Tiến sỹ Đỗ Tông Phát và sự nghiệp khẩn hoang vùng đất Tân Khai, Quế Hải huyện Hải Hậu

Tiến sỹ Đỗ Tông Phát tự là Tử Huấn, hiệu là Mai Hiên, sinh năm Quý Dậu (1813), trong một gia đình nhà nho nghèo tại thôn Tây, xã Quần Anh Hạ, nay thuộc xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu. Thân phụ của Đỗ Tông Phát là sinh đồ Đỗ Kim Quỹ, thân mẫu là người họ Phạm. Ngay từ nhỏ, Đỗ Tông Phát đã mồ côi cha, nên mẹ ông phải gánh vác công việc làm thuê, cuốc mướn để lấy tiền nuôi con ăn học. Mặc dù, sống trong điều kiện bần hàn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng Đỗ Tông Phát tỏ rõ là người có chí khí hơn người, học hành chăm chỉ và nổi tiếng là người văn hay chữ tốt.

Là một người quan tâm, mở mang sự học cho nhân dân nên năm 1838, Chánh tổng Quần Anh, Nguyễn Quang Chiêu đã mời ông nghè Ngô Thế Vinh (1803-1856), người làng Bái Dương, huyện Nam Chân (nay là thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực) về dạy học và mở lớp Đại tập tại xã Quần Anh Trung. Đỗ Tông Phát may mắn được theo học ông nghè Ngô Thế Vinh. Là người uyên thâm, không những giỏi văn sách, thơ phú nên ông nghè Ngỗ Thế Vinh đã để ý tới cậu học trò Đỗ Tông Phát.

Vào mùa hạ năm Kỷ Hợi (1839), trong một kỳ bình văn tổ chức tại đình Tứ Giáp, xã Quần Anh Trung (nay thuộc xã Hải Trung) quyển của Đỗ Tông Phát đã được thầy phê “Phú trung đa hữu, gai cứ tẩm tẩm, hồ nhập giai cảnh”, nghĩa là “trong bài phú có nhiều câu hay dẫn dắt người ta vào cảnh đẹp”. Đến kỳ bình văn tiếp theo vào mùa thu, quyển của Đỗ Tông Phát lại được thầy phê “Bát vận pháp môn, ngô môn trung Trần Thúc Kiêm cử nhân hữu ngộ khiếu. Tỷ đẳng phú tân bất hứa Trần tử chuyên tỉnh”, nghĩa là “ Cử nhân Trần Thúc Kiêm trường ta hiểu thấu về thể văn tám vế. Nếu đem so sánh với bài phú này hẳn sẽ không để thầy cử Trần giữ mãi chiếu trên”.

Đúng như dự đoán của thầy, trong kỳ thi Hương, khoa Canh Tý (1840), Đỗ Tông Phát đậu Giải nguyên. Ba năm sau vào kỳ thi Đình khoa Quý Mão (1843), Đỗ Tông Phát đỗ Tiến sỹ khi ở tuổi 31. Lẽ ra trong kỳ thi này, Đỗ Tông Phát đỗ Hoàng giáp nhưng khi duyệt quyển vua Thiệu Trị thấy nghĩa của một chữ chưa hay nên đánh tụt xuống Đệ tam giáp Tiến sỹ.

Sau khi đăng khoa, Đỗ Tông Phát được bổ làm Hàn lâm viện Biên tu. Năm Tự Đức thứ nhất (1848), ông nhận chức Tri phủ Ứng Hòa, sau đó đổi vào Nghệ An làm Đốc học.

Sau một thời gian làm việc, sức khỏe của ông bị giảm sút, ông xin về quê tĩnh dưỡng. Khi sức khỏe phục hồi, ông đã chiêu mộ nghĩa binh xin triều đình cho đi coi giữ miền biên viễn phía Đông Bắc. Về sau, ông được triều đình triệu về kinh thăng hàm Quang lộc Thiếu khanh, Quốc sử Toản tu.

Tháng 11 năm Bính Dần (1866), vua Tự Đức chuẩn y đặt nha Doanh điền tỉnh Nam Định để khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, ngăn nước mặn và cử quan Tham tri Bộ hộ Nguyễn Chính làm Doanh điền Chánh sứ. Tiến sỹ Đỗ Tông Phát được triều đình điều về Nam Định giữ chức Thương biện tỉnh vụ, kiêm Dinh điền Phó sứ. Từ khi trở về quê nhà, Tiến sỹ Đỗ Tông Phát có nhiều điều kiện để làm nhiều việc hiếu nghĩa cho quê hương.

Ngay khi nhận chức Dinh điền Phó sứ, Đỗ Tông Phát đã chiêu mộ 117 hộ gia đình thuộc hai huyện Nam Chân và Giao Thủy đến khai hoang khu bãi bồi phía đông Quần Anh, phía nam Hà Lạn.

Được triều đình cho phép, ông đã tổ chức cùng nhân dân đắp đê ngăn nước mặn. Sau khi các cửa sông Sâu, sông Cát, sông Múc (nhánh của sông Ninh Cơ) đã được lấp xong, một vùng bãi lầy, sú vẹt, lau lác um tùm dần được cải tạo thành đồng ruộng. Dân cư của các vị tiên công chuyển về lập nên 4 lý công điền là Tang Điền, Kiên Chính, Hòa Định, Văn Lý. Đến năm 1888, 4 lý Tang Điền, Kiên Chính, Hòa Định, Văn Lý được hợp nhất thành tổng Tân Khai (nay là khu vực các xã Hải Lý, Hải Chính).

Dưới sự chỉ đạo của Tiến sỹ Đỗ Tông Phát, công cuộc khai phá đất đai ở vùng đất mới được triển khai một cách khẩn trương, vì vậy đến năm 1867 đã lập thêm được ấp Hải Nhuận.

Niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1896), sau khi cử quan tỉnh và quan sứ đi kinh lý, triều đình nhà Nguyễn đã cho phép 6 xã Trùng Quang, Thanh Trà, Trung Phương, Doanh Châu, Quế Phương, Liên Phú cùng ấp Hải Nhuận thành tổng Quế Hải (nay là khu vực các xã Hải Quang, Hải Tây, Hải Đông).

Mặc dù, ruộng đồng trong tổng Tân Khai và Quế Hải đã hình thành nhưng công việc cầy cấy, gieo trồng còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Do vậy, trong thời gian dài, Tiến sỹ Đỗ Tông Phát đã cùng với nhân dân địa phương giành nhiều công sức cho việc đắp đê, đào sông “dẫn thủy nhập điền” thau chua rửa mặn. Trong bài thơ “Đạo lũng xuân canh” (Đường cày mùa xuân) của Tiến sỹ Đỗ Tông Phát đã miêu tả những khó khăn vất vả của người nông dân trên vùng đất mới.

Biển mới nên nương đất chửa nhuần,

Thau chua rửa mặn mấy gian truân.

Đường cày xuân muộn sương mới tưới,

Khoảnh ruộng bồi non cấy gặt dần.

Bò sớm đi còn sao điểm tóc,

Bừa chiều về đã khói chen chân.

Những mong thời tiết sao cho thuận,

Non thẳm đêm đêm ngắm bóng vần.

(Tú tài Trần Xuân Hảo, người xã Hải Trung dịch)

Năm 1881, thấy đồng ruộng của tổng Ninh Nhất khô nẻ, Đỗ Tông Phát đã cho đào sông Cát Giả để đưa nước phù sa vào, tiếp tục sự nghiệp khai phá đất đai của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ trước đây ở vùng đất Cửu An, Nhất Phúc. Từ đây cả một vùng bãi bồi ven biển hoang vu đã dần hình thành đồng cói mênh mông, ruộng lúa tốt tươi.

Song song với sự nghiệp khẩn hoang, Tiến sỹ Đỗ Tông Phát còn mở trường dạy học cho con em địa phương. Năm Nhâm Ngọ (1882), Tiến sỹ Đỗ Tông Phát tâu xin vua Tự Đức cho phép đem một số ruộng nhượng điền (ruộng tư) của các xã thành lập ruộng sĩ hội (học điền) nhằm giúp đỡ những học trò nghèo có thêm điều kiện để theo đuổi sự nghiệp văn chương, khoa cử.

Năm Quý Tỵ (1893), 5 năm sau khi huyện Hải Hậu được thành lập, Tiến sỹ Đỗ Tông Phát qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân địa phương. Sau khi Tiến sỹ Đỗ Tông Phát mất, nhân dân hai tổng Tân Khai, Quế Hải đã suy tôn ông làm Thành hoàng làng, xây dựng đền thờ phụng ghi nhớ công ơn. Tên tuổi và công sức của Tiến sỹ Đỗ Tông Phát còn sống mãi trong lòng nhân dân huyện Hải Hậu.

Như vậy, cùng với các vị thủy tổ thuộc “Tứ tính” “Cửu tộc” đứng đầu là thủy tổ Trần Vu, nối tiếp về sau là An Phủ sứ Vũ Duy Hòa, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, Tiến sỹ Đỗ Tông Phát đã đóng góp một phần tài năng, công sức cùng với nhân dân trăm họ chung sức, đồng lòng khai hoang mở đất để hình thành nên địa danh Hải Hậu giàu truyền thống văn hiến, cách mạng như ngày hôm nay.

Vũ Hồng Phong

Tài liệu tham khảo

1. Địa chí Nam Định, Tỉnh ủy- HĐND-UBND tỉnh Nam Định, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.

2. Địa chí Hải Hậu, Huyện ủy-UBND huyện Hải Hậu, 2009.

Các Tin khác
- Tỉnh Nam Định tham gia Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021 29/11
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Kế hoạch ghi hình tập Phim tài liệu giới thiệu, quảng bá các giá trị của di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh Nam Định 29/11
- Nghề dệt Chiếu cói ở thôn Liêu Hải, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng 29/11
- Khả Lang - nơi đào tạo nhiều thế hệ Cung văn cho Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ 29/11
- Độc đáo những cây cầu Ngói ở Nam Định 29/11
- Di tích Lịch sử quốc gia Đền, chùa Hà Dương, xã Hoàng Nam 29/11
- Di tích Phủ Thông Khê nơi phụng thờ Thái phi Trần Thị Ngọc Đài và Lịch sử Hội hoa trượng trong Lễ hội Phủ Dầy 29/11
- Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” của Chính phủ 29/11
- Các di tích phụng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương trên địa bàn tỉnh Nam Định, thực trạng quản lý và phát huy giá trị 22/11
- Thân vệ Đại tướng quân Trần Nhân Trứ 22/11
- Danh tướng Nguyễn Đăng 22/11
- Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” 22/11
- Quốc công Đặng Tất và danh tướng Đặng Dung hai nhân vật lịch sử kiệt xuất thời Hậu Trần 22/11
- Phong tục “Đầu năm mua Muối” và Muối trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt 22/11
- Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 22/11