Tỉnh Nam Định có vị trí địa lý tọa lạc về phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi bảo tồn nhiều di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đã được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi để công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, tôn vinh người có công với dân, với nước, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh công tác quản lý và tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá và duy trì các phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương.
Theo số liệu kiểm kê di tích, hiện nay tỉnh Nam Định có 1.349 di tích trong Danh mục được UBND tỉnh phê duyệt, công bố, trong đó có 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 83 di tích xếp hạng quốc gia, 299 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trên địa bàn tỉnh, hàng năm có hơn 100 lễ hội được tổ chức, trong đó Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” mà tỉnh Nam Định đại diện cho các địa phương có cùng di sản xây dựng hồ sơ đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái); Lễ hội đền Trần (phường Lộc Vượng,); Lễ hội chùa Keo Hành Thiện (xã Xuân Hồng); Lễ hội đền thờ Đức thánh tổ Nguyễn Minh Không (xã Yên Xá); Lễ hội đền, chùa Linh Quang (xã Phương Định); Lễ hội chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang); Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh các hoạt động lễ hội truyền thống, hội chợ Viềng xuân diễn ra tại Quần thể di tích Phủ Dầy; Chùa Đại Bi và Lễ Khai ấn đền Trần từ lâu đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về tham dự.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và Bộ VHTTDL, trong những năm qua nhiều di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Các di tích lịch sử - văn hóa sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành các sản phẩm văn hóa, nguồn tài nguyên du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.... Đây chính là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Nam Định triển khai và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” nói riêng và các văn bản của Trung ương, của tỉnh Nam Định nói chung trong quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt được một số kết quả:
Việc quán triệt, triển khai, thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) được cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành liên quan gắn kết chặt chẽ với việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.
Hàng năm, Sở VHTTDL chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Sở VHTTDL phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan báo chí: Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Nam Định, Tạp chí VHTTDL (nay là Bản tin VHTTDL) tập trung tuyên truyền các nội dung của Chỉ thị và các văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng để biểu dương những nét đẹp, giá trị trong các lễ hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và vai trò của các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo.
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Nam Định nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Các lễ hội được tổ chức diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, các nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển quê hương, đất nước.
Các lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, do vậy công tác tổ chức, quản lý đảm bảo trang nghiêm, thành kính. Các hoạt động lễ hội, các nghi thức diễn xướng, các trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật... là những sinh hoạt văn hóa phong phú, mang tính giáo dục, nhân văn. Trong công tác tổ chức lễ hội, các địa phương xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, thành lập Ban tổ chức và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, chương trình lễ hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác tổ chức và quản lý lễ hội như: Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các Ban tổ chức lễ hội chú trọng thực hiện.
Đối với một số lễ hội có quy mô lớn như: Lễ hội Phủ Dầy, Lễ Khai ấn đền Trần, Hội chợ Viềng xuân... hàng năm đã đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan, nghiên cứu. Do đó, việc quản lý và tổ chức lễ hội luôn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ban quản lý di tích tích cực triển khai thực hiện. Trước thời điểm diễn ra lễ hội, các địa phương đều thành lập ban tổ chức, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tiểu ban. Đặc biệt, trước khi diễn ra Lễ Khai ấn đền Trần, Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần thành phố Nam Định, tổ chức họp báo, với sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, qua đó đã cụ thể hóa công tác tuyên truyền về quản lý và tổ chức lễ hội. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội còn làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa lịch sử của di tích, lễ hội đến với du khách thập phương. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không cài, đặt tiền tuỳ tiện gây phản cảm, đồng thời đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường. Kết thúc các kỳ lễ hội, Ban tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá, phát huy những ưu điểm và đề ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng chống cháy nổ tại các di tích, lễ hội đã được Ban quản tổ chức lễ hội tại các địa phương, phối hợp với lực lượng công an tỉnh, công an các địa phương tăng cường, đảm bảo suốt thời gian trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội.
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường đã được các địa phương, các ban tổ chức lễ hội triển khai thực hiện theo Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT của Bộ VHTTDL và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại các di tích, lễ hội có quy mô lớn tập trung đông người như: Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần và Quần thể di tích quốc gia Phủ Dầy, công tác vệ sinh môi trường đã được UBND thành phố Nam Định và UBND huyện Vụ Bản quan tâm chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở và yêu cầu các Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm túc các nội dung:
- Thành lập tổ vệ sinh môi trường thường xuyên quét dọn, thu gom rác thải trong khuôn viên và khu vực xung quanh di tích đảm bảo vệ sinh môi trường, đối với các khu vệ sinh công cộng thực hiện việc tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất, giảm nguy cơ gây dịch bệnh.
- Đội quản lý trật tự đô thị phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường có liên quan đến khu vực lễ hội.
- Ban quản lý Di tích đền Trần, chùa Tháp, thành phố Nam Định đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định kịp thời thu gom, vận chuyển rác thải ra ngoài khuôn viên di tích trong suốt thời gian tổ chức lễ hội.
Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa diễn ra trong lễ hội được tập trung vào thời điểm trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội. Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập theo Quyết định của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Thanh tra Sở chủ trì phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thành phố nơi lễ hội diễn ra, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA 03) Công an tỉnh cùng các lực lượng chức năng có liên quan tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội; hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng.
Qua kiểm tra, thanh tra, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương trong tỉnh thực hiện đúng quy định; lễ hội được tổ chức theo các nghi lễ truyền thống. Ban tổ chức lễ hội, các thủ nhang, thủ từ, sư trụ trì tại các di tích đã chấp hành tốt quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội. Việc cắt cử người thường xuyên thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định đã được thực hiện thường xuyên tại các di tích. Các quy định của pháp luật về sử dụng và lưu thông tiền tệ được các địa phương tiến hành nghiêm túc; hạn chế tối đa việc đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch công khai trong khuôn viên di tích và lễ hội... Các địa phương đã triển khai tốt công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn giao thông. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nạn hành khất tại các lễ hội lớn như: Lễ khai ấn đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy và hội Chợ Viềng xuân đã giảm rõ rệt; hàng hóa, phí dịch vụ được niêm yết công khai.
Tính từ năm 2015 đến nay, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, tổ chức 23 cuộc kiểm tra và tiến hành kiểm tra 178 lượt tại các đền, phủ, chùa, lăng trong Quần thể di tích Phủ Dầy. Đoàn kiểm tra tập trung tuyên truyền, nhắc nhở các di tích và Ban quản lý di tích thực hiện tốt quy định pháp luật về công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Trong năm 2019, Thanh tra Sở đã tổ chức cuộc kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Nam Trực theo Quyết định số 529/QĐ-SVHTTDL ngày 23/10/2019 của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhìn chung, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” đã và đang được triển khai thực hiện tương đối ổn định, luôn nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Một số lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu như: Hội chợ Viềng Xuân và Lễ khai ấn đền Trần... đã và đang đi vào nền nếp. Những tồn tại trong công tác tổ chức Lễ khai ấn đã dần bị loại bỏ và không còn là “điểm nóng” để dư luận, báo chí quan tâm.