Phong tục “Đầu năm mua Muối” và Muối trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt

Không biết tự bao giờ, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, trong dân gian thường truyền tụng câu phương ngôn: “Đầu năm mua Muối” để nói về phong tục tập quán của người Việt Nam trong những ngày đầu năm mới.

Hạt muối mà chúng ta sử dụng hàng ngày chính là sự kết tinh của tự nhiên, là văn minh của nhân loại. Địa bàn tỉnh Nam Định với hơn 72 km đường bờ biển nên đời sống nhân dân các huyện ven biển nói riêng, nhân dân các địa phương trong tỉnh nói chung ít nhiều đều gắn bó với biển. Hầu hết các xã ven biển thuộc các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đều có những cánh đồng muối và qua thời gian đã hình thành nên những địa danh gắn liền với muối như: Muối Bạch Long, muối Hải Lý, muối Nghĩa Phúc…Tại những nơi này, người diêm dân quanh năm gắn bó với hạt muối vẫn lưu giữ những kinh nghiệm, tri thức dân gian, niềm tin văn hóa trong mỗi hạt muối.

Để làm ra được hạt muối, diêm dân phải thực hiện rất nhiều quy trình với các công đoạn khác nhau. Đầu tiên, diêm dân phải trải đều một lớp cát mỏng ra ruộng, sau đó dẫn nước từ biển vào cho nước biển ngấm vào cát. Nắng sẽ làm nước bốc hơi và những hạt muối nhỏ li ti kết tinh trên cát. Sau đó, cát được đưa vào bể chạt và lọc 2-3 lần bằng nước biển để thu được nước chạt (có độ mặn gấp nhiều lần nước biển, sạch hơn và sẽ thu được nhiều muối hơn). Cánh đồng làm muối cũng có cấu trúc khác với đồng ruộng thông thường. Ngoài kênh dẫn nước biển vào ruộng để làm muối thì còn có hệ thống sân phơi cát, sân phơi muối, bể và giếng lọc (hay còn gọi “chạt”) cuối cùng là lều để đựng muối thành phẩm.

Nước “chạt” khi đó sẽ được phơi trên sân riêng (sân phẳng được trộn với vôi và tro bếp, chia thành nhiều ô nhỏ) sau nhiều giờ liên tục dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời, hạt muối đã được kết tinh. Sau đó muối sẽ được cào và thu gom lại chở vào lều chứa, chờ thời gian đem tiêu thụ.

Từ xưa đến nay trong mỗi căn bếp của các gia đình chúng ta, hạt muối, hạt gạo luôn là thành phần không thể thiếu, nó không chỉ là mang lại cho con người giá trị về dinh dưỡng, sức khỏe mà còn hàm chứa một biểu trưng cho sự mặn mà, đằm thắm, gắn bó keo sơn của mỗi thành viên trong gia đình và cộng đồng xã hội.

Từ lâu, các thế hệ cha ông chúng ta đã biết sử dụng muối để làm gia vị cho thực phẩm, bảo quản thức ăn, chữa bệnh...do đó hạt muối có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực đời sống xã hội và văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Trong cuộc sống hàng ngày, hạt muối không chỉ là thứ gia vị cần thiết của các gia đình trong mỗi bữa ăn mà còn được xem là vật thiêng để dùng vào mỗi dịp tế, lễ. Với quan niệm hạt muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình và mua muối đầu năm cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.

Trong mối quan hệ gia đình, muối còn biểu trưng cho sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ với chồng. Trong kho tàng văn hóa dân gian các thế hệ cha ông chúng ta đã sưu tầm, thống kê, đúc kết rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về muối, tiêu biểu như:

Tay bưng chén muối, đĩa gừng,

Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau.

Hoặc

Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay

Đôi ta tình nặng nghĩa dày

Có xa nhau đi nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

Cái thanh tao, tinh khiết của hạt muối đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng vốn có tự lâu đời. Như vậy, có thể nói rằng hạt muối từ khi sinh ra đã gắn bó với sinh mệnh con người và rất thiêng liêng mỗi khi nhắc tới.

Mua muối đầu năm là một phong tục văn hóa của cha ông xưa, muốn giữ lại sự mặn mà trong cuộc sống. “Đầu năm mua Muối” là đi mua những cái mặn mà, may mắn cho gia đình mình trong một năm.

Hiện nay, trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, hạt muối vẫn giữ một vị trí rất quan trọng. Đầu năm thường mua một bát muối để mua lấy sự mặn mà, may mắn cho cả năm. Bát muối khi mua bao giờ cũng được đong đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát. Bát muối đong đầy được tới đâu, thì sự may mắn, đủ đầy sẽ cao tới đấy.

Vì thế, trong mâm cỗ cúng trung thiên trong thời khắc Giao thừa thiêng liêng, các gia đình sửa soạn mâm cỗ không bao giờ quên được đĩa muối trắng và cốc gạo, với hy vọng một năm mới bình yên, sung túc.

Trong những ngày đầu năm mới tại các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như: đình, chùa, miếu, phủ…những gói muối đã được bày bán bên cạnh hoa quả, vàng hương… Sau khi vào lễ Phật, lễ thánh lúc ra về trên tay các bà, các chị là những cành lộc còn có một gói muối, ai cũng đinh ninh trong lòng một niềm tin về năm mới mọi việc tốt đẹp, hanh thông.

Phong tục “Đầu năm mua Muối” đã được các thế hệ cha ông chúng ta đúc kết qua nhiều thế hệ, như muốn nhắc nhở các thế hệ cháu con trong cuộc sống phải “ăn dè” và chi tiêu tiết kiệm dành tiền để “cuối năm mua vôi” xây nhà hoặc làm những việc trọng đại khác.

Phong tục “Đầu năm mua Muối” còn hàm chứa một giá trị nhân văn mà cha ông chúng ta xưa muốn gửi gắm vào trong đó một lối ứng xử tinh tế giàu văn hóa, luôn đề cao sự tinh khiết, thanh tao, mặn mà trong các mối quan hệ gia đình, xã hội và cao hơn nữa là tình yêu quê hương, đất nước.

Vũ Hồng Phong

Các Tin khác
- Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 22/11
- Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tại các di tích xếp hạng trên địa bàn tỉnh Nam Định 22/11
- Hội nghị công bố quyết định của UBND tỉnh Nam Định thành lập Bảo tàng tỉnh Nam Định và Trung tâm Thể thao thành tích cao tỉnh Nam Định 22/11
- Lễ Khai ấn đầu xuân tại Đền Trần - Nam Định 22/11
- Họp hội đồng khoa học xét duyệt, xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định năm 2021 22/11
- Một số đặc điểm về loại hình di tích tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Nam Định và công tác quản lý đối với di tích tín ngưỡng đã xếp hạng trong thời gian qua 22/11
- Quản lý, bảo vệ di vật, đồ thờ tự tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện nay 22/11
- Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ 22/11
- Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh Nam Định tham dự Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc năm 2021tại tỉnh Vĩnh Phúc 19/04
- Tỉnh Nam Định dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần xuân Tân Sửu năm 2021 27/01
- Sở VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa đã được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh 21/12
- Hội đồng cấp tỉnh tổ chức họp xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba- năm 2021 26/10
- kết quả xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba - 2021 23/10
- Khai mạc chợ Tết "Một thoáng Thành Nam" Xuân Canh Tý - 2020 26/02
- Đoàn công tác của Bộ VHTTDL kiểm tra việc dừng tổ chức lễ hội để tập trung phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona tại di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định 05/02