Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia Mộ và đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh

Ngày 22/10/2017, tại di tích đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh tổ chức trọng thể Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia Mộ và đền thờ thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Về dự Lễ đón Bằng xếp hạng di tích có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Hiền, TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh; đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL; lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở VHTTDL, UBND huyện Trực Ninh; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Cổ Lễ và đông đảo con cháu dòng họ Đào - Phạm - Dương ở các địa phương trong, ngoài tỉnh Nam Định.

Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, là nơi thờ phụng và tri ân công đức của các thế hệ con cháu dòng họ và nhân dân địa phương đối với Tiến sỹ Đào Toàn Bân và Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Trạng nguyên Đào Sư Tích là con thứ của Tiến sỹ Đào Toàn Bân. Ông sinh năm Canh Dần (1350), mất năm Bính Tý (1396), tại làng Cổ Lễ, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, nay là thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh. Vốn là người thông minh ham học, lại được cha dạy bảo nghiêm khắc nên vào mùa Xuân năm Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông, Đào Sư Tích thi Đình đỗ Trạng nguyên.

Sau lễ đăng khoa, Trạng nguyên Đào Sư Tích được vua Trần bổ chức Lễ bộ Thượng thư trông coi việc văn hóa, giáo dục của triều đình. Về sau, ông được thăng chức Nhập nội Hành khiển kiêm Hữu ty Lang trung. Nhập nội Hành khiển là chức quan cao cấp trong triều, chỉ đứng sau Tể tướng, nắm giữ các việc cơ mật của đất nước.

Trạng nguyên Đào Sư Tích làm quan trong thời kỳ nhà Trần đang ở vào giai đoạn suy vi. Đây là thời kỳ, Thượng hoàng Nghệ Tông tin dùng Hồ Quý Ly nên giải quyết mọi việc đều theo lời của Quý Ly. Trước bối cảnh xã hội như vậy, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An đã dâng sớ “thất trảm” lên vua để chấn chỉnh chính sự nhưng không được chấp thuận đành phải từ quan về ở ẩn. Về sau, Trạng nguyên Đào Sư Tích bị giáng chức nên đã cáo quan về quê dạy học và làm thuốc chữa bệnh.

Trước nhiều biến động của đất nước, nhà Minh tăng cường sức ép nhằm thực hiện mưu đồ xâm lược. Vua Trần Thuận Tông theo lời tâu của Hồ Quý Ly bèn triệu Trạng nguyên Đào Sư Tích hồi triều để đi sứ nhà Minh. Trong thời gian đi sứ, bằng tài năng, đức độ hơn người, ông không chỉ thuyết phục được vua nhà Minh giảm nhẹ các yêu sách, kéo dài thời gian hòa hoãn cho Đại Việt mà còn được ban phong mỹ tự “Lưỡng quốc trạng nguyên” (Trạng nguyên của hai nước). Theo truyền ngôn, Trạng nguyên Đào Sư Tích mất khi đi sứ ở Trung Quốc và thi hài của ông được đưa về an táng tại xứ Hạ Đồng, thị trấn Cổ Lễ, cách đền thờ Trạng nguyên khoảng 300m về phía Đông Nam.

Sau khi Trạng nguyên qua đời, nhân dân nhiều nơi trong nước lập đền thờ phụng. Tín ngưỡng thờ phụng Trạng nguyên Đào Sư Tích không chỉ là sự tri ân công đức của con cháu trong dòng họ, nhân dân địa phương đối với ông mà còn mang ý nghĩa tôn vinh một danh nhân văn hóa, tôn vinh chế độ học hành khoa cử của vương triều Trần.

Phát biểu tại Lễ đón Bằng xếp hạng, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, di tích Mộ và đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích được Bộ VHTTDL xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia không chỉ tôn vinh danh nhân, khẳng định giá trị lịch sử - văn hóa của di tích mà còn ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền và con cháu dòng họ trong việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích. Để tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị di tích, đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân thị trấn Cổ Lễ nói chung, dòng họ Dương thị trấn Cổ Lễ nói riêng cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan học tập tại di tích.

- Thực hiện nghiêm các quy định của Luật di sản văn hóa về bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên về truyền thống hiếu học của danh nhân.

Tại buổi Lễ, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao bằng xếp hạng và tặng hoa chúc mừng cho đại diện dòng họ. Đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tặng hoa chúc mừng cho đại diện dòng họ.

PV.

Các Tin khác