Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Nam Định

(VTR) - “Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Nam Định” là chủ đề của Hội thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nam Định phối hợp với Tạp chí Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức ngày 19/12/2017 tại Nam Định nhằm đánh giá thực trạng của du lịch Nam Định, làm rõ những hạn chế, tồn tại và đề xuất các giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch có tiềm năng đồng thời định hướng quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch Nam Định đến với đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Các đồng chí: Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Khúc Mạnh Kiên, TUV, Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định; Nguyễn Đức Xuyên, Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch; Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì hội thảo.

Theo Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định Khúc Mạnh Kiên, Nam Định là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn có khả năng tổ chức các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên sinh thái là hai hướng ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển du lịch cả nước. Trên địa bàn tỉnh có 1.330 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 349 di tích đã được xếp hạng gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích đền Trần - chùa Phổ Minh và di tích chùa Keo Hành Thiện), 81 di tích quốc gia và 266 di tích cấp tỉnh. Nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc như: quần thể di tích văn hóa Trần, phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, cầu Ngói chùa Lương, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh... Ngoài ra, tỉnh Nam Định còn có hơn 400 nhà thờ công giáo với kiến trúc đặc trưng phương Tây tập trung ở các huyện phía Nam cũng có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định Khúc Mạnh Kiên phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Lê Anh Tú

Nam Định nằm trong “vành nôi văn minh lúa nước sông Hồng” nên có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú với các loại hình dân ca, dân vũ như: hát chèo, hát văn, múa rối nước, rối đầu gỗ, các trò chơi dân gian như: bơi chải, đi cà kheo, thi cọ lửa... Tại các địa phương trong tỉnh hàng năm có hơn 100 lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp đầu xuân, cuối thu trong đó có những lễ hội nổi tiếng vì quy mô và sự độc đáo như Hội chợ Viềng Xuân mỗi năm chỉ có một phiên, Lễ hội đền Trần với tục khai ấn đầu năm, Lễ hội phủ Dầy được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia... Đặc biệt, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt mà tỉnh Nam Định được Bộ VHTTDL giao lập hồ sơ trình UNESCO đã được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016...


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng

Mặc dù có tiềm năng hết sức to lớn, tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với các điểm tham quan du lịch của tỉnh Nam Định có xu hướng tăng chậm dần. “Ngoài những yếu tố về điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành Du lịch, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực… còn nhiều hạn chế thì phải kể đến một nguyên nhân chủ yếu là sản phẩm du lịch của tỉnh còn nghèo nàn, đơn điệu, phần lớn khai thác ở dạng tự nhiên, chưa được đầu tư nâng cấp chất lượng đồng bộ và hoàn chỉnh để tăng sức hấp dẫn, thu hút đối với du khách. Một số sản phẩm du lịch trước đây thu hút đông khách du lịch đã có biểu hiện “bão hòa” như sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng biển, tính cạnh tranh còn thấp. Khả năng liên kết giữa các sản phẩm du lịch nhất là những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Nam Định với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc với vai trò là “điểm nhấn” trên hành trình tour, tuyến còn hạn chế, rời rạc nên chưa tạo được sự đa dạng cho sản phẩm du lịch của cả vùng”, ông Khúc Mạnh Kiên nêu rõ.

ThS. Cao Thị Ngọc Lan - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho hay, lượng khách du lịch đến với các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Nam Định trong thời kỳtừ năm 2000 đến nay vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân 10,6%/năm và năm 2017 ước đạt gần 2,3 triệu lượt. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này đang có xu hướng chững lại mà một trong những nguyên nhân cơ bản là sản phẩm du lịch của Nam Định còn đơn điệu, thiếu điểm nhấn và chưa được đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Chính vì vậy, Nam Định mong muốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh và đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành… về những giải pháp xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù.

Đoàn khảo sát một số điểm đến tại Nam Định. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng

TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch chủ yếu của Nam Định gồm có:

- Về du lịch văn hóa: Để thu hút khách quốc tế, cần quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, tổ chức khảo cổ xác định giá trị di sản công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Hành Cung Thiên Trường thế kỷ 13 - 14 gắn với vương triều Trần - một triều đại võ công văn trị đã 3 lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông. Có thể nghiên cứu xây dựng trung tâm thông tin giới thiệu (bằng nhiều ngôn ngữ) về giá trị di sản để du khách đến thăm có thể hiểu biết sâu hơn về quần thể di tích đặc biệt này.

+ Du lịch văn hóa tâm linh mang tính đặc trưng riêng của Nam Định là tín ngưỡng thờ Mẫu tại quần thể di tích văn hóa phủ Dầy gắn với Lễ hội phủ Dầy. Đây là điểm du lịch quốc gia hiện thu hút khách nội địa là chủ yếu. Tuy nhiên, sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại, khả năng thu hút khách quốc tế tăng lên đáng kể. Vì thế, cần quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo các di tích, duy trì phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như: lễ hội, hát văn, hầu bóng (loại trừ yếu tố mê tín dị đoan), tôn tạo cảnh quan, môi trường tự nhiên.

+ Du lịch làng nghề với sản phẩm truyền thống như đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên (huyện Ý Yên), các làng nghề cây cảnh của huyện Nam Trực và Hải Hậu là những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Có thể kết hợp loại hình du lịch tham quan, du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho khách quốc tế cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống lao động sản xuất và tập quán sinh hoạt của người dân làng nghề địa phương. Qua đó góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân làng nghề từ hoạt động du lịch.

- Về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng quê

+ Khai thác phát huy giá trị của sản phẩm du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy - điểm ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nơi dừng chân của các loài chim di trú nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.

+ Khai thác phát huy giá trị thương hiệu quốc tế của khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng sông Hồng đối với hệ sinh thái đất ngập nước thuộc huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia vào hoạt động du lịch để họ có việc làm, có thu nhập ổn định và tham gia tích cực vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên sinh thái.

+ Hình thành loại hình du lịch tham quan cảnh quan làng quê tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn với văn hóa mở đất của cộng đồng cư dân các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (nơi tiếp cận, giao thoa với văn hóa phương Tây cùng với sự xuất hiện sớm của đạo Thiên Chúa và hệ thống các nhà thờ). Thông qua các hoạt động du khảo đồng quê, du khách có cơ hội tham quan, trải nghiệm nông thôn mới, tham quan các nhà thờ công giáo với kiến trúc đa dạng, thưởng thức các đặc sản nông nghiệp như: gạo tám, gạo nếp Hải Hậu.

- Du lịch trên sông: Nam Định có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, trong đó có các sông lớn như sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ. Hệ thống sông này kết nối thành phố Nam Định với nhiều điểm du lịch trong tỉnh, bởi vậy, có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch trên sông để tận dụng lợi thế và những nét đặc sắc của tuyến giao thông tự nhiên, gắn kết các di tích lịch sử - văn hóa vốn vô cùng phong phú dọc các sông, gắn với nền văn minh lúa nước của Việt Nam, kết nối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, để phát triển được loại hình du lịch này, cần xây dựng hệ thống cầu cảng dành riêng cho tàu thuyền du lịch, xây dựng hệ thống báo hiệu đường sông cho khách du lịch, cải tạo hệ thống cảnh quan bên bờ các con sông... Đây là việc làm đòi hỏi thời gian, công sức và đầu tư kinh phí rất lớn. Bởi vậy, giai đoạn trước mắt, để khai thác tiềm năng du lịch này, có thể xây dựng các tour ngắn trên sông với điểm xuất phát từ các bến của sông Đào thuộc địa phận thành phố Nam Định, phát triển ra các hướng nối với sông Hồng tham quan cầu Tân Đệ, phà Tân Đệ, đền Cây Quế hoặc xuôi về phía Nam thăm làng nghề cây cảnh Vị Khê, đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với thành phố Hà Nội và các tỉnh liên quan để nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch sông Hồng liên tỉnh.

TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Đề xuất định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Nam Định:

Thứ nhất, cần tìm ra yếu tố riêng khác, tiêu biểu, đặc trưng cho vùng, thậm chí cho quốc gia mà Nam Định sở hữu có thể cấu thành hai loại hình du lịch ưu tiên trên. Với loại hình du lịch gắn với các giá trị thiên nhiên, cần tập trung trọng điểm vào Vườn quốc gia Xuân Thủy. Các giá trị nổi bật về địa hình và hệ sinh thái của vườn quốc gia này so với các nơi khác trong cả nước và toàn khu vực Đông Nam Á đã được UNESCO công nhận. Việc xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng mặc dù đã được triển khai, đưa vào khai thác song cần bám sát các yêu cầu và tiêu chí thiết kế dịch vụ và xây dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm mà Dự án EU đề xuất trong bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam VTOS (Dự án Du lịch có trách nghiệm với môi trường và xã hội do liên minh châu Âu tài trợ, 2013). Việcxây dựng được sản phẩm du lịch có trách nhiệm tại điểm sinh thái độc đáo sẽ thu hút được khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao. Điều này cũng cần được xem xét để tạo điểm nhấn về thương hiệu, tạo sức hút trong quảng bá cho địa phương.

Thứ hai, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cuối năm 2016. Đây là sự vinh danh một biểu hiện văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh người Việt vùng châu thổ sông Hồng. Điều này không chỉ tạo thêm sức hấp dẫn cho du khách quốc tế với điểm đến còn mang đậm sắc màu văn hóa bản địa mà còn khuyến khích sự tham gia ngày càng đông đảocủa du khách nội địa, của chính người Việt để hiểu thêm, gắn bó thêm và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của chính họ. Nam Định được coi là trung tâm thờ Mẫu của đồng bằng Bắc Bộ bởi sự quy tụ hàng trăm di tích thờ Mẫu, tiêu biểu là hai điểm thực hành lớn nhất là phủ Dầy thờ Mẹ (thánh Mẫu Liễu Hạnh) và đền Trần thờ Cha (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) trong nguyên lý lưỡng phân lưỡng hợp “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Đây là lợi thế rất lớn cho Du lịch Nam Định xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh đặc thù vừa tôn vinh vừa bảo tồn di sản, vừa mang lại sự cải thiện điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương. Đối với khách du lịch nội địa, cần giảm sự ảnh hưởng của tính thời vụ bằng việc tổ chức các sự kiện như liên hoan chầu văn, diễn xướng hầu đồng… vào thời gian ngoài mùa vụ. Đối với khách du lịch quốc tế, cần tạo ra sự dẫn dắt, thâm nhập để du khách được hiểu thông qua nhận thức và cảm xúc. Thương hiệu Du lịch Nam Định nhờ những điều này đã có sẵn những giá trị cốt lõi. Vấn đề của ngành Du lịch là đưa những giá trị này đến với thị trường một cách khoa học và nhân văn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: Nam Định không nên so sánh thế mạnh tài nguyên tự nhiên với các địa phương khác, mặc dù Nam Định có biển, có sông, mà điểm nhấn của Nam Định chính là du lịch tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nên tập trung vào loại hình này đồng thời phát triển chầu văn để tạo thành một điểm nhấn cho du lịch văn hóa. Đây chính là nét đặc sắc của Nam Định mà không phải địa phương nào cũng có.

Bên cạnh đó, du lịch có tiềm năng về du lịch làng nghề, du khảo đồng quê, du lịch chiêm ngưỡng nhà thờ cổ… có thể nói Nam Định là “thủ đô” của nhà thờ nhưng đưa vào thành điểm du lịch không hề đơn giản, để thành sản phẩm du lịch cần một quá trình, cần thời gian và sự quyết tâm.

Với 24 tham luận của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành, hội thảo đã tập trung trao đổi xung quanh những vấn đề Du lịch Nam Định đang “vướng”, như xác định thị trường khách du lịch của Nam Định để từ đó có kế hoạch xây dựng sản phẩm phù hợp; phát triển cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng; khu vui chơi giải trí ra sao để giữ chân du khách; khai thác ẩm thực – yếu tố quan trọng tăng sức hấp dẫn của du lịch Nam Định; khắc phục tính mùa vụ của du lịch Thành Nam; vai trò của các doanh nghiệp du lịch trong việc quảng bá du lịch Nam Định…

Đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu về phát triển sản phẩm đặc thù của Nam Định, Giám đốc Sở VHTTDL Khúc Mạnh Kiên nhấn mạnh, đây là những thông tin hết sức quý báu, làm cơ sở giúp cho công tác quy hoạch và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, tạo ra điểm nhấn, những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, riêng có của địa phương, có sức hấp dẫn thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, Nam Định nghiên cứu xây dựng các chương trình du lịch, đào tạo nhân lực, tăng cường liên kết, thúc đẩy du lịch phát triển.

“Nam Định xác định vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và quảng bá thương hiệu du lịch là vấn đề quan trọng và cấp thiết. Điều này có ý nghĩa đặc biệt khi trong thời gian tới toàn ngành Du lịch nói chung, Nam Định nói riêng tập trung triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có các nhiệm vụ: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, xúc tiến quảng bá, phát triển nhân lực du lịch…”, Giám đốc Khúc Mạnh Kiên nhấn mạnh.

Theo: Tạp chí Du lịch

Các Tin khác
- Khai mạc Hội chợ Du lịch - Thương mại Nam Định năm 2017 21/12
- 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn 16/10
- Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL về thực hiện mục tiêu phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn 28/11
- Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 03/11
- Phát động cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” 17/10
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Thủy 12/07
- Nhà hàng Cánh Diều Vàng Nam Định được vinh danh Doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017 10/07
- Thành lập Ban quản lý Khu Du lịch Thịnh Long. 29/06
- Sở VHTTDL phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu du lịch Thịnh Long và Quất Lâm 16/06
- Tăng cường công tác quản lý chất lượng cơ sở lưu trú du lịch. 19/06
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên quy mô toàn quốc 16/06
- Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra công tác triển khai hoạt động du lịch biển năm 2017 16/06
- Tổng cục Du lịch hướng dẫn triển khai thực hiện việc đánh giá điểm đến du lịch. 27/06
- Bún đũa và Phở bò Nam Định lọt TOP 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam 26/06
- Tổng cục Du lịch hướng dẫn việc quản lý hoạt động kinh doanh đón khách du lịch tại các nhà khách, nhà nghỉ của các Bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 26/06