Tỉnh Nam Định có vị trí địa lý tọa lạc về phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống với nhiều di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc. Theo số liệu kiểm kê di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, công bố, hiện nay toàn tỉnh có 1.330 di tích, trong đó có 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 85 di tích xếp hạng quốc gia, 307 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trên địa bàn tỉnh, hàng năm diễn ra hơn 100 lễ hội, trong đó có 01 Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 06 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh các hoạt động lễ hội truyền thống, Hội chợ Viềng Xuân tổ chức tại Quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản); Chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) và Lễ Khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) từ lâu đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về tham dự.
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành các sản phẩm văn hóa, nguồn tài nguyên du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.... Đây chính là những điều kiện để tỉnh Nam Định triển khai và thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trương ương, của tỉnh đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Ngày 30/5/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định lồng ghép với việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 30/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành quy định, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận danh hiệu “ Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm) văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan (đơn vị), doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; Quy định thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Hàng năm, trước thời điểm tổ chức các lễ hội đầu Xuân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội. Nội dung văn bản yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội tập trung bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định; Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố thực hiện theo nội dung chỉ đạo của tỉnh và các văn bản pháp luật về di sản văn hóa.
Công tác tuyên truyền các văn bản quản lý nhà nước của Trung ương, văn bản của tỉnh, liên quan đến công tác quản lý các di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã xếp hạng, trong đó có quy định về thực hiện nếp sống văn minh đã được đẩy mạnh đặc biệt vào thời điểm trước, trong và sau khi các địa phương tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống.
Là địa phương có nhiều di tích diễn ra các hoạt động lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định tăng cường tuyên truyền, giáo dục, biểu dương những nét đẹp trong lễ hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội tập trung làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu ý nghĩa, giá trị lịch sử của di tích, lễ hội đến với du khách thập phương, hướng dẫn để không diễn ra các hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội, không cài, đặt tiền tuỳ tiện gây phản cảm; đề nghị ban tổ chức lễ hội bố trí người thu gom tiền lễ kịp thời đảm bảo cho lễ hội diễn ra trang nghiêm, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ phát huy giá trị di tích.
Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong hoạt động tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các di tích lịch sử - văn hóa tại thời điểm diễn ra các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã ban hành các quyết định thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động lễ hội, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa tại lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, bảo vệ phát huy giá trị của hoạt động lễ hội gắn với di tích lịch sử - văn hoá; việc đặt hòm công đức, tiền giọt dầu đúng nơi quy định, không để tình trạng đặt tiền lễ thiếu mỹ quan, ảnh hưởng tới di tích; ngăn chặn hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch trong khu di tích; đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã kịp thời ngăn chặn và xử lý các sai phạm, góp phần để các hoạt động diễn ra trong không khí trang nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh như: Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy; Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần, chùa Phổ Minh, Chùa Keo Hành Thiện...đó là những di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, hằng năm đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan, nghiên cứu. Do vậy, việc thực hiện nếp sống văn hóa nói riêng và các quy định về công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa nói chung luôn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ban quản lý di tích tích cực triển khai thực hiện. Trước thời điểm diễn ra các kỳ lễ hội, địa phương đều thành lập ban tổ chức, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tiểu ban. Trong thời gian diễn ra lễ hội, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa lịch sử của di tích, lễ hội đến với du khách thập phương. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không cài, đặt tiền tuỳ tiện gây phản cảm, đồng thời đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường. Kết thúc các kỳ lễ hội, Ban tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá, phát huy những ưu điểm và đề ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XIX đã ban hành 05 Nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”. Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Sự nghiệp và diện mạo văn hóa, văn minh đô thị đã có nhiều khởi sắc; các di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy; các hủ tục trong trong lễ cưới, lễ tang và lễ hội truyền thống dần bị loại bỏ.
Việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh ở các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BVHTTDL-BNV đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại các di tích xếp hạng trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, từng bước đẩy lùi những hiện tượng sai lệch, phản cảm.
Trong thời gian tới, để việc thực hiện nếp sống văn minh trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tại các di tích xếp hạng trên địa bàn tỉnh Nam Định được tăng cường, tiếp tục lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp đến với cộng đồng, từng bước giảm dần những hiện tượng mê tín dị đoan, các sai lệch biến tướng, phản cảm trong khi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, rất cần sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền sự đồng thuận của các chức sắc tôn giáo và đông đảo quần chúng nhân dân.
Vũ Hồng Phong