Ngày 24/11/2021, sau 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội (Hà Nội) đến các địa phương trong cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố Nam Định.
Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của Hội nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với VNPT Nam Định tổ chức hội nghị với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Sở, Trưởng, phó các phòng quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc để tiếp thu, lắng nghe và xác định được các mục tiêu, giải pháp thiết thực để có thể tham mưu, triển khai thực hiện tại tỉnh Nam Định.
Đồng chí Nguyễn Tân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tại điểm cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (phiên làm việc buổi sáng) |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” và nhiều tham luận của các đại biểu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hội nghị và vai trò của văn hóa trong tiến trình phát triển của dân tộc “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi. Đồng chí Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, phải đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa, thực hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, gia đình Việt Nam thời kỳ mới tạo môi trường, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, phát huy cao độ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Hội nghị đã được nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày các nội dung cốt lõi trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 với nhiều mục tiêu được đặt ra đến năm 2030, Chiến lược phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; có ít nhất 05 di sản được UNESCO ghi danh theo công ước của UNESCO…. Đồng thời, Chiến lược đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp.
Đại biểu ngành VHTTDL dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc (phiên làm việc buổi chiều) |
Trong thời gian tới, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung công tác tham mưu, xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.