Ngày 30/01/2023, Thủ tướng chính phủ đã ban hanh Quyết định số 41/QĐ-TTg về việc Công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11) gồm có 27 hiện vật, trong đó có Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh.
Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ hiện nay đang được thờ tại Thượng điện chùa Phổ Minh (chùa Tháp) thuộc quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần, Chùa Phổ Minh, thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Chùa Phổ Minh còn gọi là chùa Tháp, vốn được xây dựng từ thời Lý, mở rộng vào thời Trần, có mối liên hệ mật thiết với Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Theo tư liệu và đặc điểm lịch sử, bộ tượng có niên đại từ thế kỷ XVII, hiện trạng còn nguyên vẹn, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng, khắc họa 3 vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền tông Việt Nam gồm: Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang. Hiện nay ở Việt Nam có ba địa phương đang sở hữu bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm cổ và nguyên vẹn là chùa Hoa Yên (Quảng Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và chùa Phổ Minh (Nam Định). Tuy nhiên, bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm chùa Phổ Minh mang những đặc điểm hoàn toàn khác biệt về chất liệu, tư thế. Ngoài giá trị hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm còn gắn với lịch sử hình thành, tồn tại chùa Phổ Minh - công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng thời Trần.
Việc công nhận bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm là bảo vật quốc gia có ý nghĩa to lớn, vừa góp phần khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của hiện vật tại di tích, đồng thờ góp phần khẳng định giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt đền Trần, chùa Phổ Minh - nơi khởi nguồn cho sự hình thành thiền phái Trúc lâm do Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Đây là bảo vật quốc gia thứ 5 của tỉnh Nam Định được Chính phủ công nhận.
PV