các gia đình, làng (thôn, xóm, TDP) tiếp tục thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; phòng chống văn hóa phẩm độc hại và các tệ nạn xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hương ước, quy ước làng (thôn, xóm, TDP). Tổ chức kiểm tra, xét công nhận các danh hiệu văn hóa đảm bảo công khai, công bằng, khách quan, chính xác, đúng tiêu chuẩn; không vì thành tích mà hạ thấp tiêu chuẩn hoặc công nhận vì số lượng. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị đạt các danh hiệu văn hóa theo quy định. Đối với các đơn vị điển hình tiêu biểu, ngoài việc công nhận khen thưởng theo quy định, nếu giữ vững danh hiệu nhiều năm liên tục cần xem xét đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng để ghi nhận, động viên những cố gắng nỗ lực liên tục nhiều năm liền của các địa phương, cơ sở.
Có thể khẳng định, nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở từng địa phương nhằm góp phần đưa Phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục phát triển bền vững.
P.T.L