1. Bảo tàng tỉnh Nam Định là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được xếp hạng II trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Nam Định đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày hơn 23.500 tài liệu, hiện vật phản ánh khá toàn diện về lịch sử tự nhiên và xã hội của tỉnh, trong đó có 04 nhóm bảo vật quốc gia, 19 sưu tập hiện vật quý hiếm.
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của trung ương và của tỉnh để tham mưu, triển khai thực hiện theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020”; Quyết định số 208 của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/6/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 01/7/2016 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”.
Từ năm 2009 đến năm 2012, sau khi hoàn thành nội dung trưng bày cố định và các chuyên đề, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án “Tổ chức các trò chơi dân gian và tìm hiểu kiến thức lịch sử văn hoá cho học sinh tại Bảo tàng” năm 2014 và Đề án “Tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng” năm 2015. Nội dung các Đề án của Bảo tàng tỉnh đã cụ thể hóa phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Đề án “Xây dựng xã hội học tập”; Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần gắn kết hoạt động bảo tàng với giáo dục học đường. Bảo tàng tỉnh Nam Định đã nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với các đối tượng công chúng, đa dạng hóa hình thức giáo dục, trải nghiệm trong đó chú trọng vào đối tượng là học sinh, sinh viên. Theo đó, ngoài hướng dẫn tham quan, giới thiệu trưng bày theo đặc thù chuyên ngành, hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Nam Định còn tập trung vào các nội dung: Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống và đương đại; Tổ chức biểu diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: múa rối nước, hát Chầu văn, hát Xẩm...; Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” qua việc thực hành vấn khăn, mặc trang phục gắn với một số vấn hầu; Thi tìm hiểu phong tục Tết Nguyên đán, Tết Trung thu; trải nghiệm tập làm bác nông dân; Tổ chức hoạt động chợ quê ngày Tết.....
Bảo tàng tỉnh Nam Định còn tổ chức các tiết học về lịch sử, mỹ thuật tại bảo tàng phù hợp với chương trình giáo dục của nhà trường và khả năng, điều kiện sẵn có của bảo tàng. Tổ chức thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương thông qua các sự kiện lịch sử tiêu biểu, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các danh nhân tiêu biểu. Tổ chức các tuyến điểm tham quan kết nối bảo tàng với các di tích tiêu biểu trong tỉnh. Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề về lịch sử, văn hóa, con người Nam Định và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng.
2. Bảo tàng tỉnh Nam Định đã đám sát các nội dung, nhiệm vụ của Đề án, chủ động báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây nội dung kế hoạch ký kết phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Nam Định trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh như:
+ Kế hoạch số 180/KH-SVHTTDL-SGDĐT ngày 08/3/2014 về phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh
+ Kế hoạch số 132/KH-SVHTTDL-SGDĐT ngày 03/02/2016 về phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh
+ Kế hoạch số 885/KH-SVHTTDL-TĐNĐ ngày 20/11/2019 về việc phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh giai đoạn 2019-2022.
Đây là các hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi để các bạn học sinh, sinh viên có điều kiện được nghiên cứu, học tập, góp phần hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.
Từ năm 2015 đến năm 2018, được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các cuộc triển lãm theo chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa 3-2, Trường Đại học Điều dưỡng và tại các huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Kết quả, triển lãm đã thu hút hàng lượt nghìn công chúng đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, chủ quyền pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 2019, Bảo tàng tỉnh Nam Định tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị “Gắn kết hoạt động giáo dục tại bảo tàng và di sản văn hóa với các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp du lịch” nhằm đánh giá kết quả 05 năm (giai đoạn 2013- 2018) thực hiện Kế hoạch phối hợp công tác về tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh tại bảo tàng và di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, đặc biệt là đại diện các trường học, các công ty du lịch lữ hành. Hội nghị đã đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối hoạt động giáo dục tại bảo tàng và di sản văn hóa với các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp du lịch lữ hành.
Bên cạnh các công việc chuyên môn, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề như: Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học kỷ niệm 750 Thiên Trường-Nam Định”; Hội thảo khoa học “Văn hóa thờ Nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và châu Á, Bản sắc và giá trị”; Hội thảo khoa học “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại (trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu)”; Tọa đàm khoa học “Tư tưởng nhân văn quân sự của các danh thần võ tướng thời Trần”… xuất bản một số tập gấp giới thiệu về Di tích lịch sử văn hóa Cột Cờ Nam Định, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị, Những kỷ vật đi cùng năm tháng, Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử và pháp lý…
3. Từ khi triển khai thực hiện Đề án, trung bình hàng năm Bảo tàng tỉnh Nam Định đón khoảng 12.000 lượt khách từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 9.000 lượt học sinh, sinh viên đến từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng và các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã cung cấp cho học sinh, sinh viên kiến thức về lịch sử văn hóa, về truyền thống văn hiến của quê hương Nam Định và của dân tộc giúp bổ sung kiến thức lý thuyết đã học ở trường, nhất là môn lịch sử, văn học. Bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên về truyền thống của cha ông, khơi dậy lòng tự hào của quê hương, dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm tạo hứng khởi theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học” góp phần đổi mới công tác giáo dục.
Đạt được kết quả như trên, Bảo tàng tỉnh đã chủ động, tham mưu báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh để cụ thể hóa các nội dung của Đề án như:
- Xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh và tham mưu xây dựng Kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục cho đoàn viên, thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh giai đoạn 2019- 2022; xây dựng, cải tạo không gian trải nghiệm, giới thiệu các hoạt động biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể ...
- Từ năm 2018 đến nay, được sự đồng ý của UBND tỉnh Nam Định, Bảo tàng tỉnh tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị và cá nhân tổ chức các hoạt động Chợ tết “Một thoáng Thành Nam” xuân Mậu Tuất 2018, Xuân Kỷ Hợi 2019 và Xuân Canh Tý 2020 với nhiều nội dung hoạt động như: triển lãm Thành Nam xưa; trưng bày giới thiệu sinh vật cảnh, chim cảnh; tổ chức giao lưu cổ vật đầu xuân và chợ bán đồ xưa; hoạt động trình diễn di sản văn hóa phi vật thể múa rối nước, hát xẩm, hát văn…; giới thiệu văn hóa ẩm thực và tham quan trưng bày nội ngoại thất bảo tàng… Kết quả hoạt động đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu góp phần quan trọng trong việc tái tạo không gian văn hóa truyền thống, phục vụ nhu cầu tham quan thưởng thức của nhân dân và du khách trong dịp tết cổ truyền của dân tộc, hình thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng để duy trì tổ chức thường niên và tiến tới hình thành tuyến phố đi bộ trong không gian Thành cổ Nam Định.
- Ứng dụng Công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý và phát huy giá trị các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Nam Định gồm: các phân hệ quản lý hiện vật, phân hệ trưng bày hiện vật ảo 3D; số hóa hiện vật bảo tàng, số hóa 3D hiện vật ảnh không gian trưng bày trong và ngoài bảo tàng; Trang thông tin điện tử Bảo tàng tỉnh Nam Định (htttp://baotangtinhnamdinh.vn) được áp dụng thực tiễn. Kết quả lượt người truy cập không ngừng được tăng lên, từ tháng 01/2019 đến tháng 7/2020 đã có 40.379 lượt người truy cập.
Có thể nói, sau một thời gian triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” của Chính phủ, Bảo tàng tỉnh đã bám sát các nhiệm vụ nội dung, chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động phù hợp với đặc thù của đơn vị. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục, học tập tại bảo tàng và các thiết chế văn hóa trên địa bàn của tỉnh.
Những hoạt động trong việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” của Chính phủ thời gian qua đã đưa vào Bảo tàng tỉnh Nam Định trở thành một trong các bảo tàng cấp tỉnh hoạt động năng động, hiệu quả nhất trong toàn quốc hiện nay, khẳng định vị thế của bảo tàng hạng II của một tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đấu tranh cách mạng, là một trong những vùng đất kết tinh, hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc.
T.X.K