Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị.
Giai đoạn 2018-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã rà soát, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp trên cơ sở duy trì các đoàn nghệ thuật tiêu biểu của địa phương (chèo, cải lương, kịch nói); sáp nhập 3 trung tâm có chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực: văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền lưu động, điện ảnh, triển lãm; sáp nhập 2 trung tâm, trường nghiệp vụ huấn luyện, đào tạo thể dục thể thao (TDTT); sáp nhập 2 đơn vị lĩnh vực di sản, di tích (Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh); giải thể Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh; chuyển đổi Câu lạc bộ Bóng đá Nam Định theo mô hình Công ty Cổ phần thể thao chuyên nghiệp. Đến nay, Sở VH, TT và DL có 6 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc gồm: Bảo tàng tỉnh; Thư viện tỉnh; Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh; Trung tâm Thể thao thành tích cao tỉnh; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh (giảm 9 đơn vị so với trước năm 2015). Sau khi sáp nhập, các đơn vị thành lập mới đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ vào việc quản trị đơn vị và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trên các lĩnh vực: văn hóa, nghệ thuật, thư viện, bảo tàng, TDTT; mở rộng hoạt động, phát triển nguồn thu sự nghiệp, tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho viên chức, người lao động… Việc quản lý, sử dụng biên chế của các đơn vị đảm bảo quy định và phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức dựa trên cơ sở danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch viên chức và khung năng lực vị trí việc làm đã được UBND tỉnh phê duyệt. Từ năm 2018 đến năm 2023, số lượng người làm việc trong các đơn vị giảm 40 biên chế (từ 303 biên chế xuống còn 263 biên chế) theo chỉ tiêu kế hoạch tinh giản biên chế UBND tỉnh giao; kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và các đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Hàng năm, Sở VH, TT và DL tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thực thi công vụ, thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị. Chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của các đơn vị được nâng cao, đảm bảo chặt chẽ. Các đơn vị đã ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công và hoàn thiện chế độ kế toán, giám sát bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính. Sở VH, TT và DL với chức năng nhiệm vụ hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nên công tác quản lý biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập được quan tâm, đảm bảo theo yêu cầu điều chỉnh, cân đối phù hợp với chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp, sáp nhập; xây dựng vị trí việc làm khoa học, phù hợp với thực tế vị trí việc làm và yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ; rà soát, đánh giá trình độ đào tạo, năng lực của đội ngũ viên chức để điều chỉnh biên chế giữa các phòng, tổ, đội thuộc các đơn vị, khắc phục tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn ngành.
Là đơn vị thực hiện sáp nhập đầu tiên của Sở, Trung tâm Văn hoá, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức hoạt động và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành trên các lĩnh vực: thông tin, tuyên truyền lưu động, cổ động trực quan, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, triển lãm, chiếu phim. Tập thể cán bộ, viên chức của Trung tâm đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, định hướng, phát triển các câu lạc bộ văn hoá, nghệ thuật; tổ chức các lớp dạy năng khiếu nghệ thuật. Đối với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, từ khi sáp nhập từ 3 đơn vị: Nhà hát Chèo, Đoàn Cải lương, Đoàn Kịch nói đến nay, hoạt động của Nhà hát đã đi vào ổn định, ngày càng hiệu quả. Số lượng buổi biểu diễn và doanh thu của Nhà hát ngày càng tăng. Nhà hát tích cực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Để đáp ứng thị hiếu nghệ thuật ngày càng cao của khán giả, các đoàn nghệ thuật thuộc Nhà hát đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, dàn dựng, nâng cao chất lượng biểu diễn qua từng trích đoạn, vở diễn có giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của vùng đất Nam Định. Được thành lập từ năm 2020 trên cơ sở hợp nhất giữa Trung tâm Đào tạo Vận động viên bóng đá Nam Định và Trường Nghiệp vụ TDTT tỉnh, Trung tâm Thể thao thành tích cao tỉnh là nơi huấn luyện, đào tạo lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp tỉnh ở các bộ môn: bóng đá, điền kinh, võ cổ truyền, vật, vovinam, jujitsu, bơi, lặn… Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện. Khoa học và y học thể thao được ứng dụng hiệu quả. Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý thể thao, huấn luyện viên, trọng tài được chú trọng. Thể thao Nam Định đang có bước chuyển mạnh mẽ, tạo được nhiều dấu ấn đậm nét. Thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao Nam Định có những bước tiến vượt bậc, ngày càng khẳng định được vị thế trên toàn quốc.
Thời gian tới, Sở VH, TT và DL tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; trong đó chú trọng đến việc nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn của đội ngũ cán bộ, tăng cường quản lý cơ sở vật chất, phát huy nguồn nhân lực trong thực hiện các hoạt động chuyên môn. Chủ động rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển lĩnh vực VH, TT và DL để đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai toàn diện, hiệu quả. Tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành VH, TT và DL; đặc biệt là phát triển thể thao thành tích cao./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng