Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019 với chủ đề “Hội tụ các miền di sản” được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức diễn ra từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 11 năm 2019, tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Bạc Liêu. Tham dự Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bạc Liêu năm 2019, Đoàn công tác của tỉnh Nam Định do đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn. Đại biểu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các đồng chí: Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở; Nguyễn Công Hiệp, Phó Giám đốc Sở; lãnh đạo một số phòng quản lý nhà nước; thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp liên quan. Cùng đi với Đoàn công tác còn có các nghệ sỹ Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định và các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đại diện cho cộng đồng nhân dân nơi có di sản.
Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019 được tổ chức, gắn với sự kiện kỷ niệm 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu. Thông qua các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch, tỉnh Bạc Liêu mong muốn giới thiệu, quảng bá các nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường kết nối tua, tuyến, thu hút du khách. Đây còn là cơ hội để tỉnh Bạc Liêu tổ chức ký kết, hợp tác xúc tiến đầu tư - thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tham gia Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019, ngoài đơn vị chủ nhà Bạc Liêu còn có 08 đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Tỉnh Nam Định với di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”; tỉnh Đắk Lắk với di sản văn hóa “Cồng chiêng Tây nguyên”; tỉnh Bắc Ninh với di sản văn hóa “Dân ca Quan họ Bắc Ninh”; tỉnh Ninh Bình với di sản văn hóa “Hát Chèo”; tỉnh Phú Thọ với di sản văn hóa “Hát Xoan”; tỉnh Quảng Nam với di sản văn hóa “Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ” và các tỉnh Ninh Thuận, Long An với di sản văn hóa “Nghệ thuật Đờn ca tài tử”. Trong số các di sản văn hóa tham dự Tuần văn hóa - Du lịch, có đến 06 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019 diễn ra trong 4 ngày với một chuỗi các hoạt động, cùng sự góp mặt của gần 1.000 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Điểm nhấn của sự kiện lần này là tại Lễ khai mạc, du khách sẽ được thưởng thức sự độc đáo của những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh như: Đờn ca tài tử Nam bộ (Bạc Liêu, Ninh Thuận, Long An); Hát Xoan (Phú Thọ); Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt (Nam Định); Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ (Quảng Nam); Dân ca Quan họ (Bắc Ninh); Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk).
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019, Ban Tổ chức đã bố trí cho tỉnh Nam Định một không gian 72 m2 để trưng bầy giới thiệu về loại hình di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”. Trong không gian này, ở vị trí trung tâm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định và các nghệ nhân đã tập trung tái hiện một không gian thiêng, gắn với tín ngưỡng phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hai bên là các tấm pa nô giới thiệu về di sản với chủ đề “Nam Định - Trung tâm của Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Sau Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và đông đảo du khách đã đến tham quan, trải nghiệm và nghe giới thiệu về giá trị của loại hình di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”.
Đến với Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019, tỉnh Nam Định mong muốn giới thiệu hình ảnh và giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến với đông đảo du khách, để du khách hiểu thêm về tín ngưỡng thờ Mẫu, tục thờ các nữ thần, tôn vinh những người tài giỏi có công với nước, với dân, trong đó người Mẹ - Mẫu là trung tâm luôn che chở và mang lại điều tốt lành cho con người ở thế giới thực tại. Đây còn là điều kiện để tỉnh Nam Định kết nối với các địa phương nơi có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong việc giao lưu các hoạt động, thúc đẩy du lịch phát triển tạo tiền đề để Nam Định tổ chức các hoạt động vinh danh di sản trong thời gian tới.
Vũ Phong