1. Trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, Nam Định là địa phương có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định có 1.330 di tích trong danh mục được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, công bố, trong đó có 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 83 di tích xếp hạng quốc gia và 280 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 04 nhóm bảo vật quốc gia. Với số lượng di tích nhiều, phân bố trên địa bàn 9 huyện và thành phố Nam Định, đồng thời là nơi lưu giữ hệ thống các di vật, đồ thờ tự phong phú, đa dạng nên công tác quản lý, bảo vệ di vật, đồ thờ tự tại các di tích cần được tăng cường trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.
Theo Luật di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 thì di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Trong đó, di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến việc quản lý, bảo vệ di vật, đồ thờ tự tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Khái niệm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia quy định trong Luật di sản văn hóa được hiểu như sau:
Di vật: là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
Cổ vật: là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.
Bảo vật quốc gia: là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Qua nghiên cứu khảo sát, hiện nay trong hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng là nơi lưu giữ một số lượng lớn các di vật, đồ thờ tự, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị, đảm bảo các tiêu chí về lịch sử, văn hóa, khoa học. Các di vật, đồ thờ tự đó khá phong phú, đa dạng về loại hình, chất liệu, niên đại.
Về loại hình bao gồm: tượng thờ, sắc phong, ngai, bài vị, nhang án, hoành phi, câu đối, văn bia, chuông, khánh.v.v…
Về chất liệu bao gồm nhiều loại khác nhau: đồng, gỗ, giấy, vải, đá, gốm sứ, nhiều di vật, đồ thờ tự được làm từ chất liệu quý, hiếm. Các di vật, đồ thờ tự còn hàm chứa nhiều giá trị khác nhau mà tiêu biểu là các giá trị về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật và lịch sử.
Về niên đại: Một hiện vật, đồ thờ tự có niên đại hàng trăm năm tuổi, đại diện cho một nền kỹ thuật, một quan niệm thẩm mỹ của thời đại đã qua, thậm chí của một cộng đồng, một dân tộc vì vậy chúng là những vật vô giá. Bởi vì, chúng minh chứng cho kỹ thuật của thời đại mà chúng được chế tạo ra. Thông qua các di vật, đồ thờ tự là cổ vật, bảo vật quốc gia chúng ta có thể đoán định về trình độ sản xuất đương thời mà lịch sử không ghi chép hoặc có ghi chép nhưng khá mờ nhạt. Giá trị mỹ thuật của di vật, đồ thờ tự còn được thể hiện thông qua các họa tiết, hoa văn trang trí, màu men, dòng chữ đề trên cổ vật, kiểu dáng sản phẩm… tạo ra những nét đặc trưng riêng của từng thời đại khác nhau.
Với những giá trị tiêu biểu như vậy nên di vật, đồ thờ tự luôn có sức hấp dẫn và là đối tượng để kẻ gian săn lùng, đánh cắp, trao đổi buôn bán bất hợp pháp.
2. Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân nên đạt được kết quả nhất định. Trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa nói chung, quản lý các di vật, đồ thờ tự nói riêng, đã được các cơ quan chuyên môn từ trung ương đến địa phương chỉ đạo, hướng dẫn.
Thứ nhất, thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật di sản văn hóa và các văn bản liên quan đến di sản, thời gian qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 07/7/2017 về việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định và Quyết định số 2330/QĐ-UBND ngày 17/10/2017 về phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định. Quy định về phân cấp và quy định về phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê được ban hành đã xác định rõ trách nhiệm các cấp, các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức cá nhân trong việc quản lý bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa. Đây là các công cụ pháp lý góp phần thực hiện tốt việc quản lý, nâng cao nhận thức, trách nhiệm để phát huy giá trị các di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh còn ban hành văn bản quy định về việc tiếp nhận về tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Với vai trò là cơ quan chuyên môn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố trong việc tiếp nhận các hiện vật, đồ thờ tự và các linh vật tại các di tích lịch sử - văn hóa; tăng cường công tác phòng chống thiên tai, cháy nổ, mất trộm di vật, đồ thờ tự tại các di tích; công văn về tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia.
Thứ hai, công tác lập hồ sơ xếp hạng đối với các di tích trên địa bàn tỉnh đã được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, hiện vật tại các di tích đề nghị xếp hạng, đã được cơ quan chuyên môn lập Bản thống kê hiện vật thuộc di tích để quản lý, bảo vệ. Trong Bản thống kê hiện vật ghi đầy đủ, chính xác các thông tin về tên gọi, mã số, nguồn gốc, niên đại, loại hiện vật, chất liệu, kích thước của hiện vật. Đây là hoạt động chuyên môn, nhằm tư liệu hóa, xác định giá trị ban đầu đối với hệ thống các di vật, đồ thờ tại di tích, làm căn cứ để Hội đồng khoa học xét duyệt, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xếp hạng di tích.
Thứ ba, về thành lập các Ban quản lý di tích tại địa phương: Hiện nay, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định, sau khi có quyết định xếp hạng của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích ban hành quyết định thành lập Ban quản lý để điều hành các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Hầu hết các di tích đều có người trông coi, bảo vệ. Thành phần tham gia Ban quản lý, tổ quản lý di tích gồm lãnh đạo chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương. Các ban quản lý, tổ quản lý di tích đã ban hành quy chế hoạt động để bảo vệ phát huy giá trị của di tích. Đối với các di tích quốc gia đặc biệt, theo Quyết định số 19 ngày 07/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh, các địa phương đã kiện toàn và thành lập ban quản lý di tích.
3. Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định thu được những kết quả, song vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác quản lý di vật, đồ thờ tự tại các di tích đã bộc lộ những vấn đề như: Một số địa phương tự ý tiếp nhận đồ thờ tự và các linh vật vào di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý có thẩm quyền; một số di tích còn xảy ra hiện tượng mất trộm đồ thờ tự. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian qua, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã bị kẻ gian lấy trộm di vật, đồ thờ tự có giá trị. Chỉ tính từ năm 2017 đến đầu năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức giám định nhiều vụ việc liên quan đến di vật, đồ thờ tự là tài sản của các di tích bị mất trộm theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an các huyện, thành phố Nam Định. Do đó, công tác quản lý di vật, đồ thờ tự tại các di tích ngày càng khó khăn và phức tạp, nhất là từ khi đất nước ta mở cửa thị trường hàng hóa với các nước trên thế giới.
Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc mất trộm di vật, đồ thờ tự, trong đó có các nguyên nhân sau: Di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh có số lượng nhiều, phân bố rộng, trải khắp các địa bàn; nhiều địa phương mặc dù đã thành lập Ban quản lý di tích, tuy nhiên người trông coi đều là người cao tuổi hoặc hoặc sư trụ trì mà không tổ chức thành lực lượng trông coi di tích; nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ di sản văn hóa còn chưa đầy đủ, đồng đều, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong việc quản lý di tích…Ngoài nguyên nhân tổ chức quản lý chưa chặt chẽ thì trên thực tế việc truy tìm kẻ gian, thu hồi các cổ vật bị đánh cắp còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Trước thực trạng nêu trên, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý di vật, đồ thờ tự tại các di tích lịch sử - văn hóa chúng tôi đưa ra một số ý kiến như sau:
- Đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền phổ biến các quy định của Luật di sản văn hóa trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa cũng như các giá trị di vật, đồ thờ tự hiện có tại các di tích cho đội ngũ cán bộ văn hóa tại các địa phương, những người trực tiếp trông coi các di tích trên địa bàn tỉnh.
- Cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm kê, lập danh mục các di vật, cổ vật hiện có trong các di tích lịch sử - văn hóa. Đối với các di tích đã xếp hạng, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn rà soát đối chiếu với Bản thống kê hiện vật thuộc di tích để bàn giao cho Ban quản lý di tích địa phương quản lý, định kỳ hàng quý, hàng năm kiểm kê số lượng, đánh giá tình trạng các di vật, hiện vật. Đối với các di tích trong danh mục kiểm kê, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố phối hợp, hướng dẫn các ban quản lý, chính quyền địa phương hoặc các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, trông coi lập danh mục thống kê các di vật, cổ vật hiện có trong di tích để quản lý về số lượng và hiện trạng của các di vật, cổ vật. Từ đó đề ra các biện pháp bảo vệ, bảo quản phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng di tích.
- Khuyến khích các địa phương đầu tư các trang thiết bị phòng chống cháy nổ, hệ thống cứu hỏa đủ tiêu chuẩn ở di tích. Tại các di tích có di vật, cổ vật quí hiếm cần đầu tư kinh phí, trang thiết bị đảm bảo an toàn như xây dựng tường bao, cửa, khóa kiên cố và lắp đặt các thiết bị camera giám sát. Những di tích có sắc phong, văn tự cổ cần được bảo quản, bảo vệ hoặc cất giữ ở những nơi an toàn.
- Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc quản lý bảo vệ di tích, tuyệt đối không khoán trắng cho nhân dân địa phương hoặc người trông coi bảo vệ di tích.
Để bảo vệ, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa, các ban quản lý di tích tại các địa phương cần đề cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng chức năng xây dựng phương án tuần tra canh gác, đấu tranh tố giác tội phạm. Với sự cố gắng, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong quản lý, bảo vệ di tích sẽ từng bước đẩy lùi được nạn mất trộm di vật, đồ thờ tự, góp phần trả lại không gian tôn nghiêm cho các di tích lịch sử - văn hóa.
Vũ Hồng Phong