1. Tỉnh Nam Định nằm ở Trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng với địa hình đồng bằng kết hợp có núi, sông và biển. Ở từng khu vực địa lý hành chính đều dày đặc những dấu ấn văn hoá truyền thống được thể hiện qua các công trình di tích tín ngưỡng như: Đình, đền, miếu, phủ, lăng mộ, từ đường dòng họ với một số đặc điểm và loại hình đặc trưng, tiêu biểu sau:
Loại hình tín ngưỡng sùng bái tự nhiên: Cũng giống như nhiều địa phương khác, từ bao đời nay trong đời sống của đông đảo người dân Nam Định luôn hòa quyện với thiên nhiên. Có thể thống kê các di tích tại các làng xã thờ phụng những vị thần tự nhiên như: Đình Thông (xã Yên Trung) thờ thần Đá, đền Đống Cao (xã Yên Lộc) thờ thần Cầu, đền Công Núi (xã Kim Thái) thờ Sơn thần, đền Cây (xã Mỹ Tân), động Thanh Am (xã Nam Cường) thờ thần Cây…ngoài ra tại các địa phương còn nhiều di tích thờ phụng những vị thần tự nhiên như: thần sét, thần sấm, thần sông, thần biển. Tín ngưỡng sùng bái các vị thần tự nhiên đó đã thể hiện những mong ước của người dân được các vị thần che chở, cầu cho mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.
Loại hình tín ngưỡng thờ nhân thần: Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh, phổ biến nhất là loại hình tín ngưỡng dân gian phụng thờ các danh thần, danh tướng, các vị anh hùng dân tộc, những nhân vật có nhiều công lao trong công cuộc khai hoang, lập ấp, xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước và những bậc tiền nhân đã có công truyền nghề, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân… Tính từ thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Nam Định ngày nay, xưa kia đã là nơi sinh sống của người Việt cổ, những chứng cứ khảo cổ học ở hang Lồ núi Lê, hang Hổ (xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản) và những duệ hiệu của các vị thần: Cao Sơn, Qúy Minh, Thục An Dương Vương được thờ tại các di tích đã minh chứng điều này. Đến thời kỳ chống Bắc thuộc có tín ngưỡng phụng thờ các vị thần: Đào Quý Nương (đền Giáp Nhất, xã Trung Thành), Thục Côn công chúa (đình Thượng Lỗi), nữ tướng Mai Thị Hồng (đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng). Thời Tiền Lý có tín ngưỡng thờ Triệu Việt Vương tại đền Độc Bộ (xã Yên Nhân), đền Đồng Qũy (xã Nam Tiến), đền Giáp Ba, (TT. Nam Giang), đền Kiên Lao (xã Xuân Kiên)…. Thời kỳ Ngô - Đinh - Tiền Lê có tín ngưỡng thờ Kiều Công Hãn tại đền Gin (xã Nam Dương), đình Xám (xã Hồng Quang) thờ tướng quân Trần Lãm, đình Thượng Đồng (xã Yên Tiến) thờ Đinh Tiên Hoàng, đền An Lá (xã Nghĩa An) thờ tướng quân Nguyễn Tấn, đền An Nhân (xã Thành Lợi) thờ tướng quân Tạ Sùng Hy …
Đến thời Lý, mảnh đất Nam Định có di tích phụng thờ các vị thiền sư nổi tiếng như: Đền Tống Xá (xã Yên Xá), chùa Cổ Lễ (TT. Cổ Lễ) thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, chùa Keo Hành Thiện (xã Xuân Hồng) thờ thiền sư Dương Không Lộ, chùa Đại Bi (TT. Nam Giang) thờ Thánh tổ Từ Đạo Hạnh. Đến thế kỷ XIII - XIV, Nam Định là mảnh đất dấy nghiệp của các vị hoàng đế thời Trần, nơi đây được xem như là Kinh đô thứ 2 sau Thăng Long của quốc gia Đại Việt. Vì vậy, tín ngưỡng thờ phụng các danh thần, danh tướng, các vị trạng nguyên, bảng nhãn liên quan đến của vương triều Trần rất phong phú, đa dạng được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần, chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng).
Sang thời kỳ chống quân Minh xâm lược có đền Ngọc Chấn (xã Yên Trị) thờ danh tướng Đặng Dung, đình Ruối (xã Yên Nghĩa) thờ bà Lương Thị Minh Nguyệt... Thời Lê Sơ có đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo). Thời vua Lê, chúa Trịnh có di tích từ đường họ Đặng (xã Tân Thịnh) thờ Tiến sỹ Đặng Phi Hiển, đền Lộng Điền (xã Nghĩa Đồng) thờ Tiến sỹ Vũ Huy Trác... Đến thời Nguyễn, có đền thờ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (xã Nghĩa Lâm), đền Giao Cù (xã Đồng Sơn) thờ tiến sỹ Vũ Hữu Lợi, đền tiến sỹ Doãn Khuê (xã Nghĩa Thành)...
Loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu: Nam Định là một trong nhiều trung tâm hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Trên tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, mảnh đất Nam Định đã tập trung đầy đủ một hệ thống di tích thờ phụng và thực hành tín ngưỡng xoanh quanh nhân vật điện chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Loại hình tín ngưỡng này thể hiện được sức sống của một di sản văn hóa dân gian cực kỳ sâu rộng trong đời sống văn hóa của người dân Nam Định qua các giai đoạn lịch sử. Theo khảo sát và số liệu kiểm kê các di tích có liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định, tính đến đầu năm 2014 có 100 xã/phường/thị trấn của 10 huyện, thành phố đã có số di tích liên quan đến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại 130 phủ, 67 đền, 30 điện, 10 đình, 36 chùa, 10 miếu. Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh được thờ tập trung nổi bật nhất tại huyện Vụ Bản với trung tâm là Quần thể di tích Phủ Dầy và huyện Ý Yên với trung tâm là di tích Phủ Nấp/Quảng Cung.
Loại hình tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần: Nam Định là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, đất phát tích của vương triều Trần, quê hương của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Trần. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có tới 200 di tích thờ phụng, trong đó tiêu biểu là đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng). Từ xưa tới nay, trong tâm thức dân gian của đông đảo người dân Việt Nam nói chung, nhân dân Nam Định nói riêng đều suy tôn Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn lên bậc Thánh, Đức Thánh Trần. Đã hơn 7 thế kỷ trôi qua, nhân dân vẫn tin rằng Đức Thánh Trần luôn có mặt mọi nơi, mọi lúc để cứu dân độ thế. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đã thành nét đẹp văn hóa của đông đảo người dân Nam Định, nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức đối với vị anh hùng kiệt xuất với 3 lần đánh bại quân Nguyên - Mông xâm lược.
Loại hình di tích tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: Nếu như đình, đền là những di tích thờ thiên thần và nhân thần; phủ, miếu là những di tích thờ Mẫu thì giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lại gắn với các di tích là từ đường dòng họ, nhà thờ tổ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có tới hàng nghìn ngôi từ đường, nhà thờ tổ, trong đó có nhiều từ đường dòng họ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Các di tích từ đường thờ các vị cao tằng, thủy tổ những người có công khai hoang lập ấp, khai cơ lập nghiệp, được nhân dân suy tôn là Thành hoàng làng và các vị tổ nghề. Các di tích từ đường đều lưu giữ được giá trị kiến trúc và các lễ nghi truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và niềm tự hào của con cháu trong dòng họ. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, loại hình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tại các từ đường dòng họ đã góp phần hun đúc những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước và ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nam Định.
2. Với những đặc điểm phong phú, đa dạng về các loại hình di tích tín ngưỡng, trong thời gian qua, công tác quản lý đối với các di tích tín ngưỡng đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành văn hóa, thể thao du lịch triển khai thực hiện.
Thứ nhất, thực hiện Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật di sản văn hóa và các văn bản liên quan đến di sản, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 07/7/2017 về việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định và Quyết định số 2330/QĐ-UBND ngày 17/10/2017 về phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định. Quy định về phân cấp và quy định về phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê được ban hành đã xác định rõ trách nhiệm các cấp, các ngành, UBND các cấp, các tổ chức cá nhân trong việc quản lý bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa cũng như các công trình tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Đây là các công cụ pháp lý góp phần thực hiện tốt việc quản lý, nâng cao nhận thức, trách nhiệm để phát huy giá trị các di tích tín ngưỡng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn ban hành văn bản quy định về việc tiếp nhận về tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định và hướng dẫn việc tiếp nhận các hiện vật, đồ thờ tự và các linh vật tại các di tích lịch sử - văn hóa.
Thứ hai, công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với các di tích tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm đề nghị Sở VHTTDL nghiên cứu xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh và Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng. Từ năm 2016 đến nay đã có 01 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 04 di tích xếp hạng quốc gia và 41 di tích thuộc các huyện, thành phố được UBND tỉnh quyết định xếp hạng và cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định có 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 83 di tích xếp hạng quốc gia, 280 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Thứ ba, về thành lập các Ban quản lý di tích tại địa phương: Hiện nay, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định, sau khi có quyết định xếp hạng của cơ quan có thẩm quyền, UBND cấp xã nơi có di tích ban hành quyết định thành lập Ban quản lý để điều hành các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Thực hiện Quyết định số 19 ngày 07/7/2017 của UBND tỉnh, các di tích lịch sử - văn hoá ở Nam Định, trong đó có nhiều di tích tín ngưỡng đã được phân cấp cho UBND cấp xã trực tiếp quản lý. Hầu hết các di tích đều có người trông coi, bảo vệ. Thành phần tham gia Ban quản lý, tổ quản lý di tích gồm lãnh đạo chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương. Các ban quản lý, tổ quản lý di tích đã ban hành quy chế hoạt động để bảo vệ phát huy giá trị của di tích. Đối với các di tích quốc gia đặc biệt, theo quyết định số 19 ngày 07/7/2017 của UBND tỉnh, các địa phương đã kiện toàn và thành lập ban quản lý di tích.
Thứ tư, vấn đề xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích: Có thể nói nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích ở tỉnh Nam Định trong những năm qua đóng vai trò là “chất xúc tác”, thúc đẩy phong trào quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động xã hội hóa hoạt động tu bổ, bảo vệ di tích. Nhiều di tích khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm văn hoá với những công trình vững chắc, trường tồn song vẫn giữ được nét đẹp văn hoá truyền thống của tiền nhân, cha ông xưa để lại.
3. Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ phát huy giá trị các di tích tín ngưỡng đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Nam Định thu được những kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, có hiện tượng lấn chiếm, xâm phạm các khu vực bảo vệ của di tích; một số địa phương tự ý xây dựng, tiếp nhận đồ thờ tự và các linh vật vào di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Nhiều hành vi vi phạm di tích là do cố ý nhưng cũng không ít trường hợp vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật về di sản văn hóa. Một số trường hợp tu bổ di tích thiếu quy hoạch, thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, do vậy làm cho di tích bị biến dạng. Công tác quản lý lễ hội ở một số địa phương làm chưa tốt khiến việc tổ chức lễ hội có tác động tiêu cực tới cảnh quan môi trường của di tích. Một số di tích còn để xảy ra hỏa hoạn, mất trộm đồ thờ tự. Việc cắm mốc giới tại một số di tích xếp hạng chưa được triển khai trên thực địa.
Qua khảo sát, hiện nay nhiều di tích ở Nam Định đã bị xuống cấp, đòi hỏi các cơ quan quản lý, cộng đồng địa phương nơi có di tích cần xây dựng kế hoạch, giải pháp để quản lý bảo vệ, phát huy giá trị trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.
Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh, do đó cần có các quy định hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ những người hát văn, câu lạc bộ các thanh đồng hoặc các câu lạc bộ khác nhau để cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên phạm vi toàn tỉnh.
Nam Định là địa phương giàu truyền thống văn hiến, cách mạng nơi lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hóa độc đáo đã và đang góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Do đó, việc nhận diện, quản lý các loại hình di tích tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh là việc làm thiết thực để các di tích tín ngưỡng được quản lý, bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.
Vũ Hồng Phong