1. Tỉnh Nam Định có vị trí địa lý tọa lạc về phía Nam đồng bằng sông Hồng với địa hình đồng bằng kết hợp có núi, sông và biển, do đó trên địa bàn tỉnh, ở từng khu vực địa lý hành chính đều dày đặc những dấu ấn văn hoá truyền thống được thể hiện qua các công trình di tích tín ngưỡng như: Đình, đền, miếu, phủ, lăng mộ và từ đường dòng họ. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định có 1.348 di tích trong danh mục kiểm kê được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, công bố, trong đó có 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 85 di tích xếp hạng quốc gia và 297 di tích xếp hạng cấp tỉnh
Nam Định không chỉ là đất phát tích của nhà Trần, mà trải qua các giai đoạn lịch sử, với vị trí địa lý của vùng đồng bằng ven biển, nên vùng đất này còn trở thành nơi hội tụ, lan tỏa của nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian, trong đó phải kể đến tín ngưỡng phụng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương, một tín ngưỡng khá phổ biến ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Thân thế, sự nghiệp của Đức thánh Triệu Việt Vương trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được các nguồn tài liệu ghi chép đầy đủ và khá thống nhất. Điều đó, được thể hiện thông qua nội dung các bản thần tích, hệ thống văn bia, câu đối, đại tự đang lưu giữ tại các di tích ở trong và ngoài tỉnh Nam Định. Một điều đặc biệt, nội dung các nguồn tư liệu trên đều thống nhất và khẳng định, địa danh Độc Bộ (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên) là nơi ngài tuẫn tiết. Vì thế, tín ngưỡng thờ phụng Đức thánh Triệu Việt Vương tại các di tích trên địa bàn tỉnh Nam Định còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, là nơi ghi dấu sự tích hiển linh, hóa thánh. Trải qua các triều đại phong kiến di tích và địa danh Độc Bộ từ lâu đã được các nhà sử học, học giả nghiên cứu và nhân dân trong khu vực gọi đây bằng duệ hiệu tôn kính là “chính miếu”.
Theo số liệu thống kê bước đầu, số lượng các di tích phụng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh như sau: Giao Thủy 12 di tích, Hải Hậu 08 di tích, Mỹ Lộc 01 di tích, Nam Trực 18 di tích, Nghĩa Hưng 05 di tích, Trực Ninh 07 di tích, Vụ Bản 03 di tích, Xuân Trường 03 di tích và Ý Yên 05 di tích. Trong số các di tích đó, có nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa.(1)
Với số lượng di tích khá phong phú đã minh chứng và khẳng định thêm những mối liên hệ, đóng góp của Đức thánh Triệu Việt Vương đối với lịch sử dân tộc nói chung và mảnh đất Nam Định nói riêng.
Hiện nay, trên địa bàn xã Yên Nhân, huyện Ý Yên ngoài di tích đền Độc Bộ, nơi ngài tuẫn tiết và hiển linh hóa thánh còn có 03 di tích phụng thờ. Số lượng các di tích thờ phụng ngài còn được phân bố nhiều tại các huyện ven biển phía Nam của tỉnh như: Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… Kiến giải về sự phân bố này, G.S. Phan Đại Doãn trong bài viết “Mấy nét về công cuộc khai hoang thành lập hai tổng Hoành Thu, Ninh Nhất (Hà Nam Ninh)” đã khảo cứu văn bia “Phúc thần bi minh” lưu giữ tại di tích đền Tự Lạc (xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường) đã cung cấp cho chúng ta biết một thông tin quý giá: “Vua (Tự Đức) ra chiếu chỉ cho các xã dọc duyên hải tôn thờ thần hiệu Triệu Thánh Vương (tức Triệu Quang Phục) để cầu xin sự phò giúp. Các xã đều kính cẩn vâng theo” (2).
Như vậy, với việc nhà vua ban chiếu chỉ cho các xã trong khu vực dọc duyên hải tôn thờ Đức thánh Triệu Việt Vương để cầu xin sự phò giúp nên nhân dân các vùng đất mới khai khẩn đã tìm về nơi “chính miếu” xin rước chân nhang, thần hiệu của ngài về thờ phụng, cầu đảo mọi việc đều tốt lành, linh nghiệm. Về sau các triều đại phong kiến còn ban tặng sắc phong chuẩn cho sự thờ phụng. Từ đó, tín ngưỡng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương mới có điều kiện lan tỏa ra hầu khắp các huyện ven biển của tỉnh Nam Định và một số vùng lân cận trong khu vực, tạo thành một hệ thống di tích, tín ngưỡng khá phổ biến như ngày nay.
Tín ngưỡng phụng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương nơi vùng đất mới vừa mang ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ công đức vị hoàng đế có nhiều đóng góp trong công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc vừa mang ý nghĩa phụng thờ vị thần bảo hộ cho cuộc sống của cư dân vùng đất mới khai sáng ở vùng ven sông, ven biển.
2. Với những đặc điểm phong phú, đa dạng về các loại hình di tích tín ngưỡng, trong đó có di tích phụng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương, trong những năm vừa qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị đối với các di tích trên địa bàn tỉnh Nam Định luôn được ngành văn hóa, thể thao du lịch, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương triển khai thực hiện.
Về thực hiện Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật di sản văn hóa và các văn bản liên quan đến di sản. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 07/7/2017 về việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định và Quyết định số 2330/QĐ-UBND ngày 17/10/2017 về phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định. Quy định về phân cấp và quy định về phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê được ban hành đã xác định rõ trách nhiệm các cấp, các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức cá nhân trong việc quản lý bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa cũng như các công trình tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Đây là các công cụ pháp lý góp phần thực hiện tốt việc quản lý, nâng cao nhận thức, trách nhiệm để phát huy giá trị các di tích tín ngưỡng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh còn ban hành văn bản quy định về việc tiếp nhận về tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định và hướng dẫn việc tiếp nhận các hiện vật, đồ thờ tự và các linh vật tại các di tích lịch sử - văn hóa.
Về công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với các di tích trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng.
Về thành lập các Ban quản lý di tích tại địa phương, hiện nay, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định, sau khi có quyết định xếp hạng của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích ban hành quyết định thành lập Ban quản lý để điều hành các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Về công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã được chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện theo các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Có thể nói, nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích ở tỉnh Nam Định trong những năm qua đóng vai trò là “chất xúc tác”, thúc đẩy phong trào quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động xã hội hóa hoạt động tu bổ, bảo vệ di tích. Trong số các di tích được tu bổ, tôn tạo có nhiều di tích phụng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương như: Đền Độc Bộ, Đình Phạm Xá (xã Yên Nhân), đền Tam Thôn (xã Trực Thuận), đình Vuông (xã Giao Phong), đình Thanh Khiết, đình Đan Phượng (xã Giao Yến)…với số kinh phí đầu tư tu sửa lên đến hàng tỷ đồng và nhiều ngày công lao động của nhân dân.
3. Hàng năm vào dịp trung tuần tháng Tám (âm lịch), tại các di tích phụng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương trên địa bàn tỉnh Nam Định, chính quyền và nhân dân địa phương đã long trọng cử hành lễ hội để tưởng niệm ngày hoàng đế Triệu Việt Vương hiển linh, hóa thánh. Trong số các lễ hội gắn với tín ngưỡng phụng thờ đó phải kể đến Lễ hội truyền thống đền Độc Bộ, xã Yên Nhân từ lâu đã nổi tiếng trong khu vực đồng bằng Bắc bộ và là một trong nhiều lễ hội mùa thu tiêu biểu của tỉnh Nam Định.
Với ý nghĩa là “chính miếu” nên không phải ngẫu nhiên mà hầu như các địa phương có di tích phụng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Nam Định vào dịp lễ hội truyền thống đều tề tựu tại đền Độc Bộ để làm lễ cáo yết để xin phép khai hội. Do đó, công tác quản lý tổ chức lễ hội đền Độc Bộ đã được ngành văn hóa, chính quyền và nhân dân địa phương thống nhất tổ chức, quản lý và triển khai thực hiện.
Thời gian tổ chức lễ hội diễn ra từ ngày 12-15 tháng Tám (âm lịch) với các nghi lễ truyền thống, trong đó có nghi lễ “Tế Tam kỳ giang” rất độc đáo thu hút đông đảo du khách tham gia. Lễ “Tế Tam kỳ giang” là nghi thức tế trời đất, cảm tạ công ơn Đức thánh Triệu Việt Vương, người đã có công dựng nước, tạo lập cuộc sống cho nhân dân. Vì thế, đây là một nghi thức quan trọng trong lễ hội, nên theo lệ xưa, các làng Độc Bộ, Phạm Xá, Dương Phạm, Đoài Thôn và nhiều di tích khác trong tỉnh lần lượt rước kiệu lên thuyền làm lễ. Giữ vai trò chủ tế bao giờ cũng là người dân làng Độc Bộ.
Buổi sáng ngày 13 tháng Tám (âm lịch), các làng tổ chức kiệu rước, dâng lễ trước sân đền Độc Bộ. Sau khi các đoàn rước vào đền làm lễ xong, đúng giờ chính Ngọ (12 giờ trưa), nghi thức “Tế tam kỳ giang” diễn ra giữa ngã ba sông Đào và sông Đáy bắt đầu. Các làng rước kiệu bát cống, cùng các loại cờ, bát biểu, chấp kích lên những chiếc thuyền lớn tiến ra giữa ngã ba sông (cách đền Độc Bộ khoảng 150-200m) để làm lễ. Vị trí cử hành nghi lễ là điểm hợp lưu của dòng sông Đáy, sông Đào và dòng nước từ cửa biển đổ vào. Nghi thức tế này gồm hai "tuần lễ" (khoá lễ). “Tuần lễ" thứ nhất để tế trời đất cầu cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên bể lặng, mùa màng bội thu… “Tuần lễ” thứ hai tế thánh với nghi thức các đội tế đọc chúc văn, rước nước về đền Độc Bộ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, "Tế tam kỳ giang" là nghi thức tế, lễ độc đáo nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, được tổ chức giữa ngã ba sông với nhiều phần tế lễ mang tính đặc trưng, cầu mùa tiêu biểu cho cư dân vùng đồng bằng trồng lúa nước.
Lễ hội đền Độc Bộ ngày nay không còn mang tính chất lễ hội của làng mà đã trở thành lễ hội vùng, trong đó lễ "Tế tam kỳ giang" ngày càng được chính quyền và nhân dân địa phương chuẩn bị công phu nên đã trở thành hoạt động văn hóa tâm linh hấp dẫn thu hút sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Vũ Hồng Phong